Blatter đắc cử, UEFA dọa tẩy chay World Cup 2018
Sự kiện Sepp Blatter tái đắc cử chức chủ tịch FIFA đã khiến các thành viên UEFA phải nhóm họp lại để bàn về khả năng bỏ dự World Cup 2018 diễn ra tại Nga.
Sepp Blatter đã chính thức tái đắc cử chức chủ tịch FIFA cho nhiệm kỳ thứ 5 bất chấp sóng gió đang bao phủ tổ chức này từ những cáo buộc tham nhũng. Sự kiện này không làm hài lòng đa số dư luận và đặc biệt là các thành viên châu Âu.
Trước khi cuộc bỏ phiếu nhằm bầu chọn giữa Sepp Blatter và Hoàng tử Ali bin al-Hussein diễn ra, đa số các thành viên FIFA của châu Âu đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Hoàng tử Ali, chủ yếu do tai tiếng mà Sepp Blatter để lại từ sự kiện 14 quan chức FIFA bị truy tố bởi chính quyền Thụy Sĩ và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Trong nhóm 54 nước châu Âu, Anh tỏ ra mạnh mẽ nhất về mặt quan điểm và tiếp theo là Pháp, Hà Lan, Italia, Bồ Đào Nha, Đức, Bỉ…
Sepp Blatter tái đắc cử chủ tịch FIFA nhiệm kỳ thứ năm
Chỉ có Nga và Tây Ban Nha là những nước lớn ủng hộ Blatter bởi Nga cho rằng Mỹ đang tìm cách tước lấy quyền đăng cai World Cup 2018 của họ, còn chủ tịch LĐBĐ TBN là đồng minh lâu năm của Blatter. Ireland có quan điểm trung lập, chủ tịch LĐBĐ nước này không bầu cho Blatter nhưng cũng không bày tỏ quan điểm ly khai.
Thứ Năm tới (4/6), đại biểu của 54 LĐBĐ châu Âu sẽ có mặt tại Berlin để dự một cuộc hội thảo diễn ra 2 ngày trước thềm trận chung kết Champions League. Đây sẽ là một sự kiện mang tính bước ngoặt bởi các đại biểu sẽ đàm luận về khả năng tẩy chay tham dự World Cup 2018 nhằm phản đối sự kiện Sepp Blatter tái đắc cử.
Các thành viên UEFA hiểu rằng với sức ảnh hưởng của Cựu lục địa lên nền bóng đá toàn cầu, họ có thể buộc FIFA phải quỵ lụy cầu xin. Chỉ cần các đại gia châu Âu không dự World Cup là FIFA sẽ thiệt hại một khoản thu nhập đáng kể từ bản quyền truyền hình và các doanh thu thương mại khác có trị giá lên tới 5 tỷ USD.
Chủ tịch FA Greg Dyke (phải) đang vận động các thành viên UEFA tẩy chay World Cup 2018
Đa số các đại biểu Nam Mỹ đã bỏ phiếu cho Sepp Blatter, thế nhưng một sự thay đổi lớn sắp diễn ra khi Brazil và Argentina đã tung lực lượng cảnh sát vào cuộc để điều tra các quan chức LĐBĐ của hai nước, trong đó chủ tịch của LĐBĐ Brazil đã bị bắt tạm giam do cáo buộc trốn thuế.
Những người châu Âu hy vọng rằng một khi thống nhất được quan điểm tẩy chay World Cup 2018 và mời được hai ông lớn Brazil & Argentina dự vào phong trào, họ sẽ có cơ hội được thấy sự biến dạng trên khuôn mặt của Sepp Blatter.
Anh đang là nước đi đầu trong quan điểm tẩy chay, nhưng theo chủ tịch FA ông Greg Dyke, nước Anh sẽ không tẩy chay World Cup một mình mà còn phải cần đến sự ủng hộ của các thành viên UEFA khác.
Các quan chức FIFA giàu cỡ nào?
Lợi ích khi được làm quan chức FIFA là vô cùng to lớn. Một thành viên của Ban chấp hành FIFA nhận mức lương 300.000 USD, tương ứng với 6,5 tỷ đồng/năm, cộng thêm một khoản 500 USD/ngày làm chi phí sinh hoạt. Mỗi thành viên FIFA khi đi công tác sẽ được ngồi khoang máy bay hạng nhất và trú trong các khách sạn 5 sao.
Các quan chức ở các liên đoàn thành viên được hưởng những lợi nhuận đặc biệt. Nếu một quốc gia được đăng cai World Cup hay có đội tuyển quốc gia dự World Cup, LĐBĐ của nước đó nhận 500.000 USD chuyển trực tiếp từ doanh thu của giải đấu. Số tiền này đặc biệt khổng lồ với những quốc gia có hệ thống liên đoàn nhỏ bé, tức ít quan chức nên phần chia càng lớn.
Jack Warner chỉ vài giờ sau khi được cảnh sát tha bổng
Một số quan chức có máu mặt của FIFA nổi tiếng là ăn đậm. Cựu phó chủ tịch Jack Warner người Trinidad & Tobago bị phanh phui đã kiếm chui 20 triệu USD tiền mặt nhờ tuồn vé World Cup 2006 và World Cup 2010 ra chợ đen. Năm đó Trinidad & Tobago dự vòng chung kết và Warner đã được hưởng 50% số tiền thưởng mà LĐBĐ nhận được để trả cho các cầu thủ. Theo nhiều nguồn tin, Warner đã kiếm được tới 30.5 triệu USD trong thời gian làm việc cho FIFA và sở hữu nhiều dinh thự ở các quốc gia vùng Caribe.
Chuyện lạ có thật: 5% thành viên FIFA không biết Đức vô địch World Cup 2014 Hệ thống bỏ phiếu ở kỳ đại hội của FIFA là hệ thống bỏ phiếu điện tử mới được trang bị nhằm ghi lại kết quả mà không tiết lộ thành viên bỏ phiếu là ai. Trước khi cuộc bỏ phiếu chủ tịch được tiến hành, FIFA đã dành một thời gian ngắn để thử hệ thống mới. Câu hỏi thử là “Có phải Đức đã vô địch World Cup 2014 hay không?”. Điều rất ngạc nhiên là đã có tới 5% thành viên bỏ phiếu đã chọn đáp án “Không”, tức đã có ít nhất 10 đại biểu không nhớ hay thậm chí không biết Đức là đội đăng quang ở Brazil năm ngoái. Ban kỹ thuật đã cho rằng đây là lỗi hệ thống nên yêu cầu cuộc bỏ phiếu chủ tịch được tiến hành thủ công (viết ra giấy). |