Barcelona: Muốn cách mạng, phải "trảm" Xavi
Xavi là một trang quan trọng trong cuốn biên niên sử của Barcelona nhưng khi đội bóng đã chuyển sang một thời kỳ mới, một trang mới của cuốn sách phải được lật mở.
Những chuyện lạ ở Nou Camp
Đã có điều gì đó không bình thường ở Barcelona trong giai đoạn cuối mùa giải. Đặc biệt là trận đấu cuối cùng gặp Atletico Madrid, trận “chung kết” của La Liga và có ý nghĩa sống còn. HLV Gerardo Martino đẩy Xavi lên ghế dự bị và mãi đến phút 77 mới được vào sân thay Cesc Fabregas. Từ bao giờ người đội phó (sẽ là đội trưởng nếu vẫn ở lại sau khi Puyol ra đi) bị gạt ra khỏi kế hoạch cho những trận cầu then chốt?
Điều kỳ lạ thứ hai là các cule đã vỗ tay cổ vũ, ủng hộ Atletico. Đúng là Atletico xứng đáng được tán dương sau những gì đã làm được, nhưng cần biết rằng ngay cả khi Barcelona để thua Inter Milan năm 2010 hay Chelsea năm 2012, các cule cũng vẫn cổ vũ nhiệt tình cho đội nhà. Lần này thì khác. Họ la ó cả Messi và trước đó là Neymar. Họ đứng chặn đường ở bãi đậu xe để mà chửi rủa, dẫn tới cái “ngón tay thối” của Dani Alves và Cuenca.
Xavi sẽ phải dọn hành lý ra đi
Những điều lạ lùng ấy báo hiệu Barcelona phải chuyển giao sang một thời kỳ mới, như chính chủ tịch Josep Maria Bartomeu thừa nhận ngay sau trận hòa Atletico là phải “thay đổi sâu sắc”. Giám đốc thể thao Zubizarreta tạm thời vẫn chỉ huy chiến dịch cách mạng ấy, với nước đi đầu tiên là đưa về Luis Enrique.
Luis Enrique lại là người tiếp nối công cuộc cách mạng với một loạt thay đổi về nhân sự. HLV 44 tuổi thay mới gần như toàn bộ ban huấn luyện và sẽ kiên quyết loại bỏ những phần tử thừa thãi Tello, Afellay, Cuenca, Alexis Sanchez, Pedro, Alves, Mascherano, Alex Song, Adriano…
Và thật ngạc nhiên, chiến dịch “operacion salida” ấy sẽ bao gồm cả 2 cái tên rất quan trọng (hay từng rất quan trọng): Cesc Fabregas và Xavi Hernandez.
Triết lý mới, con người mới
Đó là sự thật, hoàn toàn không có chút gì bỡn cợt, bởi thông qua chính những lời Enrique tiết lộ với báo chí trong cuộc họp báo đầu tiên ở Nou Camp, ta có thể nắm bắt được suy nghĩ của anh.
Luis Enrique bỏ lửng tương lai của Cesc Fabregas và với Xavi cũng tương tự. Khi được hỏi về tiền vệ 34 tuổi, anh chỉ ngắn gọn: “Xavi là bạn tôi, tôi sẽ ngồi xuống nói chuyện với cậu ấy để cân nhắc giữa điều cậu ấy muốn và điều chúng tôi muốn. Sau đó, mọi thứ sẽ được quyết định”.
Messi và Xavi, 2 người có ảnh hưởng lớn nhất đến Barca sẽ phải chia tay nhau
Thông qua phát biểu này, Luis Enrique đã mở cửa cho Xavi rời Nou Camp. Một sự thay đổi rất sốc, bởi Xavi trong một thập kỷ qua là bánh lái của con tàu Barcelona, là nhà kiến thiết lối chơi, một thủ lĩnh và một biểu tượng. Trong mỗi trận đấu xuất sắc của Barca, dấu ấn của Xavi đều rất rõ rệt và cứ mỗi lần Lionel Messi tỏa sáng thì Xavi luôn có đóng góp lớn ở phía sau.
Bán Xavi, người còn hợp đồng tới 2016 là một sự thay đổi rất sốc của Luis Enrique. Nhưng chẳng phải Pep Guardiola năm xưa khi lên thay Frank Rijkaard còn gây sốc hơn thế khi đẩy đi Ronaldinho, Deco và sau đó là Samuel Eto'o, những trụ cột được xem là không thể bán.
Vấn đề của Barcelona những năm qua, kể từ sau khi bị Chelsea loại ở bán kết Champions League 2012 là vấn đề của cả một hệ thống. Hệ thống ấy đang gặp vấn đề bởi nó xoay quanh Xavi, người đang trở nên già yếu và ngày càng dễ bị bắt bài. Chỉ cần bắt chặt Xavi và chặn đường kết nối giữa anh với Iniesta, Messi là Barca gần như sẽ bị vô hiệu hóa. Những thất bại kinh điển trước Bayern Munich đã chỉ ra cách làm thế nào để phá lối chơi của Barcelona.
Đôi mắt và bộ não
Pep Guardiola đã nhận thức được rất rõ vấn đề nên đi trước một bước. Lãnh đạo Barca nắm bắt chậm hơn khi cố duy trì thời kỳ quá độ thêm 1 năm với Tito Vilanova cho đến khi tỉnh ra và hi vọng một sự đổi thay với Tata Martino, một “người ngoài”. Nhưng Martino không phải con người phù hợp cho Barca, một người đã bằng mọi giá giảm tầm ảnh hưởng của các cựu binh, của Johan Cruyff và của La Masia, là người ra sức xây phương án B mà bỏ quên phương án A.
Luis Enrique sẽ mang tới một phương thức mới để vận hành đội bóng
Sự vận động tất yếu của lịch sử buộc Barca phải chuyển giao, phải trang bị đôi mắt mới, bộ não mới. Luis Enrique, người “nửa trong, nửa ngoài” (khoác áo Barca 8 năm nhưng không phải công dân Catalunya và không có dòng máu La Masia) được chọn trên tiêu chí rất rõ ràng: cách mạng trên nền tảng kế thừa những giá trị cũ chưa lỗi thời.
Nếu chịu khó theo dõi bài phát biểu đầu tiên của Enrique ở Nou Camp, có thể mường tượng Barca của ông sẽ như thế nào. Đó rất có thể sẽ là một đội bóng chơi đa dạng, thậm chí đổi màu như tắc kè hoa. “4-3-3, 3-4-3, hoặc cũng có thể là 3-5-2, tùy tình huống và tùy thuộc vào con người”, HLV 44 tuổi trả lời câu hỏi về sơ đồ chiến thuật.
Barca của Enrique sẽ không được xây dựng xoay quanh Xavi, Iniesta hay Messi, không làm “nô lệ” của bất kỳ ai và cũng không quá lệ thuộc vào La Masia, lò đào tạo danh tiếng đã không xuất xưởng một ngôi sao nào kể từ Sergio Busquets.