Bóng đá chuyên nghiệp VN: Cái kết buồn cho một mô hình
Chiều 13/8 tại sân Thống Nhất, Cà Mau mang tâm trạng buồn khôn nguôi khi chính thức trở lại hạng Nhì chỉ sau một mùa giải góp mặt ở hạng Nhất. Đồng Tháp ở V-League cũng không khá hơn khi chiều nay (27/8) tiếp SHB Đà Nẵng, nhưng người ta mặc nhiên Đồng Tháp đã xuống hạng.
Trở lại năm 2015, ngày 20/10, Cà Mau khiến cho giải hạng Nhất 2016 rối tung với văn bản xin không đá hạng Nhất. Sau đó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng đã thuyết phục lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhận lại suất hạng Nhất đó bằng mô hình bóng đá từ Nhật Bản với Công ty CP phát triển bóng đá Cà Mau.
Các cầu thủ Cà Mau (giữa) sẽ chính thức trở lại hạng Nhì chỉ sau một mùa giải góp mặt ở hạng Nhất. Ảnh: Tường Thế
Với vốn điều lệ nghe nói là… 15 tỷ đồng, Cà Mau lấy lại suất đá hạng Nhất từ Bình Định. Dù thời điểm ấy Bình Định đã chuẩn bị xong xuôi mọi chuyện để lên chơi hạng Nhất. Chuyện rắc rối này khiến tốn nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian đó.
Nhưng một năm sau áp dụng mô hình bóng đá kiểu Nhật của bầu Thắng, Cà Mau phải xuống hạng Nhì với tương lai vô định, trong lúc các cầu thủ còn bị nợ lương vì đội bóng khó khăn và thiếu kinh phí hoạt động.
Còn CLB Đồng Tháp chỉ kiếm được 8 điểm sau 22 lượt trận (kém đội xếp trên là Long An tới 10 điểm trong khi V-League 2016 chỉ còn 4 vòng đấu nữa sẽ hạ màn), tấm vé rớt hạng trực tiếp coi như đã thuộc về đội bóng xứ bưng biền.
Trước Cà Mau, Đồng Tháp suýt giải tán vì không đủ kinh phí chơi V-League 2015. Nhưng cũng từ mô hình kiểu Nhật của bầu Thắng, Đồng Tháp cho ra đời Công ty CP phát triển bóng đá Đồng Tháp và được đá V-League. Giờ Đồng Tháp cũng chuẩn bị về lại giải hạng Nhì.
Một cái kết buồn cho CLB Đồng Tháp và Cà Mau không chỉ là chuyện xuống hạng mà còn là “cái chết” của một mô hình được áp dụng máy móc cho những đội bóng chưa hội đủ điều kiện lập công ty Cổ phần phát triển bóng đá.
Từ bi kịch của bóng đá Cà Mau và Đồng Tháp, cho thấy các CLB không thể “đẻ” ra một công ty cổ phần mang nặng tính hình thức để “qua mặt” ban tổ chức giải đấu chỉ để chứng minh tài chính.
Còn bầu Đức, sau 9 năm đầu tư vào Học viện HAGL-Arsenal-JMG, đã chi ra số tiền gần 50 triệu USD – một khoản tiền khủng. Nhưng giờ đây, học viện đang có dấu hiệu chựng lại và bầu Đức thu lại được gì từ đứa con tinh thần của tập đoàn HAGL?
Trong khi sản phẩm trực tiếp của học viện là bộ 3 Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường thì ra nước ngoài thi đấu. Hơn 9 tháng kể từ ngày Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đặt chân sang J-League 2 và K-League thì vẫn mãi dự bị.
Còn các lứa sau vẫn chưa cho thấy được sự kế thừa của lứa Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường. Ở Thái Lan cũng xây dựng học viện Arsenal trước Việt Nam nhưng giờ người Thái đã bỏ học viện để theo mô hình bóng đá học đường.
VPF sau khi học tập mô hình bóng đá từ Nhật Bản và Hàn Quốc, giờ lại chuyển hướng sang Đức học tập để làm bóng đá. Không biết tin vào mô hình bóng đá nào bây giờ.
Ở hội nghị VFF mới đây tại TPHCM, bầu Đức trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên là không biết hoặc là bận và không trả lời ngay được! Còn tại sân Tân An, trận Long An của bầu Thắng đón tiếp HAGL của bầu Đức cũng không có khán giả! |