Barca vĩ đại và logic của “tiếng còi méo chấn động”
Barca đả bại PSG 6-1 và câu chuyện về trọng tài lại tạo ra nhiều cãi vã.
Video trận Barcelona 5-0 Celta Vigo (Vòng 26 La Liga):
Tom Henning Ovrebo, Wolfgang Stark và Deniz Aytekin. Đâu là điểm chung giữa những cái tên dài dằng dặc và khó đọc, khó nhớ ấy? Thứ nhất, họ đều là những trọng tài cấp độ FIFA. Và thứ hai, họ đều trực tiếp mắc những sai lầm nghiêm trọng trong các trận đấu của Barcelona ở Champions League.
Cầu thủ PSG phàn nàn với trọng tài trận Barca
Những sai lầm ấy đã trợ giúp đắc lực cho đội bóng xứ Catalunya tiến bước ở Champions League, sân chơi mà họ là “vua” trong một thập kỷ trở lại. Những quyết định của Ovrebo và Stark đã giúp Barca vô địch (năm 2009 và 2011) và năm nay, sau cú thoát hiểm ngoạn mục đêm 8/3, Barca hiện là ứng cử viên nặng ký nhất cho chiếc cúp bạc.
Barcelona có lẽ là một trong những đội bóng được các trọng tài ưu ái nhất thế giới này, từ “crazy fan” cho tới “anti fan” đều phải thừa nhận điều đó. Hay như chính nhân vật trong cuộc, ông Tom Ovrebo – “tội đồ” của sân Stamford Bridge năm 2009 sau 3 năm cũng phải thú nhận rằng ông đã mắc nhiều sai lầm khiến Chelsea phải trả giá bằng tấm vé dự chung kết.
Deniz Aytekin, ông trọng tài người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang “nổi” trên các mặt báo cũng có thể đối mặt với một án kỷ luật từ hội đồng trọng tài UEFA.
Sự “ưu ái” của các ông vua áo đen dành cho Barca thể hiện nhiều nhất ở chỗ họ rất thường xuyên cho Barca hưởng phạt đền, trong khi đối thủ của họ thì vô cùng hãn hữu.
Trận đấu lượt về với PSG là ví dụ tiêu biểu. Cả 2 quả penalty mà Barca được hưởng đều gây tranh cãi, đặc biệt là quả thứ hai, khi Suarez đóng kịch rất khéo (thoạt tiên ôm đầu như bị ném đá, rồi chuyển qua ôm cổ như vừa bị siết). Ngược lại, PSG đã bị từ chối penalty tới 2 lần khi bóng lần lượt chạm tay Mascherano và Pique.
Đã từ lâu rồi, Barcelona được trao cho cái nickname không chính thức “UEFAlona”. Những người theo đuổi thuyết âm mưu, dẫn đầu là Jose Mourinho luôn tin vào những mưu đồ, những tiếng còi méo để giúp Barca chiến thắng.
Thắng lợi của Barca gây nhiều tranh cãi
Đúng, Barca đã không ít lần giành chiến thắng bằng những quyết định phi lý nhưng trong những điều phi lý ấy có logic của nó. Logic ấy rất đơn giản: Barca quá đẹp, Barca quá cống hiến, Barca quá hay và bóng đá cần có họ để thực sự là bóng đá.
Hãy thử tưởng tượng nếu không phải vì lý do chuyên môn thì mấy ai lại ưa một đội bóng như thế. Một đội bóng nặng nề chính trị nhất thế giới. Một đội bóng được ví von như quân đội của một vùng đất không ngừng đòi li khai. Trong một thế giới đề cao toàn cầu hóa, mấy ai ưa những kẻ thích cô lập?
Barca có gì để mà thế giới bóng đá phải nâng đỡ? Tiền ư? Barca không phải CLB giàu nhất và cũng chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc họ dùng tiền mua chuộc trọng tài hay là UEFA. Truyền thống ư? Họ chưa sánh kịp Real Madrid và AC Milan.
Vậy thì, lý do chính xác nhất giải thích cho sự ưu ái dành cho đội bóng Catalunya chỉ có thể là bởi họ là đội bóng chơi hấp dẫn nhất, cống hiến nhất thời điểm này. Họ quy tụ những siêu sao đáng xem nhất thế hệ đương đại, gồm Iniesta và bộ ba siêu khủng Messi, Suarez, Neymar.
Hãy thử tưởng tượng về một Champions League-không-Barcelona. Nó chẳng khác nào một World Cup-không-Brazil, một Conan Doyle-không-Sherlock Holmes hay một The Beatles không John Lennon vậy.
Sự kiện PSG loại Barca khỏi vòng 1/8 có thể gây ra một bất ngờ thú vị hay một cơn địa chấn trong chốc lát nhưng chặng đường còn lại của Champions League sẽ nhạt đi rất nhiều. Bao nhiêu người sẽ thức dậy vào đêm thứ Ba hoặc thứ Tư và bật tivi xem bóng đá nếu không được xem Messi, Suarez, Neymar và Barcelona?
95 phút ở Camp Nou là một màn tấn công tận hiến đến mức điên rồ của Barcelona. Trong 10 phút cuối, họ chỉ để đối thủ chuyền chính xác có 4 lần (3 lần từ chấm giao bóng) và họ xứng đáng với màn ngược dòng kỳ vĩ ấy, với một chút ưu ái “hợp lý” từ bên ngoài.
Báo chí Tây Ban Nha chỉ ra rằng trong 5 mùa giải gần nhất ở La Liga, Barcelona vô địch về phạt đền (47 quả, nhiều hơn bất kỳ CLB nào), trong khi chỉ bị phạt có 13 lần (ít thứ hai). |
|