Barca: Trắng tay vẫn chưa phải là đáy
Barcelona rất có thể sẽ trải qua mùa bóng trắng tay đầu tiên kể từ năm 2008 nếu thất thủ trước Real Madrid vào đêm thứ Tư. Nhưng một hay một vài mùa bóng trắng tay chưa phải là điều tồi tệ nhất cho đội bóng này, có những sự tàn phá còn lớn hơn thế.
Hai tuần trước, HLV Tata Martino từng dõng dạc nói rằng ông thích gặp Bayern Munich ở Champions League, bởi một chiến thắng trước đội bóng được xem là mạnh nhất thế giới sẽ tô điểm cho “cú ăn ba” vĩ đại của Barcelona. Giờ ngẫm nghĩ lại, các CĐV đối địch có lẽ đang cười khúc khích. Đúng, Barca đã rời Champions League, đã gần như hết hi vọng ở La Liga, và một thất bại trong thế sức cùng lực kiệt trước Real Madrid trong trận chung kết Cúp Nhà Vua sẽ là dấu chấm kết cho mùa bóng của họ.
Ngay trước ngày đá chung kết ở Mestalla, mũi dùi dư luận đã chĩa vào Gerardo Martino, được xem là nguồn cơn của khủng hoảng. Rất nhanh chóng, báo chí Catalunya đại diện cho tiếng nói của các cule đã hô hào rằng cần phải sa thải Martino ngay và thay thế bằng nhà cầm quân trẻ tuổi tài cao Juergen Klopp.
Barcelona đã phủ nhận ngay sau đó và họ gửi thông điệp của mình theo nhiều kênh. Họ đăng thông cáo để “phủ nhận dứt khoát” tin đồn về Klopp. Chủ tịch Josep Bartomeu cũng đích thân “vi hành” đến sân tập để vỗ về các ngôi sao và nói chuyện cùng Martino. Và đội trưởng Carles Puyol thì xuất hiện trong phòng họp báo để nói rằng các cầu thủ sẽ “nguyện cùng sống, cùng chết” với Martino, người còn hợp đồng tới 2015.
Barca có lẽ chỉ muốn dẹp yên sóng gió và tập trung cho cuộc chiến quyết định mùa giải. Trên thực tế, Martino không có lấy một phần trăm cơ hội ở lại. Chính Tata cũng giác ngộ được điều đó, nên ông tỏ thái độ bất cần trong những cuộc họp báo gần đây, khác xa vẻ cầu thị vẫn thường thấy. Cả hai phía đã sẵn sàng cho một cuộc chia tay.
Martino sai ở đâu?
Chính HLV người Argentina đã tự trả lời cho câu hỏi ấy. “Tôi không phải người của cái nhà này, cũng chẳng phải người Hà Lan”, ông gằn giọng khi bị chất vấn quá nhiều về Pep Guardiola và Johan Cruyff. Cái sai thứ nhất, ông không có “dòng máu Barcelona” trong huyết quản. Cái sai thứ hai, ông nhận lời mời của Barcelona.
Tata Martino không có sự thấu hiểu về từng cầu thủ như Pep Guardiola
Cuộc hôn nhân gượng ép ấy trở thành sự tra tấn kinh khủng cho cả hai. Các cầu thủ đã phải chịu đựng phương pháp huấn luyện hoàn toàn xa lạ, đặc biệt là các bài tập thể lực. Nếu Guardiola và các trợ lý thiết kế riêng từng bài tập phù hợp cho mỗi người thì Martino chỉ có một giáo án duy nhất cho tất cả, từ dạng “vai u thịt bắp” như Alex Song cho tới dạng nhỏ con, kỹ thuật như Iniesta.
Vẻ bề ngoài đã tố cáo Tata, ông là người có phần cổ lỗ sĩ (dù mới 51 tuổi, bằng Mourinho), so với một Guardiola tinh anh, nhanh nhạy. Ông vẫn dùng giấy bút ghi chép tỉ mỉ và chậm rãi các lưu ý chiến thuật, trong khi sẽ tiện lợi hơn nhiều với một chiếc iPad trong tay. Ông cũng bị báo giới tố cáo là không chuẩn bị chu đáo cho các trận đấu. Nếu Pep và Tito luôn có những trợ lý thân cận thu thập tư liệu về các đối thủ để lên phương án dàn trận cho từng trận đánh, Tata lại chuẩn bị cho các trận đấu y hệt như nhau. Dù đối thủ ngày mai là Getafe hay Real Madrid, các bài tập của Martino vẫn thế!
Martino càng đi chệch khỏi con đường của Barca khi ông cố áp đặt lối chơi của mình. Ông thích lối đá trực diện, làm bóng thẳng lên trên thay vì qua quá nhiều “kênh”, ông muốn Barca chơi phòng ngự phản công trong một số tình huống và các hậu vệ khi lấy được bóng phải chuyền dài cho tiền đạo sử dụng tốc độ xuyên phá. Có phù hợp với Barca hay không? Rõ ràng không, bởi Barca không có những con người phù hợp cho kiểu chơi vốn cần thể lực và tốc độ đó. Hơn nữa, nó đi ngược lại tinh thần của tiki-taka, vốn là báu vật linh thiêng của Catalunya.
Đến đây, Martino lại bộc lộ sai sót theo dây chuyền. Đó là ông làm thui chột Iniesta, một cầu thủ có thân hình mỏng cơm, thiếu tốc độ và yếu về thể lực. Iniesta ngày càng trở nên rụt rè khi đối diện với Martino, còn Martino thì không biết phải làm gì cho Iniesta. Ngay cả Xavi hay Busquets cũng thui chột, phần vì cảm giác thiếu quen thuộc, phần vì đối tác của họ chơi kém. Một cầu thủ khác, Pedro Rodriguez thì không còn cảm nhận được vai trò của mình bởi Tata thích Alexis Sanchez hơn, thậm chí đôi lúc chỉ sử dụng 2 tiền đạo và hàng tiền vệ ngũ giác. Càng ngày càng có nhiều tin đồn Pedro sắp rời Nou Camp.
Martino còn bị chê bởi không có những lời vỗ về các cầu thủ, chẳng hạn sau trận thua Valladolid. Hay Leo Messi, một chàng trai được xem là dễ tổn thương (anh thường khóc nhiều sau những trận thua, theo nhà báo Guillem Balague) cũng không nhận được sự an ủi kịp thời từ người thầy.
Barca sẽ ra sao?
Nhược điểm của Martino đã được chỉ rõ, nhưng vấn đề là những nhà cầm quân khác sẽ làm được gì hơn ở trong hoàn cảnh của ông.
Một nhà cầm quân mới, ai có đủ sự thấu hiểu về từng cầu thủ để biết cần phải làm gì cho họ? Ai đủ kiên nhẫn để lên giáo án cho từng người? Ai đủ tinh tế để vỗ về khi họ yếu đuối? Quan trọng hơn cả, ai đủ hiểu về tiki-taka để duy trì và phát triển lối chơi ấy, cách tốt nhất để tất cả đều cảm thấy thoải mái.
Juergen Klopp có phải là một nhà cách mạng mà Barca cần cho giai đoạn tái sinh?
Barca chắc hẳn đã hiểu phần nào về phong cách của Martino, hay ít nhất đã phải nhìn vào kiểu đá của Newell's Old Boys trước khi đưa ra lời mời vào tháng 7/2013. Vấn đề là tại sao họ quyết định chọn Martino, một “người ngoài”, thay vì một “người nhà” là Luis Enrique?
Ban giám đốc Barca đã nhìn từ thất bại 0-7 trước Bayern Munich để quyết định rằng cần phải có một sự cách mạng về lối chơi? Hay họ đơn thuần chỉ là tiếc 3 triệu euro đền bù hợp đồng để đưa Enrique về nhà?
Martino không phải nhà cầm quân quá tệ, vấn đề có lẽ nằm ở việc Barca quá “kén” HLV. Chỉ có hai kiểu người có thể làm tốt công việc ở đó. Hoặc là một huyền thoại như Guardiola, người hiểu Barca qua từng đường tơ kẽ tóc để bảo tồn và phát huy những tinh túy của đội bóng này. Hoặc là một người đủ tài năng, đủ quyết đoán và đủ quyền lực để phá đi hoàn toàn và xây lại đội bóng ấy từ những viên gạch đầu tiên, tức là sẽ có những công thần phải ra đi.
Mà kể cả có tìm được người rồi, thì con đường sau đấy vẫn là vô cùng chông gai. Với phương án đầu tiên, tất cả đều đã biết tiki-taka giống như một “chủng vi khuẩn” đã gặp đúng thuốc kháng sinh, tạo ra một “chủng vi khuẩn” mới bây giờ là không dễ. Với phương án thứ hai, nguy cơ sụp đổ lớn hơn rất nhiều là triển vọng thành công.
Các cule lúc này cần phải chuẩn bị tinh thần, bởi một mùa bóng trắng tay chưa phải là cú sốc lớn nhất dành cho họ khi đã yêu đội bóng đã thừa mứa thành công này!
* Mời bạn đọc tham gia bình luận về bài viết này và phân tích, nhận định về các vấn đề của Barcelona hiện nay qua ô thảo luận cuối bài!