BĐVN với sân chơi châu Á: Hoan hô bầu Hiển
Năm nay đội Hà Nội T&T của bầu Hiển hạ quyết tâm ở sân chơi châu lục. Điều mà nhiều ông bầu trước đây chỉ hô hào rồi ngầm chỉ đạo đá buông, đá bỏ.
Hà Nội T&T mùa này không phải đá nghiêm túc ở AFC Cup mà đội cố gắng đá thắng các trận play off để được suất chính vào đá AFC Champions League. Cụ thể cho những động thái đó, năm nay Hà Nội T&T tổ chức lực lượng mạnh khủng khiếp để chuẩn bị cho giải đấu đầy khốc liệt. Mặt khác, qua hai vòng đấu đội đã có hai chiến thắng, nhất là chiến thắng đậm trước B. Bình Dương 4-2 và HA Gia Lai 4-1.
Hà Nội T&T đang cố gắng tích điểm để vài ngày nữa bắt đầu phân thân ở ba chiến trường V-League, Cúp Quốc gia và AFC Champions League (nếu thua play off thì đá AFC Cup).
Bầu Hiển sẽ đi vào lịch sử nếu ông cương quyết để Hà Nội T&T chơi ra trò khi đại diện Việt Nam dự Cúp châu Á. Ảnh: QUANG THẮNG
Thử thách đầu tiên của Hà Nội T&T chính là ngày 29-1 và 2-2, Hà Nội T&T có một trận làm khách và sau đó tiếp CLB cực mạnh Pune FC của Ấn Độ trong khuôn khổ vòng play off AFC Champions League.
Nhìn vào lực lượng của Hà Nội T&T quả là cực mạnh ngoài ba cầu thủ Nam Mỹ, một tiền đạo đỉnh cao đã nhập tịch là Samson, bầu Hiển còn chuẩn bị một dàn cầu thủ nội rất trẻ và hầu hết đều là tuyển thủ quốc gia. Thực tế có nhận xét rằng giỏi cỡ như tuyển thủ Thành Lương mà phải còn ngồi trên băng ghế dự bị thì biết Hà Nội T&T có lực lượng tốt cỡ nào.
Lâu nay các CLB Việt Nam kể các đội có lực lượng tương đối dày như Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, SL Nghệ An dự AFC Cúp thì cứ như vừa đá vừa buông. Đá và hô hào không buông là vì ngại dư luận nhưng thực chất đều muốn buông với lý do quá tải. Nhưng suy cho cùng lối tư duy kiểu này thì khó mà phát triển được. Nay bầu Hiển có cái nhìn khác đi, hy vọng đó là cuộc cách mạng mà những đội nhìn vào để suy nghĩ lại. Thực chất khi một CLB có được suất tham dự AFC Champions League thì mới phát triển tốt lên được, vì ở đó được cọ xát với những CLB mạnh của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc… thì mới nâng chất.
Hoan hô bầu Hiển có suy nghĩ khác hơn và tiến bộ hơn. Bởi quanh đi quẩn lại cứ mục tiêu V-League không thôi mà không vươn ra tầm châu lục thì khi nào mới tiến bộ được.
Xóa đi những nỗi ô nhục ở sân chơi châu Á Bóng đá Việt Nam bắt đầu tham gia sân chơi châu Á ở cấp CLB từ năm 1992. Khi ấy Hải Quan và Quảng Nam Đà Nẵng lần đầu mang chuông đi đấm xứ người ở cúp C1 và C2 châu Á. Kết quả là hai đội này đá thì ít mà đi buôn thì nhiều khi tranh thủ còn “ngăn sông cấm chợ”. Sau này bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp thì sân chơi AFC Cup được các ông bầu hô hào nhưng lúc đá vài trận lại thấy thành tích ở “ao nhà” V-League trồi sụt thế là chỉ đạo HLV cho cầu thủ dự bị đi đá bỏ để đội hình chính ở nhà dưỡng sức chơi V-League. Máu nhất ở sân chơi châu Á cấp CLB là ông Calisto khi làm cho ĐT Long An nhưng một thân phải chia sẻ ở nhiều mặt trận cuối cùng ông Calisto cũng quay về thực tế là lo trụ hạng. VFF biết các CLB Việt Nam đá bỏ nhưng cũng không có động thái nào để vực dậy từ tinh thần đến chuyên môn. Mới chỉ có B. Bình Dương là vào sâu đến bán kết nhưng thứ hạng ở V-League lại trồi sụt vì lực lượng bị bào mòn. Còn lại có đội đi đá để thua đến 14-15 bàn mang nỗi ô nhục vì đá cho có lệ. Lần này Hà Nội T&T không hô khẩu hiệu nhưng cách họ làm lại cho thấy CLB này muốn chơi ra trò. Có thể thành tích của Hà Nội T&T sẽ không cao nhưng điều quan trọng là tư tưởng của ông bầu đội bóng lẫn toàn đội phải đồng lòng trong việc mang chuông đi đấm xứ người. NG.HUY |