Bầu Đức và tuổi thanh xuân lo trụ hạng
HA Gia Lai đã trụ hạng V-League an toàn trước một vòng đấu khi thắng 2-1 đội á quân TP.HCM của ông thầy cũ Chung Hae-seong đã hết động lực nên chơi đẹp, cất hết ngoại binh cho Cúp Quốc gia.
Đấy cũng chỉ là một kết quả bình thường vì suy cho cùng đội bóng phố núi với dàn tuyển thủ quốc gia đông đảo không trụ cách này cũng trụ cách khác. Chỉ có bất thường nếu nhớ lại cách đây hai mùa, bầu Đức từng đặt chỉ tiêu vô địch V-League 2019 nhưng cuối cùng lại chật vật lo chống xuống hạng mệt mỏi.
Bầu Đức từng tự hào với lứa Công Phượng, Văn Toàn vô địch giải U-21 quốc tế
Mùa này không phải lần đầu tiên HA Gia Lai vật vã tìm đường thoát hiểm từ giai đoạn hai mà ngay từ năm 2015, lúc nào người yêu mến đội bóng phố núi cũng hồi hộp chờ những đứa con cưng về đích an toàn. Tiền vệ Minh Vương tự giễu với phận số bóng đá đen đủi của mình và HA Gia Lai đã cám cảnh: “Dành cả thanh xuân để trụ hạng”.
Nhớ lúc mới cho lứa U-19 tốt nghiệp Học viện Bóng đá 2015, bầu Đức đã ngắm nghía cái đích hai năm sau làm trùm V-League. Giờ đã năm mùa rồi vẫn mãi quen mặt với nửa dưới bảng xếp hạng.
Có lẽ không chỉ Minh Vương mà rất nhiều đồng đội của anh đã và đang khoác áo tuyển quốc gia đều mong mỏi có một lần vô địch V-League như các đàn anh từng làm ở hai mùa 2003, 2004. Chẳng ai thích mạo hiểm đánh đu với canh bạc lo trụ hạng trối chết, rồi khi thoát lại nói là mừng như vô địch cả.
Nhưng cứ nhìn vào nội lực, cách làm và cách đầu tư giữa hai thời kỳ của bầu Đức là thấy nó như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau tại một điểm. Đã năm mùa bóng trôi qua, tính từ lứa cầu thủ Học viện Bóng đá HA Gia Lai Arsenal JMG ra trường, họ nổi tiếng ở nhiều mảng khác nhau nhưng chưa một lần hưởng miếng ngon trong giải vô địch quốc gia.
Bầu Đức không tiếc tiền của và công sức đầu tư cho bóng đá. Có những lúc rơi vào cảnh ngặt nghèo vì làm ăn thất thường, bầu Đức vẫn tuyên bố HA Gia Lai bán gì thì bán để trả nợ nhưng bằng mọi giá phải giữ lại Học viện Bóng đá.
Cũng có thời điểm ông chán bóng đá thật, như mới nhất ông chế nhạo đồng nghiệp chơi kiểu “năm thằng ốm đánh chết một thằng mập” nhưng nói ông không muốn vô địch là nói dối. Mà muốn bỏ thật nhiều tiền để mua cầu thủ giỏi như cái cách B. Bình Dương hai năm 2015, 2016 băng băng về đích, bất chấp “năm đánh một” thì ông ngán ngẩm, không làm.
Bầu Đức cùng các cộng sự từng lăn lộn suốt gần 20 năm qua trong làng bóng quốc nội thì chẳng ai có thể dạy họ làm bóng đá nữa cả. Lứa U-19 làm mưa làm gió ngày nào ở các giải trẻ đã 24, 25 tuổi hết rồi, bầu Đức còn chờ đến bao giờ nữa?
Vòng luẩn quẩn của HA Gia Lai Lúc bầu Đức tìm thầy giỏi Park Hang-seo về giúp VFF, ông đồng thời cũng mời luôn bạn thân Chung Hae-song về nắm HA Gia Lai với cái đích ở năm thứ hai phải vô địch. Nhưng chỉ mới một mùa thất bại, ông Chung đã chia tay với lời trần tình vì không thỏa mãn về việc tự quyết phần chuyên môn. Vậy mà chỉ mùa bóng sau, thầy Chung đã đưa TP.HCM đoạt ngôi á quân V-League. Điều này cho thấy ông thầy người Hàn Quốc không bất tài mà ngược lại là đằng khác. Tuy nhiên, sự dùng dằng của thứ bóng đá tình cảm trong nội bộ HA Gia Lai lẫn kỳ vọng quá mức về lứa cầu thủ trẻ ở học viện đã kìm hãm sự năng động và sáng tạo trong lòng họ. Cá nhân của cầu thủ HA Gia Lai không tồi nhưng họ còn thiếu một số yếu tố ngoại binh chất lượng, lối chơi đa dạng và chiều sâu đội hình như kiểu của Hà Nội đã dẫn đến nghịch cảnh “dành cả thanh xuân để trụ hạng”. |
Phần thắng đã thuộc về bầu Đức khi V-League còn hai vòng đấu nữa mới kết thúc.