Bầu Hiển làm trưởng đoàn 2 ĐTQG !?
Giả sử điều đó là sự thật, khi ông Hiển cuối năm nay được trao quyền dẫn quân đi đá AFF Suzuki Cup, sang năm dự SEA Games 27, có khi là tốt, trong bối cảnh phát triển của bóng đá ta hiện nay.
.. Vì ông đang là nhà tài phiệt bóng đá
Bản chất của khái niệm tài phiệt để chỉ những người có thế lực cực mạnh về tài chính và tác động sâu sắc, thậm chí nắm quyền chi phối kinh tế - chính trị trong từng phạm vi cụ thể. Bóng đá ta đã và đang hình thành một thế hệ có máu tài phiệt, nhưng để trở thành nhà tài phiệt bóng đá thì vẫn còn ít, hay chỉ là câu chuyện của tương lai.
Xin được dông dài một chút về sự phát triển của những thế hệ đang đầu tư vào hoạt động bóng đá 12 năm qua. Chưa có một nước nào trong khu vực, số doanh nghiệp nhảy vào bóng đá và đốt tiền cho hoạt động bóng đá nhiều như ở ta. Chúng tôi dùng từ đốt tiền, với hàm ý số ông bầu chơi ngông, coi bóng đá như thú vui kiểu chơi xe, cây cảnh…, hay làm bóng đá nhưng chưa biết tương lai về đâu, thậm chí, chẳng am hiểu bóng đá, chiếm số đông.
Do đó, để tìm ra một nhà tài phiệt đúng nghĩa, cái bóng đổ dài khắp các sân cỏ cả nước, tác động sâu sắc đến Liên đoàn Bóng đá quốc gia, thậm chí cả đội tuyển QG, thậm chí đời sống xã hội một địa phương, là một nhiệm vụ khó khăn.
Lịch sử 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, trong buổi đầu có hai người có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống bóng đá nội, đấy là Đoàn Nguyên Đức và Võ Quốc Thắng. Về sau, hai ông đã đánh mất lợi thế, khi số những doanh nghiệp sẵn sàng bung tiền để chơi bóng đá, như đã nói ở trên, mọc lên như nấm sau mưa. Việc nhà tài phiệt tài chính như bầu Kiên, đã phải tập hợp bầu Đức, bầu Thắng cùng một số chiến hữu lập ra VPF, thực chất là giọt nước tràn ly của sự bức xúc. Trong đó, ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng là đối tượng bị nhắm đến, bên cạnh đối tượng chính là VFF - tổ chức đã thể hiện năng lực điều hành giải chuyên nghiệp quá kém và lỗi hệ thống.
Bầu Hiển (phải) sẽ làm trưởng đoàn hai đội tuyển quốc gia?
... Vì mãnh hổ vẫn địch lại quần hồ
Cho dù VPF đã ra đời, họ đã vận động được 10 doanh nghiệp sừng sỏ bảo trợ cho bóng đá VN, thì trong thời điểm hiện tại vẫn không làm cho vị thế của bầu Hiển lung lay. Trận đấu bù giữa SLNA và SHB.ĐN chiều thứ Hai vừa qua (9/7), chắc chắn có nhiều người muốn SLNA lập được chiến tích hạ gục SHB.ĐN. Vậy nhưng, nhà ĐKVĐ đã thất bại thê thảm. Điều đó đồng nghĩa, ngôi vô địch dường như chỉ còn là cuộc song mã của hai đứa con bầu Hiển. Sài Gòn. Xuân Thành ư? Khoảng cách 7 điểm (với HN.T&T), 6 điểm (với SHB.ĐN) là quá khó san lấp. Khi đội bóng của “cò” Đại và bầu Thụy để thua SHB.ĐN 1-2 trên sân Chi Lăng vòng 19, giới chuyên môn đã hiểu rằng cánh cửa vô địch của SG.XT đã khép lại. Việc SLNA vô địch mùa trước, hay hạ gục HN.T&T 6-2, nếu nhìn nhận sòng phẳng đấy là phong độ nhất thời. Hay nói cách khác, HN.T&T (và cả SHB.ĐN) vẫn nhỉnh hơn toàn diện. “Hai đánh một không chột cũng què”, bầu Hiển còn 3 đội hạng Nhất nữa, tương lai thiên hạ còn phải “khóc thét” với họ Đỗ.
Vì sao việc bầu Hiển sở hữu một lúc nhiều đội bóng nhưng vẫn được chấp nhận? Hãy nhìn vào mối quan hệ thâm tình giữa ông và VFF, và cả giới trọng tài, là hiểu điều đó. Bầu Đức thời HA.GL cực thịnh, hay bầu Thắng có hy sinh cả HLV Calisto cho hai ĐTQG, thì “Gỗ” và “Gạch” vẫn không nhận được nhiều đặc ân từ VFF, như những gì bầu Hiển đã và đang có được. Khi bầu Hiển đã tự tin tuyên bố sẽ mang về cúp vô địch mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ai cũng hiểu tầm ảnh hưởng của bầu Hiển đã vượt ra khỏi địa hạt bóng đá.
Giải pháp để bầu Hiển làm trưởng đoàn hai ĐTQG chưa hẳn là tệ
Chúng tôi nhấn mạnh không tệ, nếu đặt trong bối cảnh bóng đá ta đang phát triển như hiện nay, khi bầu Hiển đang phát triển như một nhà tài phiệt bóng đá. HLV Phan Thanh Hùng, quân của bầu Hiển đã chính thức nhận quyết định chức vụ HLV trưởng ĐTQG, thì sự cộng hưởng của cặp “song kiếm hợp bích”- cùng một số trụ cột của HN.T&T, là cực lớn. Sự phụ thuộc của VFF, ĐTQG với HN.T&T và cá nhân bầu Hiển ngày càng rõ ràng hơn.
Trong quá khứ, Trưởng đoàn các ĐTQG thường là lãnh đạo Tổng cục TDTT, hoặc của VFF. Các ông trưởng đoàn mang phong thái của nhà quản lý với những tính cách nhợt nhạt, cơ chế làm việc nặng nề cung cách bao cấp, không kích thích được cầu thủ vượt được giới hạn bản thân.
Hãy nhìn cấp CLB, cụ thể là bầu Hiển. Chỉ cần ông Hiển ngồi trên khán đài, tay lăm le một bọc tiền đô, thậm chí không cần xuất hiện mà chỉ một lời hứa chơi đẹp với quân, thì HN.T&T vẫn có thể đá hết mình. Các ĐTQG vẫn cần một ông trưởng đoàn quyền lực mềm, có cả cây gậy lẫn củ cà rốt. Bóng đá ta, người khiến cầu thủ chịu đá có khi là anh có tiền và quyền lực mềm. Ví như “cò Đại”, cần gì bằng cấp HLV hạng A, B mà vẫn nói quân - từ nội đến ngoại binh cá tính - nghe răm rắp đấy thôi.
Năm 2005, bầu Đức từng suýt ngồi ghế trưởng đoàn U23 dự SEA Games 23. VFF muốn tận dụng điều kiện kinh tế và cách làm bóng đá quyết chuyện tiền kiểu “rẹc đùng” của bầu Đức lúc đó, để nuôi mộng vô địch. Cuối cùng, ý tưởng đó không thành hiện thực. U23 bán độ, trưởng đoàn Lê Thế Thọ lãnh đủ. Thực ra, đấy là cách mà họ học tập Thái Lan, có vị trưởng đoàn kiêm tài phiệt tài chính là ông Thavatchai Sajakul. Trong giai đoạn bóng đá Thái cực thịnh, gắn liền với nhà tài phiệt nổi tiếng trên.
Trong quá trình xã hội hóa bóng đá mạnh mẽ như hiện nay, việc để bầu Hiển, hay nhà doanh nghiệp có máu mặt khác làm trưởng đoàn các ĐTQG chẳng có gì là khó hiểu. Cũng như trong tổ chức của VFF cần có thêm người “ngoài liên đoàn”.
VFF đã làm mọi cách, nhưng vẫn không thể vô địch SEA Games. AFF Suzuki Cup thì cuối năm nay cũng được dự cảm rất gay go. Binh chưa hùng thì tướng phải mạnh. Vị trí trưởng đoàn rất quan trọng, có khi cái ghế này VFF phải “nghiên cứu” thấu đáo hơn, thay vì cách làm xưa cũ và đã chứng minh không phát huy hiệu quả như lâu nay.