“Bệnh”… phát biểu"
Sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam với Man. City, trên các trang mạng xã hội và cả báo chí Anh chê thậm tệ chuyện phát biểu quá nhiều và quá dài trong phần lễ.
Nhà tài trợ, ban tổ chức đều thích phát biểu, hàng chục nhân vật ngồi ở khi khán đài VIP cũng được xướng tên từng người, và mỗi người được xướng tên là một tràng pháo tay đi kèm. Cứ thế lặp đi lặp lại và tốn rất nhiều thời gian, rất dài dòng,… Nhưng lâu nay vẫn thế và… bỏ không được.
Có một thực tế là khán giả số đông đến sân nhu cầu của họ là chỉ để xem bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Nghe phát biểu dài quá, nhiều quá thì họ phản ứng la hét, đề nghị “Đi xuống đi! Đá banh đi!”. Ai cũng vậy thôi đến sân thể thao là để xem thể thao chẳng ai nghe và nhớ những bài phát biểu dài lê thê đó làm gì.
Trên sân Thống Nhất cách đây ít năm, chúng tôi cũng đã từng chứng kiến một giải đấu quốc tế có quá nhiều người phát biểu, sau đó một vị lãnh đạo nữ cũng được ban tổ chức bố trí lên phát biểu. Trên khán đài A, hàng chục người xem la hét đòi vị đấy đi xuống để nhân vật chính là cầu thủ ra sân thay vì đứng tồng ngồng nói chuyện với nhau chờ những bài phát biểu.
Cùng những lời la hét là những câu nói khó nghe của những người đến xem. Vị lãnh đạo đứng phát biểu chắc chắn nghe rõ mồn một. Và có lẽ vị này sốc và hoảng nên đã dừng bài phát biểu của mình lại nhiều lần và có ý định bỏ dở đi xuống… Cuối cùng thì bài phát biểu đấy cũng xong những không biết vị ấy có bỏ bớt từ nào không?
Cánh báo chí cảm thấy chia sẻ và cảm thông với vị lãnh đạo nữ kia vì ban tổ chức bố trí phải phát biểu mà khi phát biểu thì vị lãnh đạo nữ này không hình dung được sự xúc phạm đó từ những khán giả kia.
Chưa hết tại một giải bóng đá quốc tế, chúng tôi ghi nhận từng có một trợ lý của đội bóng nước ngoài đỏ mặt tía tai, hùng hổ đi quanh khắp khu phía trước khán đài VIP hai bàn tay nắm chặt lại hình “quả đấm” hỏi như gây sự với từng thành viên ban tổ chức. Nhưng rồi cuối cùng ai cũng … “gồng mình” để vị trợ lý kia xổ ra những tràng tiếng Anh tức giận. Những vị trong ban tổ chức kia cũng cảm thấy khó chịu nhưng cái “bệnh” thích phát biểu và phát biểu nhiều trở nên…di căn rồi.
Ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng, cũng từng chứng kiến nhiều cô gái mang bảng tên của từng đội thể thao đứng phía trước từng đội bỗng dưng té ngất phải khiêng đi cấp cứu vì đứng quá lâu chờ những bài phát biểu dài lê thê của các vị, các nhà tài trợ.
Hình chỉ mang tính minh họa
Thật tình khán giả đến sân xem có sự kiện thể thao đa phần là tầng lớp bình dân, họ có thể tuôn ra những câu nói chẳng hay ho và thậm chí xúc phạm người phát biểu. Còn những người có chút kiến thức, biết thông cảm nhưng cũng khó chấp nhận đến sân để nghe những bài phát biểu dài lê thê.
Suy cho cùng phát biểu thì phải có người nghe và phải nhớ, nhưng người…bị nghe không muốn nghe và cũng chẳng nhớ.
Trong khi đó những nhân vật chính là cầu thủ đứng chịu trận trên sân quá lâu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến trận đấu.
Chúng ta từng chứng kiến các sự kiện khai mạc các kỳ Olympic, vòng chung kết World Cup, các nhà lãnh đạo các nước đăng cai hầu như chỉ lên tuyên bố ngắn gọn và vào ngay phần hội chứ không kéo dài phần lễ như ở ta.