Bóng đá Anh: Đừng mơ nhào nặn vàng!
Chủ tịch FA David Bernstein từng phát biểu rằng đã đến lúc bóng đá Anh cần học hỏi những người bạn ngoại quốc, nhất là một số quốc gia nhỏ hơn. Ông cho rằng cách làm bóng đá của Bỉ, Colombia và Đức là rất thích hợp để người Anh bắt chước.
Nan giải chuyện học
Học theo những nước ấy nghĩa là thế nào? Theo Bỉ, nước Anh sẽ tích cực xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài thi đấu từ độ tuổi U21, bởi nhiều tuyển thủ của ĐTQG Bỉ hiện nay đã thi đấu ở nước ngoài trước khi đạt mốc 21 tuổi. Học theo Colombia nghĩa là người Anh sẽ đào tạo ra những cầu thủ có thể lực và kỹ thuật hoàn thiện, những “cầu thủ hoàn hảo” đủ sức làm tất cả mọi việc trên sân bóng. Học theo Đức đồng nghĩa với quy định của Bundesliga, rằng tất cả các CLB đều phải có học viện bóng đá.
Đó là một phát biểu duy ý chí của ông Bernstein. Nếu học bóng đá Bỉ nghĩa là tình trạng Premier League bị “hàng ngoại xâm lấn” sẽ càng nghiêm trọng hơn, học theo Colombia sẽ phải tốn tới cả chục năm nữa để đào tạo ra những cầu thủ như vậy, và ngay cả khi đó cũng không đảm bảo người Anh sẽ vô địch World Cup. Còn học theo Đức? Hầu hết các CLB hạng cao ở Anh đã có học viện, vấn đề nằm ở chỗ họ không mấy khi dùng học viên của chính mình.
Stan van den Buijs, nguyên Giám đốc của Trụ sở đào tạo trẻ tại Beerschot đã thẳng thắn về bóng đá Bỉ như sau: những cầu thủ như Dembele, Fellaini hay Vermaelen phát triển nhanh, nhưng họ trở nên quá lớn so với tầm vóc của chính bóng đá Bỉ, do đó họ phải ra nước ngoài để phát triển tiếp. Việc bóng đá Bỉ “xuất khẩu” thực ra là một xu hướng tự phát xuất phát từ nhu cầu của các cầu thủ, không phải đường lối chiến lược của cả nền bóng đá.
Cựu danh thủ Juan Pablo Angel cũng nói điều tương tự về nền bóng đá Colombia. “Falcao rời quê nhà ở tuổi 14 để đến River Plate, và James Rodriguez thì thậm chí còn sớm hơn thế nữa. Họ có điều kiện tiếp cận với những trang thiết bị, những phương pháp huấn luyện và những con người có kiến thức đào tạo bóng đá ở Argentina mà Colombia không có”.
Còn về người Đức? Lý do khiến họ trọng dụng tài năng bản địa rất thực tiễn, từ vấn đề kinh tế của CLB cho tới cơ hội phát triển của chính các cầu thủ hay cả những lý do nhỏ nhặt khác như truyền thống. FA đã từng ép các CLB Premier League phải đăng ký một số lượng tối thiểu cầu thủ của đội U20 vào đội hình chính, và Arsene Wenger đáp trả lại bằng cách cho… 76 cầu thủ đội trẻ vào danh sách đăng ký. FA buộc phải rút lại điều luật.
ĐT Anh đang bị ám ảnh với việc phải vô địch bằng được World Cup
* Vinh quang không phải là thứ cưỡng ép
Có một sự thật mà người Anh vẫn chưa hiểu. Thế hệ vàng không thể được nhào nặn ra. Thế hệ vàng tự sinh sôi một cách tự nhiên mà không có bất kỳ tác động chủ quan nào có thể giúp được.
La Masia được đánh giá là một trong những lò đào tạo cầu thủ thành công nhất mọi thời đại, đứng sau mỗi lò của Ajax Amsterdam. Nhưng cũng phải tỷ lệ 1 trên 100 để những lò này có thể sản sinh ra một hay hai danh thủ kiệt xuất như Johan Cruyff hay Lionel Messi. Thế hệ kế cận của Barcelona vẫn chưa cho ra một sản phẩm nào có thể sánh bằng Xavi hay Iniesta. Trên thực tế, lò của Ajax đã không tạo ra được một lứa mới thành công kể từ sau khi thế hệ của Patrick Kluivert, Clarence Seedorf, Edgar Davids và Edwin Van der Sar xuất hiện cách đây 20 năm. Với lò đào tạo của CLB như vậy, ĐTQG liệu trông chờ được gì?
Thế hệ vàng được sản sinh ra và nhờ gặp thời nên trở thành vĩ đại. Ví như Bồ Đào Nha có Luis Figo và Rui Costa, Argentina có Diego Maradona và Mario Kempes hay thậm chí thế hệ vàng của bóng đá Iran 1998 với Ali Daei và Mahdavikia. Những thế hệ này đều nhờ những điều kiện ngoại cảnh mà thành công, họ không phải những con người nhân bản được lập trình để đá bóng.
FA đang bị ám ảnh với việc phải vô địch bằng được World Cup nên đã tìm mọi cách áp đặt quota cầu thủ nội lên Premier League, nhưng chính sách đó cũng không đảm bảo rằng họ sẽ đăng quang Cúp thế giới. Cách hợp lý nhất phải là tạo một môi trường bóng đá lành mạnh và có quy củ để cầu thủ bản địa phát triển trình độ, chỉnh sửa vấn đề chiến thuật sao cho phù hợp và cuối cùng là hy vọng thế hệ đương đại sẽ làm tốt nhất trong khả năng khi bước vào các giải đấu lớn.
Với những người làm bóng đá, vinh quang không phải là thứ cưỡng ép để đoạt lấy. FA vẫn chưa hiểu ra sự thực ấy sau từng ấy năm.