"Bi kịch" của fan Việt ngay tại Old Trafford
Tận mắt chứng kiến MU bị Liverpool hạ gục ngay trên sân nhà, Thương đã khóc, khóc rất nhiều. Nhưng fan nữ cuồng nhiệt đến từ Việt Nam này không khóc vì thầy trò David Moyes thua trận, mà khóc vì quá…thất vọng.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp Nguyễn Thị Thương là khi diễn ra trận đại chiến giữa MU và Arsenal ở lượt đi giải ngoại hạng Anh 2013/14. Hồi giữa tháng 11/2013 ấy, Hội CĐV MU tại Việt Nam tổ chức buổi offline để cổ vũ đội nhà tại một quán café ở quận 10 (TPHCM). Và cô gái 26 tuổi gốc Thanh Hóa này đã gây ấn tượng lớn với chúng tôi khi luôn dõi theo từng đường bóng, không rời mắt khỏi màn hình và là người hò hét lớn nhất khi Van Persie đánh đầu mở tỉ số.
Lần thứ hai, chúng tôi gặp lại Thương khi Hội CĐV MU tại Việt Nam tổ chức chào đón huyền thoại Gary Pallister cùng chiếc Cúp vô địch ngoại hạng Anh của MU đến Việt Nam hồi cuối tháng 2 vừa qua. Khi ấy, Thương cùng nhóm bạn đã vô cùng buồn bã khi không xin được chữ ký thần tượng cũng như được tận mắt nhìn thấy chiếc Cúp vô địch Premier League lần thứ 20 “lịch sử” của MU.
Nguyễn Thị Thương (phải) khi cùng Hội CĐV MU cổ vũ đội nhà trong trận đại chiến với Arsenal hồi tháng 11/2013
Nhưng nỗi buồn ấy cũng nhanh chóng qua đi, khi Thương đoạt giải một cuộc thi và chính thức giành một chiếc vé đi Anh để được tận mắt xem đại chiến giữa MU và Liverpool ở vòng 30 giải ngoại hạng Anh vừa qua. Chúng tôi xin được trích đăng những dòng tâm sự của fan nữ hết sức cuồng nhiệt của MU này được gửi về từ nước Anh:
Chuyến hành trình càng trở nên hấp dẫn hơn khi chúng tôi được di chuyển đến sân vận động huyền thoại Old Trafford. Từ trên xe, những tiếng reo hò đã vang lên khi nhìn thấy sân vận động từ xa.
Khối kiến trúc ấy trở nên nổi bật hơn cả với màu đỏ rực và tượng của Sir Alex sừng sững như minh chứng cho sự trường tồn của nó. Sau khi chụp vài tấm hình lưu niệm ở khu vực ngoài sân vận động, chúng tôi nhanh chóng di chuyển vào trong theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên.
Nguyễn Thị Thương cùng 3 chiếc cúp "lịch sử" của MU ở mùa giải 1999
Lần lượt chúng tôi được tham quan từng gian phòng, ngồi vào ghế phòng họp báo, phòng y tế, phòng thay đồ, được vào cả khu vực mà trước đây khi còn đương nhiệm Sir sử dụng để lựa chọn cầu thủ ra sân thi đấu. Không khí chợt lắng lại khi hướng dẫn viên đưa chúng tôi tới khu vực có tên Munich với cái đồng hồ đứng lại lúc 3h10 phút ngày 06/02/1958. Với những người như chúng tôi, thảm họa Munich là nỗi đau không thể che giấu.
Tiếp theo đó chúng tôi được vào phòng truyền thống, nơi ghi lại hình ảnh 13 lần đăng quang ngôi vô địch Premier League từ khi Sir Alex nắm quyền. Và thật đặc biệt khi người hướng dẫn yêu cầu chúng tôi xếp thành hai hàng để ra sân thi đấu - giống cái cách mà các cầu thủ thường làm, ông còn bật cho chúng tôi đoạn nhạc khởi động để tăng thêm tinh thần.
Và cảm xúc vỡ òa khi chúng tôi được ùa ra sân vận động, chạm tay vào thảm cỏ, ngồi trên hàng ghế khán giả, và thậm chí hàng ghế của các cầu thủ và ban huấn luyện (thật may tôi không quá khích tới mức ôm hôn cái ghế).
Trong phòng thay đồ của các cầu thủ MU
Chuyến tham quan tiếp tục với những câu chuyện liên quan đến Man United và Old Trafford, có nhiều điều thú vị mà giờ tôi mới biết về vị trí của từng khu vực trên khán đài. Đặc biệt về sự thay đổi theo thời gian của Old Trafford. Tôi thực sự xúc động khi đặt chân đến khu vực Legend của Man Unitedt có lưu giữ hình ảnh của cả Eric Cantona và Becks.
Ngày diễn ra đại chiến Man United và Liverpool, chúng tôi di chuyển đến sân khá sớm, lúc đó ở vào khoảng 10h (giờ địa phương). Nhưng từ lúc này thì những đoàn người đã tới sân vận động, họ vừa đi vừa hát vang những bài hát cổ động của Man United. Cờ, khăn, áo Man United đỏ rực, rợp trời, khí thế chiến đấu lan tỏa, làm cho tôi cũng cảm thấy rạo rực. Quá tuyệt vời khi tôi được ở đây vào khoảnh khắc đó. Tôi đã không kiềm chế được việc hét ầm lên và bị nhiều người nói tôi là “crazy fan”.
Chúng tôi được đưa vào trong sân vận động. Lúc này mọi công tác chuẩn bị đang được thực hiện. Họ đã chuẩn bị cho trận đấu một cách kỹ lưỡng nhất. Cỏ được chăm sóc, băng rôn được treo lên, máy quay đã sẵn sàng, tất cả chỉ chờ tiếng còi khai cuộc của trọng tài.
Niềm vui sướng khi được đặt chân lên thảm cỏ Old Trafford
Khi tôi đi qua khu Tunnel Munich, một thành viên trong đoàn đã nhắc tôi không mua hoa để tưởng niệm. Và khi vào sân vận động, tôi đã thấy cái băng rôn: “6th Fer Munich –Flower of Man United”, lòng chợt thấy buồn buồn.
Khắp sân vận động, họ treo những câu biểu ngữ khá thú vị, ví như: “19 is not forever, 20 times”, hay “He’s 13 times, 13 than Gerrard”… Và tôi cũng nhận ra, dấu ấn của Sir Alex còn rất nhiều ở từng vị trí của sân vận động. Tất cả dường như vẫn còn khi Ngài nắm quyền.
Người hướng dẫn giới thiệu cho chúng tôi một lần nữa những điều đặc biệt của sân vận động. Khi được hỏi ông suy nghĩ thế nào về trận đấu thì ông đã bảo: “Trái tim tôi hy vọng một trận thắng, nhưng lý trí không cho phép điều đó. Quả thực với những người lạc quan và có phần ảo tưởng như tôi cũng không dám tin những điều kỳ diệu như thế kia…”.
Trên khán đài theo dõi trận MU - Liverpool
Nhưng đã không có điều kỳ diệu nào đến với thầy trò David Moyes khi MU thua tan nát trước đại kình địch Liverpool ngay tại “Nhà hát của những giấc mơ”. Kế hoạch giao lưu với những ngôi sao như Rooney, Van Persie hay Giggs của nhóm CĐV đến từ Việt Nam cũng đổ bể vì…không nỡ làm các cầu thủ MU thêm buồn. Với Thương cũng như hàng vạn người hâm mộ MU có mặt trên khán đài ngày hôm ấy, họ không buồn vì thất bại, mà buồn vì…thất vọng.
Thành công là hành trình chứ không phải một điểm đến. Biết vậy nhưng mình vẫn rất buồn. Và mình đã khóc, khóc vì niềm vui khi đứng giữa thánh địa mình hằng mong ước, khóc vì cái không khí sôi sục trên sân, khóc vì hình ảnh những cổ động viên vẫn hò hét cho đến hêt trận, và khóc vì lối đá bạc nhược mà Man United đã trình diễn trong ngày hôm đó. Thua – không buồn, không khóc vì buồn mà là vì thất vọng.