BĐN không Ronaldo có thể mạnh hơn?
Cristiano Ronaldo sẽ bị treo giò ở trận đấu cuối cùng vòng loại World Cup 2014, và cơ hội dự Cúp Thế giới của anh lẫn tuyển Bồ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng có thật là tiền vệ CLB Real Madrid quan trọng với đội tuyển Bồ Đào Nha đến thế hay không?
Nghe có vẻ vô lý. Anh mới vượt qua Eusebio trong danh sách các tay săn bàn hay nhất mọi thời đại của tuyển Bồ, với 43 bàn sau 107 trận (Eusebio là 41 bàn sau 64 trận), và chỉ còn cách vị trí số một của Pauleta 4 bàn nữa mà thôi. Ronaldo mới 28 tuổi, và còn rất nhiều cơ hội nữa trong sự nghiệp.
Anh cũng là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha chạm mốc 100 lần khoác áo ĐTQG, khi mới 27 tuổi, 8 tháng và 11 ngày. Chỉ còn 3 trận nữa, Ronaldo sẽ cân bằng với huyền thoại Fernando Couto và 20 trận nữa là bắt kịp người khoác áo tuyển Bồ nhiều nhất trong lịch sử, Luis Figo.
Anh đeo băng đội trưởng từ năm 22 tuổi, đã cùng đội tuyển nước này dự 5 giải đấu quốc tế lớn khi chưa đầy 30 tuổi. Ở giải đấu đầu tiên, EURO 2004, Ronaldo ghi 2 bàn và kiến tạo 2 bàn, đưa BĐN vào chung kết (thua Hy Lạp). Tại kỳ EURO cách đây một năm, đội BĐN không được đánh giá cao đã vào đến tận bán kết, với lá cờ đầu Ronaldo. Vòng loại lần này, anh chơi không tệ, và mới lập cú hat-trick đầu tiên cho đội tuyển BĐN trong trận thắng Bắc Ireland.
Ronaldo chính là ngôi sao sáng nhất của đội tuyển BĐN lúc này, với tần suất ghi bàn không tưởng ở Real Madrid (213 bàn sau 209 trận trên mọi đấu trường hơn 4 mùa giải qua). Thể chất của Ronaldo là dị thường: Anh sở hữu tốc độ phi phàm, nhưng cũng không kém phần khéo léo và thăng bằng cực tốt. Ronaldo chơi tốt cả hai chân, đánh đầu cũng siêu và không chỉ là một cây săn bàn, mà còn là một ngòi nổ cực kỳ nguy hiểm từ biên.
Ronaldo sẽ bị treo giò ở trận đấu cuối cùng vòng loại World Cup 2014
Một ngôi sao không phù hợp lối chơi tập thể?
Nhưng các nhà chiến thuật lỗi lạc có lẽ cũng phải đau đầu với lối chơi của Ronaldo, một dạng cầu thủ mà họ không thể không đưa ra sân, nhưng anh cũng có thể khiến một tập thể đánh mất đi sự kết dính thường thấy.
Bóng đá hiện đại ngày một đề cao lối chơi tập thể hơn, như Marcelo Bielsa đã từng đúc kết: “Chúng ta không thể để bất cứ cầu thủ nào nghĩ rằng anh ta có thể giành chiến thắng một mình ở trong đội bóng”. Ông cắt nghĩa thêm: “Chìa khóa của trận đấu là chiếm lĩnh khoảng trống tốt, để giữ một đội ngũ với cự ly không quá 25 mét từ đầu đến cuối và một tuyến phòng ngự không bị phân tâm khi bất kỳ cầu thủ nào di chuyển”. Một hệ thống nhỏ gọn và kỷ luật là lý tưởng cho lối chơi tập thể.
Ronaldo thì khác, mọi chuyện đều phải xoay quanh anh. Một vài ví dụ điển hình: Trận chung kết Champions League 2008, Ronaldo chơi ở cánh trái hàng tiền vệ Man United, và chính anh là người đưa đội áo đỏ vượt lên dẫn trước. Trong hơn nửa giờ đồng hồ, anh cũng “bắt chết” Michael Essien, khiến cầu thủ người Ghana không thể xuống biên. Nhưng sau đó, Ronaldo bắt đầu xao lãng, và để Essien vượt qua mà không đuổi theo. Một pha xuống biên như thế đã ẫn đến bàn gỡ hòa của Frank Lampard. Sự vô kỷ luật của anh đã giúp Chelsea trở lại.
Đó là lý do khiến Sir Alex Ferguson phải thường xuyên sử dụng anh như một trung phong, vì sự lỏng lẻo của anh có thể gây tổn hại cho đội bóng. Ronaldo cũng là lỗ hổng bên hành lang trái trong các trận Kinh điển, để sổng Daniel Alves rất nhiều lần. Trận bán kết Champions League trước Bayern mùa 2011-2012, anh bỏ lỏng Philipp Lahm và lỗ hổng ấy thể hiện rõ rệt nhất ở bàn thắng của Mario Gomez. Câu chuyện tương tự diễn ra ở các trận gặp Dortmund mùa trước, và Lukasz Piszczek là người được hưởng lợi.
Ở đội tuyển Bồ, tình hình cũng không khá hơn. Vòng bảng, BĐN đã thua Đức 0-1 từ bàn thắng duy nhất xuất phát từ một pha tấn công vào cánh trái, Khedira tạt cho Gomez ghi bàn duy nhất. Cộng Hòa Czech đã có thể làm tốt hơn ở tứ kết, nếu người chơi ở cánh phải của họ là một cầu thủ có đẳng cấp cao hơn Theodor Gebreselassie. Tiền vệ này đã có quá nhiều khoảng trống ở cánh, nhưng anh không tận dụng được.
Khi bóng đá thế giới ngày một đề cao xu hướng tập thể và đánh giá cao những cầu thủ tấn công có “team work” (làm việc nhóm) tốt, thì cách chơi và cá tính của Ronaldo giống như một sự lỗi thời. Kiểu chơi pressing toàn sân được sáng tạo ở Liên Xô những năm 1960 bởi HLV huyền thoại Viktor Maslov có một yếu tố bất di bất dịch cho đến ngày hôm nay, trong lý thuyết pressing do Arrigo Sacchi và Bielsa phát triển: Không một ai trong đội được từ chối trách nhiệm phòng ngự.
Trận gặp Luxembourg, BĐN sẽ có cơ hội chứng minh họ không phụ thuộc vào Ronaldo
Đội tuyển BĐN sẽ chơi tốt hơn nếu… thiếu Ronaldo?
Trước đây, chỉ có một cầu thủ được phép “giữ toàn bộ các quyền dân chủ”, theo lời Viktor Maslov: Số 10 cổ điển. Đó là vị trí kiến tạo lối chơi cho cả đội, quyết định nhịp độ thi đấu và điều khiển các đồng đội tấn công. Nhưng Ronaldo chưa bao giờ là một cầu thủ như thế. Anh là một mũi nhọn, không phải người dẫn dắt và tạo cảm hứng cho các đồng đội. Nếu di chuyển vào trung lộ, Ronaldo cũng sẽ chơi cao và chỉ nhắm đến khung thành, chứ không lùi về nhận bóng và tham gia kiến tạo lối chơi.
Chính xác thì anh là một tiền đạo thuần túy, nhưng xuất phát từ cánh trái: Hầu hết các bàn thắng của Ronaldo đến sau 1 hoặc 2 chạm. Trên sân, anh chỉ làm một việc: Di chuyển tự do và đánh hơi các bàn thắng, dù xuất phát ở một vị trí mà kỷ luật chiến thuật cần phải được đảm bảo.
Ronaldo sẽ tiếp tục “bắt nạt” các đội bóng nhỏ và thi thoảng chọc thủng lưới một đội bóng lớn. Ở vào tình thế một chọi một, anh vô cùng ghê gớm. Anh dứt điểm rất tuyệt vời, và cũng là một cầu thủ tuyệt vời. Nhưng lối chơi của anh là một điểm yếu trong bóng đá hiện đại, và những đội bóng sử dụng anh theo cách hiện tại khó xây dựng được một lối chơi tập thể tốt. Anh là một nguồn sức mạnh vô giá, nhưng đồng thời cũng là một lỗ hổng.
Chính vì thế, vắng Ronaldo ở lượt trận cuối (vì treo giò) chưa chắc đã là thảm họa của tuyển Bồ. Ngược lại, đó là lúc họ tập luyện để tìm ra sức mạnh tập thể đích thực, hơn là dựa dẫm chỉ vào một mình Ronaldo. Hãy nhìn lại đội bóng này, họ đâu có thiếu những tài năng?