Barca mua Neymar & Griezmann phụng sự Messi: Công thức của thảm họa?
Barcelona đang theo đuổi một chính sách hết sức rủi ro nhằm tận dụng những năm cuối đỉnh cao của Messi.
Bỏ rơi di sản
Barcelona giờ là một CLB Galactico như Real Madrid. Không chỉ vì một loạt thương vụ chuyển nhượng đắt tiền, mà còn vì sự đi xuống của La Masia, nơi đã chịu trách nhiệm cho 2 kỷ nguyên hoàng kim của CLB trong 40 năm qua.
La Masia sang tuổi 40
Được lập nên năm 1979, La Masia đã đào tạo nên rất nhiều thế hệ cầu thủ Barcelona xuất sắc và hình thành nên một phong cách chơi mang đậm dấu ấn của bóng đá Hà Lan kết hợp với nền tảng kỹ thuật. Barca không hẳn là một CLB dựa vào cầu thủ “gà nhà”, trong lịch sử họ cũng làm nên không ít “bom tấn” như Kubala, Cruyff, Neeskens, Schuster, Romario, Ronaldo, Rivaldo, Figo, Ronaldinho, Ibrahimovic, Neymar, Dembele và Coutinho. Vấn đề chỉ là Barcelona đã luôn kết hợp họ với dàn cầu thủ được đào tạo.
Nhưng giờ dường như La Masia đang bị vứt xó. Tờ Ara tại Catalunya đã nêu lên vấn đề này trong một phóng sự mới đây, khi mà sau 40 năm gây dựng thương hiệu thì La Masia giờ lại là nơi nhiều tài năng trẻ tháo chạy khỏi. Ngày một ít cầu thủ được đôn lên đội 1, những tài năng hàng đầu đều rất nhanh chóng tìm cách sang các CLB mới, khu vực học văn hóa của cầu thủ trẻ đã bị biến thành văn phòng, và chế độ dinh dưỡng đã xuống cấp báo động.
Ít cầu thủ lên đội 1 là điều có thể hiểu được với chất lượng đội hình Barca, và các học viện bóng đá trẻ không phải lúc nào cũng có thể đào tạo ra toàn cầu thủ đủ trình độ chơi cho một CLB hàng năm đặt mục tiêu vô địch mọi giải đấu. Nhưng những điều còn lại chứng tỏ ban lãnh đạo Barca không những không quan tâm mà còn đang cắt giảm chi tiêu cho La Masia.
Một buổi tập tại La Masia
Theo Ara, Barca đã hợp đồng với một công ty mang tên Sodexo để cung cấp thức ăn cho La Masia, thay vì thuê hẳn một đội ngũ đầu bếp nấu đồ ăn tươi ngon. Thức ăn của Sodexo bị chê cực tệ ở các trường đại học Mỹ, những trường muốn cắt giảm chi tiêu nên đã thuê công ty này làm đồ ăn với giá rẻ. Không chỉ trường học mà cả các nhà tù tại Mỹ cũng hợp đồng với Sodexo.
Được biết Barca cũng hợp đồng với Sodexo để cung cấp thức ăn cho cả đội 1 và các cầu thủ đều tỏ ra hài lòng, nhưng đó là bởi kinh phí cao. Sodexo là một công ty có phương châm “tiền nào thức ăn nấy” nên họ làm thức ăn chất lượng thấp để đáp ứng cho kinh phí bèo bọt mà Barca cung cấp cho đội B và La Masia.
Tư duy ngắn hạn
Barcelona có lẽ là CLB có nền chính trị phức tạp nhất trong thế giới bóng đá Tây Âu. Johan Cruyff trong những năm “Dream Team” vinh quang đã thường xuyên bất đồng với chủ tịch Josep Nunez, và đến khi chế độ hiện tại ở Barca lên nắm quyền ông đã bị CLB thu hồi chức vụ chủ tịch danh dự.
Johan Cruyff & Pep Guardiola
Cruyff là người có công lớn nhất trong sự hình thành bản sắc của Barcelona, điều không phải lần đầu tiên được nói đến. Bên cạnh mang đến phong cách Tổng lực Hà Lan, khi dẫn dắt Barca năm 1988, chính Cruyff đã bãi bỏ chính sách chỉ giữ lại cầu thủ cao từ 1m80 trở lên của La Masia, mở đường cho chính những cầu thủ như Xavi hay Lionel Messi được CLB đào tạo.
Tuy nhiên sau khi Barca kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch của Joan Laporta, chế độ mới với sự đứng đầu của Sandro Rosell và Josep Bartomeu lập tức xóa bỏ di sản của Cruyff. Rosell muốn Barca đi theo phong cách bóng đá Brazil (nặng về cá nhân) và đã từng đề nghị Barca tuyển Luiz Felipe Scolari về dẫn dắt nhưng Laporte chọn Pep Guardiola, nên không ngạc nhiên khi chỉ sau 2 năm Rosell nhậm chức chủ tịch Guardiola quyết định rời CLB.
Rosell đã bị đẩy khỏi vị trí chủ tịch sau scandal vụ chuyển nhượng Neymar, nhưng Bartomeu lên thay và tiếp tục chính sách này. Bartomeu dùng đội Barcelona B làm nơi tích trữ những cầu thủ mua về với giá rẻ, cho thi đấu một thời gian rồi đem bán lấy lãi. Mà chỗ của đội Barca B đáng ra phải là chỗ để các cầu thủ La Masia lên thi đấu và làm quen chiến thuật trước khi hòa nhập với đội 1.
Barca thời Bartomeu đã thực hiện hai vụ chuyển nhượng tốn hơn 100 triệu euro mỗi vụ
Barcelona những ngày này đang tìm cách mua lại Neymar và đón Antoine Griezmann, những “bom tấn” tốn không dưới 100 triệu euro. Nhưng dư luận đang có cái nhìn bi quan rằng đây là những nỗ lực mà Barca thực hiện để tranh thủ những năm cuối đỉnh cao sự nghiệp của Messi để tranh các danh hiệu, và giây phút Messi rời CLB tình hình sẽ lập tức “đổ đèo”.
Griezmann xuống giá 120 triệu euro nhưng không có gì bảo đảm Barca sẽ có anh.