Bảy lần mừng bàn thắng…
Hôm qua, trên đất Myanmar, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc đã có đến bảy lần ăn mừng bàn thắng và nếu chính xác hơn thì con số đấy có thể lên đến 10 hoặc hơn nữa.
Dưới góc độ chuyên môn thì chiến thắng đấy rất cần thiết bởi nó giúp các học trò HLV Hoàng Văn Phúc có 90 phút khởi động, hâm nóng trước khi bước vào trận quan trọng với Singapore vào chiều mai (10-12). Ông Phúc cũng không giấu việc ông vui mừng vì hai chân sút ở hàng tiền đạo của ông đã khai hỏa sau giai đoạn bị tịt ngòi nặng nề khiến gánh nặng ghi bàn dồn lên đôi chân các tiền vệ.
Chiều qua U-23 Việt Nam có điểm 3++ nhờ vào số bàn thắng +7 và vẫn bảo toàn lực lượng. Trong bảy lần mừng bàn thắng đấy có những pha phối hợp như bài tập không đối kháng dù vẫn có “quân vàng” chạy theo quấy rối. Vì thế mà vui với 3 điểm ++ nhưng cũng cần phải nhìn thấu đáo những dấu trừ ẩn trong điểm 3. Đó là sự căng cứng trong 20 phút đầu chưa có bàn thắng; là những pha hết sức chủ quan và khinh thường đối thủ nên suýt bị trả giá; là những lần mất bóng ở giữa sân và chạy hụt hơi về nhưng may là “quân vàng” là những chàng trai rất tơ chứ không phải những cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp.
Hai năm trước, cũng trong khuôn khổ này, các cầu thủ U-23 Việt Nam đốt lưới Brunei đến 8-0 nhưng sau đó vào bán kết thì bộc lộ hàng loạt những yếu kém bởi sự chênh lệch về đẳng cấp. Hồi đấy, tám bàn thắng không cho chúng ta những bài học và những điểm tích lũy cần thiết.
U23 Việt Nam thắng nhưng cần rút ra nhiều bài học
Thắng dễ không có nghĩa là ta hay nhưng thắng dễ mà biết rút ra bài học được từ trận thắng đậm đấy mới quan trọng.
Vậy thì ta đã học được gì ở những cầu thủ Brunei còn đang học đá bóng?
Đó là thái độ của chúng ta khi thắng dễ; là sự thiếu tập trung khi đã có nhiều vốn; là những pha mà trung vệ thì chỉ thủ môn dạy còn thủ môn thì hú hồn với những đường bóng trả về mà ta không thua vì đối thủ quá dở.
Một chiến thắng đậm rất hay được tâng bốc kèm theo những điệp khúc của người chiến thắng. Nhưng nếu hiểu được đối thủ ta ở đâu và ta sau cơn mưa gôn để tiếp đối thủ lớn hơn thì mới thực sự cần thiết.