Bế mạc SEA Games 27: Bóng đá thua toàn diện
Việc công bố mức thưởng cho tuyển nữ 3 tỉ đồng được coi là kỷ lục từ trước đến nay. Thế nhưng, đây cũng được coi là bước khoả lấp cho thất bại nặng nề của cả bốn đội tuyển ở SEA Games kỳ này bao gồm U23, tuyển nữ và futsal nam, nữ.
Đội tuyển U23 Việt Nam bị loại chính là ví dụ hợp lý và rõ ràng nhất cho công tác điều hành của bộ sậu VFF nhiệm kỳ 6.
Giới truyền thông lẫn người hâm mộ đã phản ứng việc chọn một huấn luyện viên được giới chuyên môn chỉ trích là thiếu kinh nghiệm, đang cầm quân ở một đội hạng nhất không tiếng tăm.
Nhưng, VFF đã ngoảnh mặt ngó lơ sự phản ứng của tất cả, thậm chí họ còn ký kết hợp đồng giao cho ông Hoàng Văn Phúc hai chức danh, huấn luyện viên đội U23 và huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam cùng một lúc.
Vào lúc các cầu thủ buồn nhất, chẳng một quan chức VFF nào có mặt để chia buồn. Còn lúc vui, chẳng thấy thiếu ai. Thế mới tài. Ảnh: Tất Đạt
Chính sự lựa chọn huấn luyện viên chẳng theo tiêu chí nào, cũng chẳng cần phải thương thảo gì nhiều đã khiến bóng đá Việt Nam có những “hoạt cảnh” trước nay chưa từng. Khi bắt đầu lo lắng về chuyên môn, VFF đã đưa trợ lý Nguyễn Văn Sỹ lên làm quyền huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, còn ông Hoàng Văn Phúc, đương nhiệm là huấn luyện viên trưởng đội tuyển lại xuống điều hành ở đội U23. Thậm chí, ngay trước SEA Games, VFF đã năm lần bảy lượt thuyết phục huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ làm “người giấu mặt” ở đội U23 Việt Nam, họ đề nghị ông Sỹ làm trợ lý cho ông Phúc để “phụ việc về chuyên môn”.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Sỹ đã từ chối bởi “làm vậy cũng kỳ” với lý do, bận lo cho câu lạc bộ.
Chưa hết, khi bộ đôi Trương Hải Tùng – Hoàng Văn Phúc cùng các cầu thủ gây nên vụ tai tiếng dàn xếp tỷ số ở giải BTV Cup tại Bình Dương. VFF ban đầu “hùng hổ” thẳng tay đình chỉ chức vụ cả hai. Thế nhưng, trước áp lực của cầu thủ và những thành viên trong liên đoàn, lẫn việc không một huấn luyện viên nội nào đồng ý gánh “gia sản” mà ông Phúc và VFF để lại, lãnh đạo VFF đã thay đổi quyết định một cách nhanh chóng.
Vào đến SEA Games, mọi người còn ngỡ ngàng hơn với việc VFF đã cử luôn ông Trương Hải Tùng với chức danh trưởng ban các đội tuyển đi cùng đội U23 Việt Nam, ngồi cùng khu kỹ thuật như chẳng hề có chuyện cắt chức đã diễn ra. Một trong những lý do mà người ta được biết đó là VFF tin vào “phong thuỷ”, họ tin bộ đôi Trương Hải Tùng và Hoàng Văn Phúc đi cùng nhau sẽ phát, còn ông Ngô Lê Bằng thì không.
Việc U23 Việt Nam về nước sớm không phải là vô tình hay thiếu may mắn. Nó xuất phát từ cách điều hành kém cỏi của bộ sậu VFF tồn tại qua hai nhiệm kỳ chỉ nhờ chiếc huy chương vàng hồi AFF Cup 2008. Nếu nói về trách nhiệm, không thể chỉ trách một mình ông Nguyễn Trọng Hỷ, người mà ai cũng biết là ngồi ở vị trí chủ tịch VFF nhưng không thể tự quyết định tất cả, bởi còn một loạt phó chủ tịch như ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Lân Trung, Trần Văn Tuấn, và các uỷ viên thường vụ khác, đó là chưa kể còn ông Phạm Ngọc Viễn đã bị “đẩy” sang VPF.
Nhưng, tin chắc rằng ngoài ông Nguyễn Trọng Hỷ đã từ nhiệm trước khi SEA Games diễn ra bởi lý do sức khoẻ, e rằng khó tìm được thêm một người nào ở VFF chấp nhận rời khỏi những chiếc ghế đầy quyền lực kia.
Vậy thì còn mong gì?