BĐVN: Làm lại, nhưng làm từ đâu?
Cứ sau mỗi lần thất vọng, chúng ta lại hô vang “làm lại!”. Nhưng cứ mỗi lần như thế, trình độ của ĐT Việt Nam lại cứ tiếp tục đi xuống. Trận thua đội hình 2 của người Thái gần như đã là điểm đáy của một chu kỳ tính từ năm 1995 đến nay. Vì thế, chẳng còn lựa chọn nào cho bóng đá Việt Nam ngoài việc phải làm lại. Nhưng, làm từ đâu?
Trận đấu hay nhất của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012 cũng là trận đấu phô bày toàn bộ năng lực thật sự của đội bóng áo đỏ. Sự thật là chúng ta bị loại không oan uổng. Đây là đội tuyển có chất lượng kém nhất từ trước đến nay. Tồi tệ hơn, không còn chỗ cho bất kỳ sự bào chữa nào. Và còn hơn cả mọi điều tồi tệ, lần đầu tiên những người làm báo chúng tôi cảm nhận được một sự vô cảm nơi những người hâm mộ, thứ cảm xúc chưa bao giờ thấy kể từ năm 1995 đến nay. Một sự cam chịu vô cùng.
Xin nói thẳng: đẩy người yêu bóng đá Việt Nam đến tận cùng của nỗi thất vọng đến mức không còn hờn giận hay bực tức về đội tuyển nữa, là một sự phá hoại. Chúng ta có thể thua trận, có thể thất bại ở một chiến dịch dù là kỳ vọng nhiều bao nhiêu đi nữa, nhưng chúng ta không thể để mất đi lòng tin và tình yêu của người hâm mộ.
Nói đơn giản: Mất điều đó là mất hết.
Khi đã nhìn ra được những giới hạn của đội tuyển. Khi đã thấy rằng khoảng cách giữa chúng ta và Thái Lan đã bị tái lập như trước, trong khi các đối thủ từng ở bên dưới chúng ta giờ đã ngang hàng, thì HLV Phan Thanh Hùng và các cầu thủ không có lỗi. Đây là sự thua kém mang tính chất toàn diện từ con người. Mà con người ấy ở đâu ra nếu không phải từ làng cầu nội địa. “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”. Nếu phải làm lại, hãy bắt đầu từ việc cải tổ làng bóng trong nước. Không làm điều đó, đừng hy vọng gì nữa.
BHL và đội tuyển không có lỗi. Vậy thì ai?
Không khó để tìm ra cái đích đến của quá trình nhận trách nhiệm này, chính là VFF. Một tổ chức đang vận hành bằng thứ “tư duy nhiệm kỳ” và những lý thuyết cũ rích, lỗi thời trong quản lý. Một tổ chức đã mô phỏng những thành công của người Malaysia, người Thái Lan bằng kiểu “học vẹt” chứ không chịu nhìn nhận thực tế khác biệt giữa từng làng cầu với nhau. Tổ chức ấy bỗng nhiên “sĩ diện” mà không cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Cũng tổ chức ấy giao đội tuyển cho HLV nội theo một chu trình ngắn hạn như đã từng áp dụng với các chuyên gia nước ngoài. Cũng tổ chức ấy, mấy chục năm qua không chịu “sắm” cho mình một Giám đốc kỹ thuật dù lúc nào cũng hô hào sẽ tìm ra lối chơi đặc trưng của bóng đá Việt. Tổ chức ấy, nói quá nhiều, còn kết quả của việc làm thì đã rõ: đấy chính là thất bại đêm qua.
Chúng ta không trách đội bóng của ông Hùng. Chúng ta không tiếc cho một chiến dịch đã vỡ tan từ khi bắt đầu nếu chúng ta biết đội bóng mình yếu như thế nào. Nhưng, sẽ rất phẫn nộ nếu hôm nay, ngày mai mà không có bất kỳ lãnh đạo VFF nào thừa nhận sự yếu kém của họ trong quản lý để đẩy bóng đá Việt Nam vào một hoàn cảnh mò mẫm đi tìm trong đêm đen một ánh sáng cuối đường hầm trong tuyệt vọng.
Như đã nói, sẽ là phi lý nếu để cho tình yêu của người hâm mộ bị dày vò trong nỗi thất bại của đội tuyển. Sẽ là phá hoại nếu chút niềm tin vào tương lai của bóng đá nước nhà bị mất đi chỉ vì sự bảo thủ và ảo tưởng của một vài người.