Bị đồn bán độ, thủ môn Tấn Trường livestream kể về cuộc đời cơ cực
Thủ thành số 1 của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 ở UAE vừa qua đã có những tâm sự về cuộc đời thi đấu của mình, đặc biệt là những áp lực của bản thân cũng như gia đình sau những lần bị chỉ trích vì nghi ngờ bán độ.
Ngay buổi tối đầu tiên trở về Việt Nam từ UAE, thủ thành Bùi Tấn Trường đã có buổi livestream trò chuyện với người hâm mộ. Trong buổi nói chuyện này, thủ môn số 1 của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 vừa qua đã chia sẻ rất nhiều về cuộc đời cơ cực, đặc biệt về những lần bị nghi ngờ bán độ của bản thân. Chỉ trong thời gian ngắn, clip này đã thu hút hơn 700.000 lượt xem.
Tấn Trường không ít lần bị chỉ trích nặng nề từ dư luận vì nghi ngờ bán độ
“Tôi sợ con gái tôi tự ti khi bị mọi người nói ba mình bán độ”
Mở đầu buổi trò chuyện, Tấn Trường đã thẳng thắn trả lời một số chỉ trích của người hâm mộ khi cho rằng anh đã mắc sai sót trong trận thua 2-3 trước UAE: “Con người không có ai hoàn thiện, phải có thiếu sót, nếu hoàn thiện quá thì tôi đã đi bắt ở các CLB lớn ở nước ngoài chứ không bắt ở Việt Nam. Tôi cũng là con người nên tất nhiên sẽ có sai sót”.
“Thú thật tôi nhiều lúc không quan tâm đến nhận xét của người khác mà chỉ biết tập luyện, thi đấu cho thật tốt. Ngay những trận đấu dễ tôi vẫn cố gắng tập trung. Trận nào tôi bắt không tốt, tôi buồn lắm. Còn khi tôi sai sót, tôi chấp nhận điều đó chứ không đổ thừa cho ai, càng không chửi bới hay chỉ trích những người nhận xét về cái sai của tôi”, Tấn Trường tâm sự.
Tấn Trường: "Tôi làm gì sai, tôi sẽ nhận trừng trị".
Đặc biệt, thủ môn 35 tuổi không ngần ngại chia sẻ về thời điểm bản thân mắc phải những sai sót dẫn đến nghi ngờ bán độ, khiến cả anh lẫn gia đình phải đối mặt với những áp lực từ dư luận.
“Ra sân trong những trận đấu tại UAE vừa qua, tôi rất lo lắng. Bởi vì quảng thời gian trước đây tôi hay sai lầm nên rất sợ bị mọi người chỉ trích, công kích nên tôi bị áp lực.
Thú thật bản thân tôi đã quen với việc này và có thể chơi bóng đến ngày hôm nay là vì vượt qua những áp lực đó. Nhưng tôi sợ cho con cái, gia đình tôi bị ảnh hưởng tâm lý. Tôi sợ cảm giác con gái tôi tự ti khi bị mọi người nói ba của mình là một người bán độ, là người không tốt”.
“Tôi muốn nói với mọi người là nếu tôi làm gì sai, tôi sẽ nhận trừng trị. Còn mọi người nói tôi bán độ, tôi không quan tâm. Tôi chỉ biết làm tốt nhất có thể công việc của mình, cố gắng thi đấu.
Tôi vốn dĩ không xài tiền nhiều, làm việc chủ yếu cho gia đình, cho con cái có cuộc sống tốt, có dư nữa thì hỗ trợ cho xã hội. Chứ nhiều tiền chết cũng không mang theo được”, thủ thành quê Đồng Tháp nói.
Bỏ học năm lớp 8, từng đi bán vé số, bán thịt heo
Không chỉ tiết lộ việc bản thân từng suýt giã từ sự nghiệp hồi cuối năm 2019 khi hết hợp đồng với Đồng Tháp và phải ở nhà làm streamer suốt 7 tháng, Tấn Trường còn kể lại cuộc đời đầy cơ cực, buôn ba khắp nơi với đủ các nghề để kiếm sống của bản thân. Thậm chí anh khẳng định “cuộc đời của tôi có thể viết thành sách được”.
Thủ thành quê Đồng Tháp từng đi bán vé số, bán trái cây hay chở thịt heo để kiếm sống
“Hồi nhỏ, niềm mơ ước của tôi là trở thành một tài xế. Ba mẹ tôi ly dị sớm, mẹ tôi phải một mình nuôi 4 anh chị em nên từ một gia đình tôi lâm cảnh nợ nần. Năm 11-12 tuổi, tôi từng phải đi bán vé số, bôn ba theo mẹ tôi đi vào các vườn mua trái cây và bán thịt heo ở chợ.
Lúc đó, tôi thường dậy vào lúc 1h sáng để đi giao thịt heo cho mẹ, mỗi đêm chở tầm 30-50 kg thịt. Đến năm 13 tuổi thì đi đội cát, đội đá xây dựng đến sưng đầu để kiếm tiền”, Tấn Trường kể.
Vì gia đình quá nghèo không có tiền đóng học phí, Tấn Trường nghỉ học từ năm lớp 8 để ra Vũng Tàu làm việc.
“Tôi làm trong một công ty hải sản, làm công việc cắt đầu cá, cắt đến rách hết 10 đầu ngón tay nhưng vẫn không đủ tiền ăn. Lúc đó tôi và em gái phải ăn cắp những con cá và mực nhỏ trong chỗ làm, bỏ vào bao tay mang về nhà ăn cơm. Không may một lần em gái tôi bị phát hiện, khóc như mưa. Sau đó tôi đi bán trái cây, có ngày ế phải ăn trừ cơm. Đó là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên”, thủ thành sinh năm 1986 nói.
Bắt 4 trận, thủng lưới...29 bàn
Tấn Trường kể trong một lần biển động không có việc làm, cả gia đình anh trở về Đồng Tháp thì được một người bạn rủ tôi đi đá bóng, làm thủ môn cho đội huyện. Lần đầu tham dự một giải đấu chính thứ, Tấn Trường có kỷ niệm để đời khi chụp 4 trận, để thủng lưới đến 29 bàn: “Lần đầu đeo bao tay, mang giày tôi không chụp được, cảm giác khung thành rộng bao la. Người ta sút kiểu nào cũng vào”.
Tấn Trường trở thành người hùng của tuyển Việt Nam với những pha cản phá xuất thần tại UAE vừa qua
Ấy vậy mà lần ra mắt “thảm họa” đó lại giúp Tấn Trường lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch năng khiếu ở tỉnh. Dù bị gia đình phản đối nhưng nhờ vào sự thuyết phục của người cậu ruột, chính là bố của cựu tuyển thủ quốc gia Phan Thanh Bình, Tấn Trường chính thức theo nghiệp quần đùi áo số.
Thời gian đầu của sự nghiệp, Tấn Trường hầu như phải làm bạn với ghế dự bị từ CLB cho đến tập trung ở các đội U16, U18 hay U20 quốc gia. Không chán nản, anh tận dụng quảng thời gian này để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các HLV và từ các thủ môn chính thức trước khi có bước ngoặt chụp chính ở V-League năm 2007 cho Đồng Tháp khi mà thủ môn số 1 của đội gặp chấn thương.
Tấn Trường cho biết cuộc đời thi đấu của mình, anh nhận không ít tung hô và cũng bị vô vàn chỉ trích. Vượt qua tất cả, Tấn Trường góp công vào chiến tích lịch sử giúp đội bóng nước nhà lần đầu góp mặt ở vòng loại cuối World Cup 2022.
Nguồn: [Link nguồn]
Đội tuyển Việt Nam nằm ở bảng G cạnh tranh tấm vé đi tiếp với 3 đội bóng Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) và...