Bóng đá Đông Nam Á thay đổi thế nào từ AFF Cup 2018?
AFF Cup là một giải đấu thuộc vùng trũng của bóng đá thế giới - Đông Nam Á. Nhưng AFF Cup 2018 đang thực sự trở thành ngày hội, không chỉ với các nước trong khu vực.
Những tín hiệu tích cực
AFF Cup 2018 đã đi đến chặng đường cuối cùng, chỉ còn duy nhất trận chung kết lượt về giữa Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình. Ngày 15/12 tới, Đông Nam Á sẽ xác định được “nhà vua mới” trên sân cỏ. Vì thế, ngay từ thời điểm này, có thể đánh giá AFF Cup 2018 là giải đấu thành công về mọi mặt.
AFF Cup 2018 được nâng tầm cả về hình ảnh lẫn chuyên môn
Chưa năm nào AFF Cup được truyền thông khu vực quan tâm sâu sắc và những tờ báo thể thao lớn ở châu Á dành cho AFF Cup 2018 thời lượng nhất định. Tiêu biểu như tờ FOX Sports luôn cập nhật diễn biến giải đấu nhanh nhất, đi cùng với đó là nhiều bài bình luận chuyên sâu.
Về chuyên môn, chất lượng các trận đấu cũng gia tăng đáng kể. Điều này thể hiện qua việc không có quá nhiều trận đấu chênh lệch lớn về tỉ số. Campuchia hay Lào, hai đội thuộc top yếu nhất khu vực đã khiến các ông lớn như Việt Nam, Malaysia gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, là những siêu phẩm mang đậm hơi thở bóng đá hiện đại, mạnh mẽ, quyết đoán.
“Sự kịch tính hay yếu tố thẩm mỹ là một phần, chiến thuật tại AFF Cup 2018 mới thực sự ấn tượng. Trước đây, bóng đá Đông Nam Á thường chơi kiểu hồn nhiên, bản năng nhiều hơn tư duy chiến thuật. Còn tại giải năm nay, hầu hết các đội bóng đều có sự tổ chức lối chơi rất rõ ràng, chặt chẽ, giống như nhiều đội bóng lớn trên thế giới. Trong đó, Việt Nam và Malaysia thể hiện nổi bật hơn cả. Hai đội bóng vào chung kết đều chú trọng phát triển bóng từ sân nhà tới cầu môn đối phương”, cựu danh thủ Vũ Như Thành phân tích.
Đường đến World Cup còn xa
Lý giải cho việc AFF Cup 2018 có bước chuyển mình lớn, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng, điều này không lạ, bởi khu vực Đông Nam Á đang là một trong những điểm sáng về đầu tư cho bóng đá. “Dù mặt bằng kinh tế Đông Nam Á còn thấp nhưng đây lại là khu vực nhận nhiều sự chú ý của các cường quốc trên thế giới. Muốn thu hút đầu tư, cách nhanh nhất là tập trung vào thể thao. Chính bởi vậy, những năm gần đây, Đông Nam Á đã tăng cường chi cho bóng đá và đem đến hiệu quả nhất định. Dễ nhận thấy nhất là AFF Cup 2018 rất khí thế, nhiều màu sắc, kịch tính”.
Cựu danh thủ Vũ Như Thành lại khẳng định, việc xuất hiện những nhà cầm quân tầm cỡ như Sven-Goran Eriksson (Philippines), Milovan Rajevac (Thái Lan) hay Park Hang-seo (Việt Nam) khiến AFF Cup trở nên danh giá hơn rất nhiều: “Họ đều đã để lại ấn tượng ở đấu trường World Cup. Đặc biệt, HLV Eriksson là một nhà cầm quân đẳng cấp thế giới. Tư duy chiến thuật họ mang đến cũng rất mới mẻ so với bóng đá Đông Nam Á, từ đó tạo ra sức hút”.
Bên cạnh đó, thành tích của bóng đá Đông Nam Á ở đấu trường châu Á đang ngày được cải thiện nên việc giới mộ điệu quan tâm tới AFF Cup 2018 không khó hiểu: “U23 Việt Nam về nhì châu Á, U23 Malaysia cũng vào tới tứ kết. Tại ASIAD, Việt Nam lọt top 4 đội mạnh nhất. Năm 2015, Myanmar dự U20 World Cup và hai năm sau tới lượt Việt Nam. Những bước tiến như vậy buộc châu Á phải nhìn Đông Nam Á bằng con mắt khác”.
Tuy nhiên, nhà vô địch AFF Cup 2008 cũng thừa nhận, dù bóng đá Đông Nam Á đang chuyển mình nhưng rất khó để dự World Cup trong tương lai gần. “Nhật Bản từng xây dựng lộ trình 50 năm dự World Cup nên không thể yêu cầu Việt Nam, Malaysia 5-8 năm có thể vươn ra đấu trường lớn nhất thế giới. Muốn dự World Cup, một nền bóng đá buộc phải có nhiều thế hệ cầu thủ tài năng gối đầu nhau, bồi đắp thực lực. Ngoài ra, bóng đá còn phụ thuộc vào kinh tế. Chúng ta hãy nhìn các quốc gia dự World Cup tại châu Á, họ đều là cường quốc kinh tế, bắt kịp những quốc gia này còn khó với Đông Nam Á chứ chưa nói đến tầm thế giới”.
Đồng quan điểm, chuyên gia Trịnh Minh Huế chia sẻ: “Nếu để tính toán chặng đường đến World Cup của bóng đá Đông Nam Á, tôi tin là rất khó. Con số chắc chắn không nhỏ, kể cả khi World Cup nâng lên thành 48 đội tham dự. Các đội bóng Đông Nam Á muốn dự World Cup phải luôn nằm trong top đầu châu Á. Mà điều này thì cả thời gian dài khu vực ASEAN không làm nổi”.
Sai lầm của Văn Hậu thể hiện sự xuống sức nghiêm trọng trong giai đoạn cuối trận.