Bầu Kiên và tấn kịch bóng đá
Hiếm khi người ta thấy bầu Kiên giận dữ đến vậy sau trận thua của CLB bóng đá Hà Nội trước Navibank Sài Gòn cuối tuần vừa rồi. Thường thì khuôn mặt lạnh lùng đi kèm mái tóc trắng xóa của ông khiến rất khó đoán cảm xúc của nhà tài phiệt ngành ngân hàng trước mỗi kết quả thắng thua của đội bóng Thủ đô. Nhưng lần này, ông xuống tận sân, chỉ tận mặt cầu thủ và sử dụng những tính từ rất nặng để phê phán cái kết quả 1-4 diễn ra trên sân Thống Nhất.
Nhà khó, nhọ và đen
Đã có thời tiền bạc là lý do chủ yếu khiến đội bóng tiền thân của CLB bóng đá Hà Nội là Hà Nội ACB thi đấu đì đẹt hết năm này sang năm khác. Bằng giờ này năm ngoái, sau vòng 25 V.League 2011, Hà Nội ACB chính thức nhận vé xuống hạng ở mùa giải mà họ vừa quay trở lại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam sau 2 mùa thi đấu ở hạng Nhất.
Không quá khó để chỉ ra nguyên nhân dẫn đến điều vừa nhắc, đội bóng ấy thiếu đầu tư một cách trầm trọng. Nó không có một đội ngũ cầu thủ đủ sức cạnh tranh ở V.League vì bầu Kiên không chịu móc hầu bao để chiêu mộ những bản hợp đồng chất lượng. Ngay cả những chuyện nhỏ nhặt nhất như cái ăn, cái mặc chứ chưa nói đến lương, thưởng thì cầu thủ của Hà Nội ACB cũng có đủ lý do để cảm thấy chạnh lòng khi ngó sang các đội bóng khác.
Hà Nội ACB của năm 2011 thật ra là một sự tiếp nối của những thay đổi trong cách làm bóng đá của bầu Kiên bắt đầu từ năm 2005, thời điểm cơ quan chức năng phanh phui ra hàng loạt tiêu cực của làng bóng đá Việt khiến cho nhiều nhân vật phải ra trước vành móng ngựa, mà đội bóng Thủ đô là nạn nhân trong hầu hết những vụ trọng tài bị “bắn” thủng.
Bầu Kiên rất giầu và không thiếu tiền để chơi bóng đá đúng nghĩa nhưng vấn đề là ông có lẽ đã quá chán thứ bóng đá – bóng bàn ấy nên chỉ đầu tư ở mức độ cầm chừng sao cho đội bóng của mình không “chết” trong khi chờ đợi một viễn cảnh sáng sủa hơn của sự trung thực và minh bạch.
Hoặc, một nhà đầu tư tài chính đại tài như bầu Kiên thì quyết không mua cái gì vượt quá giá trị thực mà rõ ràng là thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam đang có quá nhiều con số ảo.
Hệ quả, thành tựu gần như là duy nhất của Hà Nội ACB về mặt nhân sự trong khoảng nửa thập kỷ đổ lại đến trước thềm mùa giải 2012 là giữ chân được Quả Bóng Vàng Thành Lương, dù quyết định ở lại cống hiến của tiền vệ gốc Hà Tây này mang ý nghĩa đền đáp lại nơi đã cho anh cơ hội đổi đời từ một chú bé nông thôn phải lao động chân tay từ thủa nhỏ chứ không phải giống với cách bầu Kiên cho nổ “bom tấn” với vụ chuyển nhượng Công Vinh sau này.
CLB bóng đá Hà Nội trước nguy cơ xuống hạng Nhất
Nhưng, như người ta vẫn ví von, Thành Lương chỉ là cánh én nhỏ và không thể mang đến mùa xuân cho một tập thể vốn chỉ gồm hầu hết là những món “hàng dạt” hay “hết đát” được thu gom từ các CLB khác. Trong quãng thời gian 7 năm 2005-2011, “thành tích” của Hà Nội ACB là 2 lần trụ hạng may mắn, 2 lần phải đi đá play-off và 2 lần xuống hạng.
Nhà sang, liệu có gang có thép?
Rất nhiều kỳ vọng đã được dành cho bầu Kiên khi ông phất cao ngọn cờ cách mạng với làng bóng đá Việt và với chính đội bóng của mình hồi cuối mùa giải trước.
Chi phí của vụ sáp nhập với Hòa Phát Hà Nội có thể sẽ mãi mãi là một bí mật, nhưng chắc chắn khu tập huấn đạt tiêu chuẩn 4 sao ở Mỹ Đình cùng suất V.League mà bầu Long – Tuấn để lại đã ngốn một khoản tiền không nhỏ của bầu Kiên.
Từ ngôi sao đình đám như tiền đạo Công Vinh, những gương mặt trẻ đầy triển vọng như các hậu vệ Đại Đồng, Việt Anh…, bầu Kiên thậm chí còn chơi sang tới mức chấp nhận ký hợp đồng rồi nuôi không tiền vệ Việt kiều Johnny Nguyễn hết giai đoạn một để chờ hoàn tất thủ tục nhập tịch cho cầu thủ này, cả dàn ngoại binh mùa trước đến mùa này cũng được thay máu toàn bộ.
Chưa nói đến một thứ kỳ vọng dành cho chuyện “rồng phượng”, thứ hạng và khả năng có thể phải xuống chơi ở giải hạng Nhất mùa tới của CLB bóng đá Hà Nội thời điểm này còn hơn cả nỗi thất vọng. Thành tích bết bát là một chuyện, song tinh thần thi đấu hay một thứ gì đó giống như khát khao cũng lại là thứ người ta không cảm nhận được ở đội bóng Thủ đô. Chiều chủ nhật vừa rồi, bầu Kiên đã sử dụng cụm từ “thua như thế này là thua nhục” để phê phán cầu thủ của ông với cái cách họ dễ dàng để Navibank Sài Gòn chọc thủng lưới 4 bàn và chỉ gỡ lại được 1 bàn.
Kết quả của CLB trẻ Hà Nội, đội bóng sân sau của CLB bóng đá Hà Nội ở hạng Nhất cũng không khá hơn. Vị trí thứ 12 trên Bảng xếp hạng cũng có nghĩa nếu để thua ở lượt cuối trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp thắng, CLB trẻ Hà Nội sẽ trôi xuống tận hạng Nhì.
Còn hơn cả một tấn bi kịch nếu chiều thứ bảy tuần này, đội hạng Nhất “đi”, sang ngày Chủ nhật hôm sau, đội V.League “lên đường”!