Bồ Đào Nha vô địch "xấu xí": Đó có phải là bóng đá
Liệu chức vô địch của Bồ Đào Nha có được coi là xứng đáng khi họ đứng thứ 3 vòng bảng và chỉ thắng trong 90 phút chính thức 1 trận duy nhất suốt giải đấu?
Các cầu thủ và huấn luyện viên Bồ Đào Nha chạy ào ra sân ăn mừng trong sung sướng, các fan trên khán đài như phát điên vì chiến thắng lịch sử. Trận chung kết Euro 2016 đã kết thúc với chiến thắng của người Bồ Đào Nha, đội đầu tiên vô địch sau khi vượt qua vòng bảng ở vị trí thứ 3 và chỉ thắng 1 trận trong 90 phút chính thức suốt giải.
Bồ Đào Nha vô địch Euro 2016 dù đứng thứ ba ở vòng bảng
Trong khi đó, trên sóng truyền hình ESPN của Mỹ, các bình luận viên ra sức hạ thấp giá trị của chức vô địch này. Sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên là câu nói: “Đội không xứng đáng đã chiến thắng”. Tổ BLV của trận đấu này thậm chí còn có một người Pháp, nói những câu như “Bồ Đào Nha chơi một thứ bóng đá không thực tế” hay “Trong vài năm nữa, không ai sẽ nhớ đến chức vô địch này”.
Khó có thể nói những bình luận như thế là mang tính khách quan, bởi các BLV trên ESPN đã liên tục phàn nàn về chất lượng thi đấu của Euro 2016 kể từ đầu giải và nhắm tới một số đội bóng cụ thể (trong đó có cả xứ Wales, Italia và Iceland). Nhưng thực sự Bồ Đào Nha có xứng đáng với chức vô địch năm nay?
Bồ Đào Nha của năm 2016 đang được so sánh với Hy Lạp của năm 2004, cũng dễ hiểu bởi HLV Fernando Santos thành danh trong nghiệp huấn luyện ở Hy Lạp và năm 2004 cũng diễn ra trận chung kết mà BĐN thua 0-1 trước Hy Lạp trên sân nhà, từ chối thế hệ Vàng của Luis Figo một chức vô địch châu Âu.
Người ta thậm chí có một cách lý giải ngộ nghĩnh rằng “Hoặc anh đánh bại Hy Lạp, hoặc anh sống đủ lâu để trở thành Hy Lạp” (nhái theo câu nói của nhân vật Harvey Dent trong phim The Dark Knight, “hoặc chết như một người hùng, hoặc sống lâu và trở thành kẻ ác”). BĐN học tập Hy Lạp tốt tới mức họ “hy lạp” (dùng như động từ ở đây) Euro còn tốt hơn cả Hy Lạp “xịn”.
Trong 3 thập kỷ, bóng đá Bồ Đào Nha đã được biết đến như một phiên bản của bóng đá Brazil ở châu Âu, dẫn đến biệt danh “Seleccao”. Cho đến World Cup 2014, thứ bóng đá ấy vẫn hiện diện trong cách chơi của đội tuyển nước này dưới thời HLV Paulo Bento, nhưng kỷ nguyên của Bento kết thúc trong thất bại và qua đó Fernando Santos lên thay.
HLV Fernando Santos không phụ thuộc vào trường phái bóng đá cụ thể nào
Sự thực thì bóng đá Brazil đạt tới cực đỉnh của sự đẹp mắt lẫn hiệu quả đã từ rất lâu rồi, chính xác là tại World Cup 1970 khi Pele, Jairzinho, Tostao và Rivellino làm mưa làm gió tại Mexico. Đội hình đó là tuyển tập của những cầu thủ cùng chơi thứ bóng đá phóng khoáng và cùng đang chơi cho các CLB Brazil. Brazil khi vô địch vào các năm 1994 & 2002 đã không còn giữ được chất Samba đẹp mắt đó nữa dù vẫn có hảo thủ kiệt xuất.
Bồ Đào Nha giờ đã không còn thế hệ Vàng của những Figo, Rui Costa, Nuno Gomes và Fernando Couto. Đó là thế hệ chơi bóng ấn tượng nhất của đội tuyển BĐN trong những năm gần đây, nhưng cũng không giành được danh hiệu nào. Thế hệ cầu thủ Bồ Đào Nha hiện tại không được đánh giá bằng các đàn anh, thế nên họ sẽ phải chơi bóng theo đúng khả năng của mình.
Người ta so sánh Fernando Santos giống với Otto Rehhagel, HLV trưởng của ĐT Hy Lạp vô địch Euro 2004. Điều đó thực ra rất chính xác: Rehhagel cũng là kiến trúc sư của một Werder Bremen đá đẹp như Brazil ở Bundesliga những năm 1981 – 1995, nhưng ông áp dụng lối chơi phòng ngự khi dẫn dắt Hy Lạp. Santos áp dụng sơ đồ 3 tiền đạo trong phần lớn thời gian làm việc ở Hy Lạp, nhưng tới khi huấn luyện BĐN thì chuyển sang phong cách phòng ngự như bây giờ.
Đó là lý do vì sao Rehhagel và Santos thành công với Hy Lạp và BĐN, họ áp dụng chiến thuật phù hợp nhất với trình độ tài năng của tuyển thủ có trong tay. Santos giờ đã có thể nói mình đã làm đúng, đội tuyển của ông đã làm được điều mà thế hệ Vàng không làm được. Thế hệ của Figo đẹp mắt nhưng sẽ bị lãng quên theo thời gian, chỉ có chức vô địch là thứ trường tồn.
Không có lý do gì để hạ thấp chiến thắng của những người Bồ Đào Nha. Bóng đá đã luôn là trò chơi của cơ hội và đội nào tận dụng tốt hơn sẽ thắng, và với trình độ yếu hơn, BĐN quyết định họ sẽ không cho Pháp có nhiều cơ hội ghi bàn. Rốt cuộc thì Pháp cơ hội không thiếu nhưng đều bỏ lỡ, còn Bồ Đào Nha cơ hội có ít nhưng Pháp lại để lọt lưới. Vậy liệu có nói Pháp xứng đáng hơn BĐN?
Video fan Bồ Đào Nha ăn mừng sau chức vô địch Euro