Bình luận: VPF và câu chuyện bán hàng đa cấp
VPF công bố doanh thu trong năm 2013 lên đến gần 90 tỷ đồng.
1. VPF công bố doanh thu trong năm 2013 lên đến gần 90 tỷ đồng, nghe thì rất lớn nhưng không khó để nhẩm tính được nguồn doanh thu ấy đều đến từ những người nhà của mình: 60 tỷ đồng của Eximbank, ĐT.LA và HA.GL, số còn lại đến từ 20 CLB chuyên nghiệp đóng phí thường niên và góp vốn cổ đông (mỗi CLB hơn 1 tỷ đồng góp vốn). Số tiền thu được từ các đài truyền hình là rất nhỏ... Điều đó cũng đồng nghĩa doanh thu 90 tỷ ấy đều đến từ tiền túi của các thành viên VPF.
Trong khi đó, chi phí mà họ công bố lên đến 85 tỷ đồng, số tiền mà VPF hỗ trợ cho các CLB thậm chí còn không bằng số tiền mà các CLB bỏ ra để đóng phí thường niên cũng như góp vốn cổ đông thành lập công ty. Nghĩa là, bề ngoài các CLB được lợi từ VPF nhưng thực tế họ lại là những người chịu thiệt.
Điều ấy cũng chẳng khác là bao với kiểu biến thể của bán hàng đa cấp khi người bán hàng thường bán sản phẩm ấy cho bạn bè và người thân và tất cả thu lợi nhuận từ hoa hồng bán được, nhưng thực ra chính là những khoản hoa hồng ấy đến từ tiền túi của mình. Chính kiểu biến thể này đã khiến cho loại hình bán hàng đa cấp dù ở phương Tây được coi là kiểu tiếp thị sản phẩm độc đáo, nhưng khi gia nhập vào Việt Nam, nó lại là loại hình gây phản cảm và bị gắn cho là lừa đảo và móc túi người thân, bởi cách làm không đúng với bản chất ban đầu.
Đội bóng có bầu Đệ chưa đóng tiền cổ đông cũng như lệ phí tham dự giải V-League 2013
2. Khi VPF tuyên bố mục tiêu doanh thu trong năm 2014 lên đến 120 tỷ đồng cùng lợi nhuận là 30 tỷ đồng, các thành viên là cổ đông của VPF chỉ cười, bảo đó là VPF “nói cho vui”. Ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch CLB Thanh Hóa, còn bóc mẽ vấn đề rằng: “Tôi chẳng tin VPF vì họ làm việc không minh bạch, không có báo cáo tài chính rõ ràng cho các cổ đông, những cổ đông nào góp vốn hay chưa cũng không nói. Tôi biết rất nhiều CLB vẫn chưa đóng tiền nhưng vẫn thi đấu bình thường...”.
Nhiều người còn cho rằng mục tiêu hoành tráng mà VPF đưa ra thực ra chỉ là để trấn an dư luận cũng như khẳng định tầm quan trọng trong việc kiếm tiền của VPF, bởi con số ấy là hết sức mơ hồ và không có căn cứ rõ ràng.
Trong điều lệ của Công ty này, mục kê khai ngành nghề kinh doanh, VPF có tới 9 hạng mục để “kiếm tiền”. Tuy nhiên, đến nay tổ chức này mới thực hiện được 1 mục duy nhất là “móc túi” của các thành viên góp vốn.
Và tất nhiên, nếu tiếp tục hình thức ấy thì VPF sẽ còn làm mất niềm tin của các thành viên, vì đó chẳng khác nào biến thể của loại hình bán hàng đa cấp.