BĐVN: Bầu Thắng theo chân bầu Hiển
Ngày bầu Kiên lôi được quyền tổ chức V-League về phía VPF thì ông bầu này mở ngay chiến dịch “tấn công” bầu Hiển vi phạm luật chơi “một ông chủ hai đội bóng”. Bây giờ thì chính ông chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty VPF Võ Quốc Thắng lại đi theo vết chân của bầu Hiển khi vừa là ông chủ đội ĐT Long An vừa là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long – nhà tài trợ chính được xem là phần hồn của Kiên Long Bank Kiên Giang.
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kiên Long Bank) đã tổ chức thành công Đại hội Cổ đông thường niên lần thứ 17. Tại Đại hội Cổ đông đấy, các cổ đông đã nhất trí bầu ông Võ Quốc Thắng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Ngay sau quyết định trên, giới bóng đá lại thở dài một cách mệt mỏi khi VPF từng lên án, chỉ trích bầu Hiển “ôm” hai đội Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng thì nay lại đến lượt bầu Thắng đang là Chủ tịch HĐQT VPF “dính” vào điều tối kỵ đấy khi cùng liên quan đến ĐT Long An và Kiên Long Bank Kiên Giang y hệt như bầu Hiển.
Làng bóng thể thao suốt tuần qua cũng đề cập nhiều đến trường hợp mà không ai ngờ tới bởi nếu bầu Hiển chỉ độc lập một chuyện “quản” hai đội thì bầu Thắng lại còn gắn thêm cái chức Chủ tịch HĐQT của công ty VPF cũng chính là công ty nắm quyền tổ chức, điều hành giải V-League.
Tất nhiên những ngày qua, bầu Thắng cũng có cái lý của riêng ông khi được chất vấn về chuyện đi cùng đường với bầu Hiển theo kiểu “một ông chủ hai đội bóng” qua cách giải thích: “Việc tôi làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long không liên quan gì tới đội bóng Kiên Long Bank Kiên Giang. Nguyên do ngân hàng Kiên Long chỉ là một đơn vị của Công ty cổ phần bóng đá Kiên Giang, không đóng vai trò gì trong việc điều hành đội. Đội bóng cho chúng tôi gắn tên vào tên CLB, gắn thương hiệu trên áo thì chúng tôi ký hợp đồng tài trợ…”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty VPF Võ Quốc Thắng đi theo vết chân của bầu Hiển
Kiểu trả lời trên rõ ràng là không khác với kiểu bầu Hiển từng chống chế rằng ông là ông chủ đội Hà Nội T&T và là nhà tài trợ cho SHB Đà Nẵng và không có việc ông chỉ đạo đội SHB Đà Nẵng như bao lời đồn đại hay nhưng e ngại về việc hai đội bóng một ông chủ. Hoặc sau đó để mọi người không bắt lỗi thì bầu Hiển còn nói rằng đã rút hết cổ phần ra khỏi SHB Đà Nẵng nhưng đến giờ thì ai cũng hiểu rằng bầu Hiển có rất nhiều tác động đến đội SHB Đà Nẵng nhất là khi hai anh em Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đá với nhau hoặc phối hợp cùng nhau như cú “song kiếm hợp bích” vào cuối mùa 2012 đánh bật Sài Gòn Xuân Thành khỏi chức vô địch V-League.
Bóng đá Việt Nam từng được ví là một sân chơi có rất nhiều luật nhưng lại rất phi luật. Ngoài hai trường hợp hai ông bầu trên còn có hàng loạt các kiểu lách luật hoặc lấn luật như thiếu bằng cấp thì đăng ký chức danh Giám đốc kỹ thuật rồi cứ thế mà ra chỉ đạo như HLV mà không ai làm gì được. Hay ở đội ngũ trọng tài cứ xem cái cách phần công và ưu ái người này, “dìm” người nọ thì sẽ biết. Điển hình như trọng tài FIFA nằm trong danh mục được đầu tư dạng thế hệ vàng của FIFA như Võ Minh Trí dù không bị kỷ luật, không vi phạm gì hết nhưng cứ “ghét” là ngâm luôn không cho hành nghề suốt 4-5 trận qua. Điều này khác với các trọng tài thuộc dạng “con yêu” dù bị dư luận và các đội lên án rất mạnh nhưng vẫn cứ cầm còi ra sân vì đã có “ông đỡ”. Hay như trong quy chế bóng đá Việt Nam quy định rõ ràng về điều kiện sân bãi hay quy định về kỷ luật nhưng những sân không đủ chuẩn hoặc các trường hợp đáng bị kỷ luật thì vẫn cứ được che đậy theo cách riêng của những nhà điều hành.
Lại có thêm điều phi luật rất rõ đó là quy định không được thi đấu 3 trận sân khách liên tiếp hay ngược lại là 3 trận sân nhà liên tiếp thế nhưng việc BTC V-League đảo lịch đấu ở lượt về không theo thứ tự như lượt đi đã làm thiệt hại và ảnh hưởng đến nhiều đội với những cú giật liên tục từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại gây thiệt hại lẫn tốn kém lớn cho các đội bóng.
Vì thế mà việc bầu Thắng theo chân bầu Hiển sẽ không chỉ là trường hợp lặp lại chuyện mà bầu Kiên lẫn bầu Thụy từng lên án gắt gao và VPF cũng từng chỉ trích rất mạnh nhưng đến nay thì người của VPF lại đổ theo cái bóng đấy. Thậm chí là sắp tới có thể sẽ còn nhiều đội lách như thế bởi đến người của VPF cũng thế thì mình có lặp lại thì cũng có sao đâu.
Ở các quốc gia, luật được đẻ ra rất nhiều để thực thi nhưng với ta thì luật được đẻ ra càng nhiều thì người ta lại càng có nhiều điều kiện để lách và để lấn.
Nó cũng giống như ra đường ai cũng biết luật giao thông nhưng cứ cùng thói quen mỗi người lấn tí, vi phạm tí rồi lại thành ra tắc đường và đẻ ra đủ mọi thứ lệ làng.