Bầu Đức và VFF: Đã đến lúc cho một cuộc chia tay?
Trong những ngày đầu tiên của năm mới Đinh Dậu 2017, ông Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch VFF, đã đưa ra một tuyên bố gây sốc cho cả làng bóng đá Việt Nam khi ông bộc bạch nguyện vọng trên một tờ báo rằng: “Tôi nghĩ nát óc rồi, bây giờ mà muốn thay đổi bóng đá Việt Nam thì chỉ còn nước phải xoá sạch mấy cái lợi ích nhóm chồng chéo này đi, thay máu và làm lại, như thế mới hy vọng khá lên được”.
Lâu nay bầu Đức vẫn nổi tiếng với những tuyên bố gây sốc như thế, dù là ở cương vị ông bầu của HAGL hay trong vai trò Phó Chủ tịch VFF. Căn cứ vào những gì đã xảy ra với bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB mấy mùa giải vừa qua thì đúng là giải VĐQG của chúng ta cần tiến hành một cuộc đại phẫu để giải quyết những vấn đề đã trở thành vấn nạn như lối chơi bạo lực, tiếng còi sai lệch của trọng tài hay nghi vấn về tình trạng bênh đội bóng này trù đội bóng kia...
Ông Đoàn Nguyên Đức
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây là bầu Đức, với tư cách là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính tài trợ, đã làm những gì để giúp bóng đá Việt Nam giải quyết những vấn đề còn đang tồn đọng? Rất khó để trả lời câu hỏi này, bởi có thể nói bầu Đức đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam, không chỉ với lứa cầu thủ của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., song cũng có thể nói bầu Đức như đang hát bài “Trái tim bên lề” với bộ máy điều hành ở VFF, khi mà những đóng góp của ông cho VFF mấy năm qua gần như là con số 0, trong khi nhiệm kỳ VII (2014-2018) mà bầu Đức giữ một ghế trong Thường trực VFF đã trôi qua 2/3 chặng đường.
Trong hơn 2 năm ngồi ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính tài trợ, người ta chưa thấy bầu Đức mang về bất cứ bản hợp đồng tài trợ nào đáng kể. Khi HLV Toshiya Miura chịu áp lực dữ dội trong những tháng ngày cuối cùng ở Việt Nam, mà một phần nguyên nhân chủ yếu là vì ông Miura không trọng dụng các cầu thủ HAGL, bầu Đức từng tuyên bố sẽ tài trợ toàn bộ cho ĐTQG nếu như ông Miura được cho nghỉ và thay thế bằng người khác.
Thế rồi ông Miura đã chia tay bóng đá Việt Nam từ đầu năm ngoái, và HLV Hữu Thắng sắp kỷ niệm tròn 1 năm ngày ngồi ghế HLV trưởng ĐTQG thay thế ông Miura, song vẫn chưa thấy bầu Đức mang lại nhà tài trợ nào mới cho ĐTQG, và gắn bó với ĐTQG vẫn là những nhà tài trợ quen thuộc từ khi ông Miura còn nắm quyền.
Không những thế, với lý do bận bịu kinh doanh, bầu Đức cũng thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp ở VFF, mà mới nhất là Đại hội thường niên Ban chấp hành VFF khóa VII diễn ra hồi cuối năm vừa qua cũng vắng bóng bầu Đức.
Sẽ có ý kiến cho rằng với trọng trách của người đứng đầu một doanh nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ đồng như HAGL, bầu Đức không thể có đủ thời gian để dành cho các cuộc họp ở VFF, mà không phải cuộc họp nào cũng thực sự quan trọng và thiết thực, vì thế sự vắng mặt liên tục của ông Đức trong ngôi nhà VFF là điều có thể chấp nhận được.
Thế nhưng cũng sẽ có ý kiến lật ngược vấn đề rằng không phải bây giờ bầu Đức mới bận rộn, và nếu biết không có đủ thời gian cho VFF thì ông Đức còn nhận lời ngồi ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính tài trợ làm gì?
Nó cũng tựa như chuyện một số cô giáo mầm non sau khi bị phát hiện có hành vi bạo hành với trẻ nhỏ đã biện bạch rằng họ bị stress do phải trông quá nhiều em nhỏ và lại không có quan hệ máu mủ ruột rà với các em nhỏ ấy nên ở một số tình huống không thể kiềm chế được, dẫn tới hành vi không đúng chuẩn mực của nghề sư phạm.
Lý lẽ này ngay lập tức bị bác bỏ, bởi mỗi nghề mỗi việc đều có những yêu cầu riêng, và nếu cảm thấy bản thân không hội đủ những tố chất cần thiết cho một công việc cụ thể nào đấy thì tốt nhất là nên từ bỏ, chứ đừng “cố quá” để rồi thành “quá cố”, như cách mà dân gian vẫn hay nói.
Mà điều này thì hẳn bầu Đức là người am hiểu hơn ai hết, bởi chính ông đã nói với tờ báo kể trên rằng: “Người tài ở ta không thiếu gì”, và vì thế, một cuộc chia tay là điều khó tránh khỏi?!