Barca được nhiều SAO mơ ước gia nhập: Vì sao bị chê nhưng vẫn có sức hút?
Barca bị chê bai vì cung cách ứng xử nhưng vẫn được rất nhiều ngôi sao xin đầu quân.
Raphinha vừa gia nhập Barcelona từ Leeds United để tăng cường sức mạnh cho hàng công đội chủ sân Nou Camp, khi ngôi sao này là một trong những cầu thủ chạy cánh thú vị nhất của Premier League 2 mùa giải gần đây. Raphinha đã một mực đòi chuyển về Barca bất chấp sự quan tâm, thậm chí ra giá cao hơn của Chelsea.
Raphinha sẽ là ngôi sao Brazil tiếp theo mơ ước tỏa sáng tại Barcelona
Raphinha sẽ là một trong những ngôi sao Brazil tiếp tục mơ mộng trở thành huyền thoại ở sân Nou Camp, nơi đã ghi dấu chân của những Romario, Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho, Dani Alves và Neymar. Tuy nhiên sức hút của Barca với các ngôi sao nước ngoài không giới hạn chỉ với cầu thủ Brazil, Sir Bobby Robson đã từng nói rằng mơ ước của các cầu thủ luôn là Real và Barca, không CLB nào sánh được.
Nhưng cũng thời điểm Raphinha đến với Nou Camp, Dani Alves đã có cuộc phỏng vấn bày tỏ sự thất vọng trong cung cách ứng xử của ban lãnh đạo Barca với cầu thủ của mình những năm gần đây. “Barcelona không quan tâm đến những cầu thủ đã làm nên lịch sử cho CLB”, Alves nói, một phát biểu mặc dù xuất phát từ một lão tướng vừa bị cho ra đi vì lý do chuyên môn nhưng nó đúng khi đánh giá những ví dụ khác.
Không chỉ là chuyện đòi cắt lương cầu thủ (hoặc nợ lương và định “bùng” như trường hợp của Frenkie De Jong), Barca còn từng lật lọng khi đàm phán hợp đồng với cầu thủ của mình mà ví dụ nổi tiếng nhất là vụ Ronaldo “béo” năm 1997. Ngay cả HLV cũng không thoát được cách đối xử ấy, Sir Robson chưa hết mùa đầu tiên dẫn dắt đã biết mùa tiếp theo Barca sẽ có Louis Van Gaal làm HLV trưởng.
Messi - Bartomeu, một trong những ví dụ tiêu biểu của nạn đấu đá nội bộ trong lịch sử Barca
Barca đã từng đại diện cho cái gì đó, nếu không phải niềm tự hào xứ Catalunya thì là hình mẫu lý tưởng của một CLB do cổ động viên sở hữu. Nhưng chính mô hình đó tạo ra một bầu không khí chính trị căng thẳng với sự đấu đá ở mọi cấp: Chủ tịch nghi ngờ cấp dưới (Laporta và Rosell), chủ tịch nghi ngờ HLV (Laporta và Koeman, Nunez và Cruyff), HLV nghi ngờ cầu thủ (Koeman và Puig) và cầu thủ cũng dè chừng chủ tịch (Messi và Bartomeu), bất cứ ai cũng có động cơ để chơi xỏ nhau.
Barca không chỉ chơi bẩn trong nội bộ mà còn chơi bẩn với bên ngoài, từ vụ Ousmane Dembele rời Dortmund cho tới Malcom “lật kèo” với AS Roma, và giờ là chủ tịch Laporta công khai “cảm ơn” Robert Lewandowski vì đã gây áp lực lên Bayern Munich.
Không ngạc nhiên khi rất nhiều CLB ghét phải làm ăn với Barca, nhưng họ vẫn phải chấp nhận bởi Barcelona là một bến đỗ mơ ước với đa số cầu thủ, và đội bóng này vẫn sẽ mua quân dù tiền nong thâm hụt.
Barca vẫn tiếp tục là điểm đến mơ ước của mọi ngôi sao dù cách ứng xử ngày càng bị chỉ trích
Ở CLB này dường như với một lối suy nghĩ kiêu ngạo rằng các nhà băng sẽ cho khất dù có nợ nhiều đến mức nào. Câu hỏi là liệu cái sự kiêu ngạo đó có giúp Barca tiếp tục vững bền, nếu hệ thống tài chính tại Tây Ban Nha sụp đổ hoặc đất nước này trải qua suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Barca là do CĐV sở hữu nhưng cũng chính vì vậy họ có vẻ rất thiếu trách nhiệm với đồng tiền.
Cách đây không lâu đã có câu chuyện rằng Bayern Munich từ chối bán Lewandowski cho Barca vì nghi ngờ đội bóng này không đủ sức thanh toán hết phí chuyển nhượng. Barca phá sản rồi giải thể là một khả năng lúc này vẫn còn xa vời, dù vậy những người đứng đầu CLB này khi đó sẽ chỉ việc bán đội cho một ông chủ mới ở Arab hay Mỹ để thoát trách nhiệm.
Nguồn: [Link nguồn]
Barcelona vượt qua Chelsea để có được Raphinha sau khi đạt thỏa thuận với Leeds.