Barca tìm HLV: Sampaoli cự tuyệt, gắn bó đến chết với Sevilla
Mặc dù được truyền thông Tây Ban Nha đồn đoán là ứng viên nặng ký nhất trong cuộc đua thừa kế chiếc ghế nóng tại sân Nou Camp song HLV Sampaoli đã lên tiếng từ chối.
Video Barca đại thắng Gijon 6-1
HLV Sampaoli chết cũng không dẫn dắt Barca
Chiến lược gia người Chile cho rằng ông vẫn còn đang xây dựng những kế hoạch cùng Sevilla và không muốn bỏ dở chúng.
“Công việc ở Barcelona ư? Câu hỏi này không có câu trả lời bởi vì đơn giản nó chưa bao giờ tồn tại. Tôi không có ý kiến gì về vấn đề này. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là ứng viên thay thế một ai đó tại thời điểm này hay khi mùa giải đã kết thúc”, Jorge Sampaoli chia sẻ sau khi cùng Sevilla đánh bại Bilbao.
“Tôi đang thực hiện những công việc tại Sevilla. Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp và sẽ không dừng lại. Tôi và Sevilla đang có những kế hoạch lâu dài và sẽ gắn bó đến chết với nó. Tôi chắc chắn về tương lai của mình cùng với Sevilla”, chiến lược gia người Chile khẳng định.
Từ trước khi thời điểm Luis Enrique thông báo chia tay Barca, Sampaoli đã được giới chuyên môn tại Tây Ban Nha dự đoán trở thành thuyền trưởng sân Nou Camp. Mới đây, Sampaoli cũng đã giúp ĐT Chile vượt qua Argentina của Messi vô địch Copa America. Hợp đồng hiện tại của ông với Sevilla có thời hạn hết mùa 2017/18 và sẽ nhanh chóng gia hạn trong thời gian tới.
Danh tiếng chỉ là thứ yếu
“Mùa Hè này, chúng ta sẽ đón một siêu HLV", Chủ tịch Bartomeu hùng hồn tuyên bố về chiến dịch tìm kiếm “thuyền trưởng” mới cho Barca, thay thế Luis Enrique vào cuối mùa giải này. Nói là làm, nhà quản lí này điểm mặt chỉ tên vô số ứng viên tiềm năng như Ronald Koeman (Everton), Jorge Sampaoli (Sevilla), Mauricio Pochettino (Tottenham), Ernesto Valverde (Bilbao) hay thậm chí cả Arsene Wenger (Arsenal).
Pep, Enrique và Vilanova đều là những kẻ vô danh, đến trước khi ngồi vào ghế HLV trưởng Barca
Thế nhưng về khía cạnh nào đó, họ chưa thể mang tới sự yên tâm tuyệt đối cho NHM vì những khác biệt nhất định. Quá khứ chỉ ra, Barca có tiêu chí lựa chọn HLV khá đặc biệt.
Danh tiếng, kinh nghiệm cầm quân đỉnh cao đều không quan trọng. Vị “thuyền trưởng” mới cần sở hữu triết lí bóng đá tương đồng hoặc gắn bó với CLB trong thời gian dài, trên nhiều cương vị (cầu thủ, trợ lí, HLV đội trẻ) và đủ khả năng “thẩm thấu” thứ bóng đá đặc trưng của CLB.
Tính từ năm 2004, thời điểm khởi đầu cho kỷ nguyên "tiki-taka", Tata Martino là HLV có bản CV "đẹp” nhất dẫn dắt Barca với vô số danh hiệu cấp CLB tại Paraguay và Argentina. Rốt cục, vị chiến lược gia 54 tuổi lại kém thành công nhất với vỏn vẹn danh hiệu siêu cúp TBN 2013.
Trong khi đó, Luis Enrique trải qua quãng thời gian mờ nhạt tại AS Roma, Celta Vigo. Pep Guardiola, Frank Rijkaard, Tito Vilanova thậm chí chẳng khác nào những “kẻ học việc” khi mới đảm nhận trọng trách này.
Kết quả: tất cả đều giúp Barca vô địch La Liga, có người thành công hơn cả với cúp Nhà vua, Champions League, lập cú “ăn 3”, “ăn 6”, thậm chí được thừa nhận như HLV vĩ đại nhất lịch sử CLB!
Xét theo tiêu chí trên, Juan Carlos Unzue, “cánh tay phải” của Enrique trong BHL hiện mới là ứng viên số 1, như cái cách Pep Guardiola, Tito Vilanova hay chính Luis Enrique từng bước ra ngoài ánh sáng!
Càng "siêu", càng khó thuần phục Messi
Như đã nói ở trên, một HLV thành danh khó thành công cùng Barca, ngoài khả năng thích nghi với triết lí của đội bóng, còn phải lọt vào ”mắt xanh” của Lionel Messi.
Enrique ra đi một phần vì không được lòng Messi
Vấn đề này thực ra không mới. Quyền lực ngầm của Messi tại Barca hay ĐTQG Argentina thực chất đã được tạo dựng và kéo dài qua nhiều thế hệ HLV. Không chỉ là những vấn đề chuyên môn trên sân cỏ, siêu sao 29 tuổi còn can thiệp sâu vào đội ngũ nhân sự ban huấn luyện.
Còn nhớ hồi năm 2013, Messi góp tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn đồng hương Tata Martino thay thế Tito Vilanova dẫn dắt Barca, dù ông chưa bao giờ làm việc ở châu Âu. Cũng chính anh từng công khai ủng hộ “thây ruột” Sergio Batista ngồi vào ghế HLV đội tuyển Argentina.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà Luis Enrique đối mặt khi làm việc ở Barca là mối quan hệ với Messi.
Thời gian "chân ướt chân ráo" đến Camp Nou vào mùa Hè 2014, ông đã đụng chạm đến quyền lợi của "số 10" khi kéo anh lùi sâu hơn để phục vụ đồng đội, thậm chí tống anh lên ghế dự bị. Kết quả: Enrique ra đường chỉ 2 năm sau. Pep Guardiola từng suýt chịu chung số phận nếu không dũng cảm loại bỏ siêu tiền đạo Zlatan Ibrahimovic.
Ngược lại, Frank Rijkaard, Tata Martino, Tito Vilanova không gặp bất kì vụ lùm xùm nơi phòng thay đồ nào và chỉ ra đi vì vấn đề chuyên môn, sức khỏe,...