BĐVN như cái chợ: Chuyên gia cũng phải chạy dài
Mang tiếng học hỏi mô hình bóng đá Nhật nhưng không cấm nổi CLB thay tên đổi họ theo ý nhà tài trợ, nghi trọng tài nhận hối lộ mà 1 tháng sau mới treo còi, trưởng ban tổ chức giải phát ngôn bất nhất, xử phạt CLB toàn chọn thời điểm nhạy cảm...
Trước mùa giải 2013, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã mời chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe sang tư vấn xây dựng V-League theo mô hình bóng đá hiện đại và chuyên nghiệp; thành lập Ban Tư vấn đạo đức với những chuyên gia được cho là nhiều tâm huyết, sẵn sàng góp sức làm mới bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả đều phải ngán ngẩm với cái mác chuyên nghiệp được gắn cho V-League.
Loạn vì cách phạt
Một trong những vụ việc gây bức xúc dư luận nhất mùa giải 2013 chính là cách hành xử của LĐBĐ Việt Nam (VFF) quanh nghi án 4 trọng tài nhận hối lộ trận đấu giữa Thanh Hóa gặp HAGL ở vòng 3 V-League vào ngày 30-3. Khi đó, ban tổ chức (BTC) giải nghe tin 4 trọng tài Đinh Hải Dương, Kiều Việt Hùng, Phạm Đắc Chiến và Đỗ Mạnh Hà đã nhận tiền bồi dưỡng lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu BTC giải phối hợp chỉ đạo Ban Trọng tài như thế nào mà 4 trọng tài bị nghi nhúng chàm này vẫn được giao làm nhiệm vụ cho đến hết vòng đấu thứ 6, tức là gần 1 tháng sau đó.
Chỉ đến khi Trưởng Ban Trọng tài Dương Vũ Lâm nghe Trưởng BTC giải Trần Duy Ly nhắc nhở tìm hiểu sự việc, ông mới úp mở với báo chí trong cuộc họp định kỳ của VPF tại TP HCM vào đầu tháng 5-2013, đồng thời lệnh cho cấp dưới tạm treo còi các trọng tài bị nghi ngờ này để xác minh sự việc.
Chuyên gia Nhật Bản K. Tanabe bất ngờ với việc các CLB chuyên nghiệp ở Việt Nam cứ đổi chủ, tài trợ là thay tên... Ảnh: QUANG LIÊM
Chưa hết, vụ việc lẽ ra đã chìm xuồng nếu không bị báo chí phát hiện vào đầu tháng 6. Đến lúc này, để trấn an dư luận, buộc lòng VFF phải ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ của trưởng và phó ban trọng tài, đồng thời nhờ cơ quan an ninh vào cuộc. Bị phạt bất ngờ, cả trưởng ban Dương Vũ Lâm lẫn phó ban Đoàn Phú Tấn quay sang chỉ trích thường trực VFF làm sai quy trình.
Trong khi nghi án còn chưa có lời giải thì việc những người có trách nhiệm tố nhau xử phạt sai quy trình bỗng nhiên trở thành trò cười của thiên hạ. Cộng thêm hai sự kiện xử phạt XM Xuân Thành Sài Gòn và vụ Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly bị VPF khiển trách vì phát ngôn bất nhất sau vụ trọng tài Phùng Đình Dũng xử lý tình huống tranh cãi ở trận Thanh Hóa gặp XM Xuân Thành Sài Gòn, nhiều người mỉa mai: “VFF phạt nhiều, lúc nhanh lúc chậm nên giờ loạn rồi. Chính họ cũng không kiểm soát được lúc nào nên xử phạt cho thích hợp nữa”.
Chưa xem trọng thương hiệu
“Ở các nước có nền bóng đá chuyên nghiệp, thương hiệu đội bóng mới là quan trọng nhất. Mỗi đội bóng là một doanh nghiệp, có lịch sử, có thương hiệu. Có thể thay đổi ông chủ đội bóng nhưng tên đội, thương hiệu, biểu tượng của đội bóng thì không thể thay thế” - chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe từng nói vậy khi được Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng mời sang giúp bóng đá Việt Nam.
Đáng tiếc, do mắc bạo bệnh, chuyên gia người Nhật phải về nước điều trị. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng ngay cả khi ông Tanabe bình phục hoàn toàn nhưng nhìn cách XM Xuân Thành Sài Gòn năm lần bảy lượt thay tên đổi họ theo ý nhà tài trợ, có lẽ ông cũng bất lực, giống như tình cảnh của những chuyên gia được mời vào Ban Tư vấn đạo đức đang phải đối diện với thực trạng nan giải của bóng đá Việt Nam.
Từ khi xuất hiện VPF, V-League dù đã gắn mác chuyên nghiệp và được tổ chức bài bản hơn nhưng nhìn chung vẫn là bình mới rượu cũ. Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, nhà tài trợ thao túng đội bóng, nghi án bán độ, đấu đá nội bộ..., tất cả vẫn diễn ra đều đặn từng vòng đấu như thách thức những người làm bóng đá tâm huyết và người hâm mộ.
Đã có những ý kiến hủy đi làm lại, rồi còn cho ra lò cả Ban Tư vấn đạo đức để hỗ trợ VPF, VFF tái tạo lại bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, khi chính người trong nhà nói nhau nghe còn không lọt tai, khi V-League quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những nhân vật cũ thì có mời đến chuyên gia Anh, Ý hay Tây Ban Nha sang cũng chẳng mơ cải thiện được gì cả!