Barca: Tito chỉ là "Người bình thường"
Không phải bất tài nhưng Vilanova không cho thấy những điều khác biệt.
An toàn không phải là “bạn”
Heynckes bảo ông nắm rõ Barca như hiểu Bayern, thực tế đã được chứng minh với thế trận vượt trội của đội bóng Đức. Barca có bóng nhưng không biết làm gì với 65% thời lượng kiểm soát đó, trong khi Bayern chỉ cần có bóng bằng một nửa so với đối thủ vẫn liên tục khiến khung thành Valdes chao đảo. Trong tình cảnh khó khăn như thế, đội bóng rất cần sự khích lệ cũng như những điều chỉnh từ HLV trưởng, nhưng Tito chỉ đứng đó, cắn tay và bất lực nhìn các học trò đá như húc đầu vào tường. Không phải Vilanova không nhìn thấy điểm mạnh của đối phương – tấn công biên và điểm yếu của đội nhà – không chiến.
Đó chính là lý do ông để Alexis và Pedro đá cánh nhằm hỗ trợ cho tuyến sau nhưng những lựa chọn an toàn này lại phản ánh tâm lý sợ thua từ chính người cầm lái. Tiếp đó, cũng nhằm đảm bảo sự an toàn cho đội bóng, Tito đã sử dụng những con người quen thuộc, tốt nhất có thể, đó là Alba ở cánh trái, là Bartra bên cạnh Pique và là… Messi. 3/4 bàn thua của đội bóng xứ Catalunya xuất phát từ cánh trái của Alba, người đã bị Robben và Lahm quay như chong chóng. Ai cũng biết rõ hậu vệ Tây Ban Nha giỏi công hơn thủ nhưng trong tay Tito vẫn còn một người khác giỏi thủ hơn công ở cánh trái, đó là Abidal.
Một Barca bất lực ở Allianz-Arena
HLV của Barca không dám mạo hiểm với tình trạng thể lực của cầu thủ Pháp, điều đó không sai. Abi có thể không đá chính nhưng tại sao lại ngồi cả trận trên ghế dự bị trong khi Alba bị “hành” cho phát cáu đến nỗi ném cả bóng vào mặt Robben (vô tình???). Tito đã phản ứng quá chậm trong việc điều chỉnh chiến thuật và nhân sự, khi đang bị dẫn 1-0 rồi 2-0 còn hàng công chơi bế tắc, phải đến tận phút 83 ông mới đưa Villa vào sân, sự thay đổi người duy nhất và quá muộn màng để tạo nên sức bật cho tuyến trên. Những con người ra sân của cả Bayern và Barca đều không gây bất ngờ, khác biệt ở chỗ đội bóng Đức có được tình trạng thể lực sung mãn hơn hẳn.
Trong khi đó, Tito không dám cất Messi ở ngoài, dù số 10 chưa đạt được tình trạng tốt nhất để rồi hệ quả là anh vật vờ trong vòng vây của 3, 4 cầu thủ đối phương, không một lần đi bóng thành công và phải tới tận phút… 70 mới có cú đá đầu tiên hướng về phía khung thành Neuer. Tito sợ những khó khăn nếu như không có Messi trong đội hình, cũng không dám thay Leo ra và ông đã có những lựa chọn chắc ăn. Đáng tiếc lần này, an toàn lại phản tác dụng.
Không bất tài nhưng cũng không thiên tài
Đã có không ít những lời bàn ra tán vào khi Tito được chỉ định thế chỗ của Pep Guardiola. Cũng giống như những lựa chọn của Vilanova, BLĐ Barca đã đưa ra một quyết định an toàn, bởi Tito là người hiểu rõ nhất những triết lý của người bạn mà ông đã gắn bó lâu năm, cũng như nắm rõ những nội tình của đội bóng. Điều này đảm bảo tính kế thừa, cũng như duy trì sự ổn định. Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên Pep dứt khoát ra đi. Leo lên đỉnh đã khó, ngự ở trên đỉnh còn khó hơn, để làm được điều này, đòi hỏi sự vận động liên tục để tìm tòi những cái mới, đem ra những sáng tạo để cỗ máy trở nên mạnh hơn. Ở mặt này, Tito chưa có bất kỳ phát kiến nào.
Tito sẽ phải chứng tỏ nhiều hơn
Trong hai nhân sự mới, Song chơi chỉ ở mức trung bình, thành công lớn nhất đến từ vị trí của Alba, người được chấm từ khi Pep còn nắm quyền. Còn lại, trong số các tài năng trẻ được đôn lên, không ai gây ấn tượng mạnh do không có nhiều cơ hội thể hiện. Tito vẫn áp dụng sơ đồ cũ với những con người cũ và càng về cuối mùa, Barca đá càng đuối. Hồi đầu mùa, “Thánh” Cruyff đã từng nói chỉ có thể đánh giá về năng lực của Tito khi Barca gặp khó khăn, bây giờ hẳn huyền thoại Hà Lan đã có câu trả lời. Trong giai đoạn Blaugrana gặp khó, dấu ấn của Vilanova quá mờ nhạt. Vấn đề sức khỏe đã có những ảnh hưởng nhưng kể từ khi Tito trở lại, Barca cũng chẳng hay hơn. Trận đấu họ đá tưng bừng nhất, chiến thắng 4-0 trước Milan rơi vào thời điểm ông vẫn đang ở New York trị bệnh.
Tại một đội bóng như Barca, mọi đánh giá chỉ nên dựa trên những trận cầu lớn, về mặt này Tito rõ ràng không ghi được điểm. Họ để thua Real tới 3 lần, thua tâm phục khẩu phục trước Milan, không thắng nổi PSG và bị Bayern đá cho tan nát. Các đối thủ này sử dụng lối đá gần giống nhau, đều bóp nghẹt tuyến giữa của Barca và những đội có hàng công mạnh như Real hay Bayern đã khiến Barca ôm hận. Ở đây, là khả năng thích ứng và điều chỉnh, cùng một kịch bản như vậy nhưng Tito không có phương án đối phó.
Lịch sử chống lại Barca Trong số 193 cặp đấu knock-out kể từ năm 1955 tới nay, chưa đội nào ngược dòng thành công sau khi để thua 0-4 ở trận lượt đi. Điều thần kỳ chỉ xảy ra 3 lần khi một đội bóng thua cách biệt 4 bàn nhưng không phải 0-4. Partizan Belgrade thua QPR 2-6 ở cúp UEFA mùa 1984-1985 nhưng đã san bằng tỷ số 6-6 chung cuộc. Real Madrid thua M'gladbach 1-5 ở lượt đi vòng 3 cúp UEFA mùa 1985-1986 nhưng thắng lại 4-0 ở lượt về. Và cuối cùng, Leixos của Bồ Đào Nha thảm bại 2-6 trước Chaux de Fonds của Thụy Sỹ ở cúp C2 Châu Âu (cũ) mùa giải 1960-1961 nhưng thắng lại 5-0 trên sân nhà. |