Barca: Cần một vụ “trảm tướng” như MU
Sau những gì đã xảy ra, dường như mối tình Barca-Tata đã gặp những "sự cố" lớn.
Tata không hoàn thành nhiệm vụ
Mùa Hè năm ngoái, khi Tata Martino đặt chân tới Nou Camp thay cho Tito Vilanova bị ung thư, sức ép là cực lớn. Bất chấp Barca vừa bị Bayern “hạ nhục” ở Champions League với tỷ số 7-0 chung cuộc, Barca đã là nhà vô địch vĩ đại trong lịch sử Liga với số điểm 100 – một kỷ lục của giải đấu. Tất nhiên, mục tiêu mà BLĐ đội bóng xứ Catalunya đặt ra cho Martino là những danh hiệu ở Liga, cúp Nhà vua và Champions League.
Đúng 9 tháng sau ngày nhậm chức, mọi chuyện đang trở nên tồi tệ với Martino. Con thuyền mà ông chèo lái đã đi lệch hướng. So với người tiền nhiệm, Barca bị loại khỏi Champions League sớm hơn 1 vòng, ở tứ kết trước Atletico. Blaugrana cũng bị chính đối thủ này bỏ cách 4 điểm tại La Liga, đồng nghĩa với trận gặp nhau ở vòng cuối cùng của mùa giải hoàn toàn có thể trở nên vô nghĩa với Barca.
Martino và Barca đang có mùa giải thất bại
Trong trường hợp Barca toàn thắng cả 4 trận cuối mùa, họ cũng không thể lặp lại số điểm 100 và chưa chắc có được ngôi… Á quân. Đau đớn ở chỗ, Liga bây giờ là mặt trận duy nhất để thầy trò Martino bấu víu để tìm kiếm một danh hiệu cho mùa bóng thất bại năm nay. Bởi trước đó họ đã thua trong trận chung kết cúp Nhà vua trước kẻ kình địch Real. Đó là trận đấu Barca bộc lộ sự rệu rã của hàng công, với bàn duy nhất được ghi do công của một trung vệ sau pha phạt góc.
Viễn cảnh trắng tay đang dần trở thành hiện thực với đội bóng hay nhất thế giới 5 năm qua. Thậm chí, người ta đang nói tới sự kết thúc của một đế chế, với "vũ khí hủy diệt" mang tên Tiki-taka. Messi, ngôi sao sáng nhất trong thời kỳ hưng thịnh của đội bóng, vướng vào một loạt rắc rối từ trong tới ngoài sân cỏ. Thậm chí, tin đồn về một cuộc chia tay giữa anh và đội bóng đang lan rộng.
Martino dĩ nhiên không phải người duy nhất có lỗi dẫn tới cuộc khủng hoảng của Barca. Đội bóng này đã bất ổn từ thượng tầng với hàng loạt những rắc rối về tài chính, tham nhũng, trốn thuế… khiến Chủ tịch Sandro Rosell từ chức. Nhưng trên cương vị của một HLV, rõ ràng Martino là người trực tiếp cầm quân và ông phải chịu trách nhiệm chính cho những kết quả trên sân cỏ. Mà những kết quả ấy so với tham vọng đầu mùa của Barca rất đáng thất vọng.
Bi kịch cuộc cách mạng thay đổi Tiki-taka
Nguyên nhân nào khiến Barca của Tata sa sút? Đó không hẳn là bất ổn phong độ của một vài trụ cột, tuổi tác của Xavi hay sự kiện Puyol tuyên bố giải nghệ. Một năm trước, tầm ảnh hưởng của Puyol đã dần nhạt nhòa và Barca quá quen với việc sống thiếu trung vệ thép này. Xavi, ở tuổi 34, đúng là không còn sung sức nhưng đừng quên anh đã được giảm tải đáng kể lịch thi đấu từ mùa trước với tổng cộng 48 trận ra sân, trong khi 6 mùa liên tiếp trước đó không mùa nào đá dưới 50 trận.
Năm nay, Xavi không còn phải “cày ải” quá nhiều với con số 43 trận. Nhưng việc anh xuống phong độ là tương đối rõ ràng, và nó không chỉ xuất phát từ yếu tố thể lực. Cách vận hành chiến thuật của Martino đang mang tới nhiều rắc rối. Không ai biết các ngôi sao Barca có thích kiểu đá trực diện, tấn công nhanh bằng ít chạm và dứt điểm ngay khi có thể mà Tata yêu cầu hay không. Chỉ biết rằng họ chưa thích nghi được với lối chơi ấy.
Messi và Xavi thất vọng với thành tích của đội nhà
Tiki-taka đã tồn tại rất lâu ở La Masia, đã đưa Barca lên đỉnh thế giới suốt gần một thập kỷ và đã ngấm vào máu của những Xavi, Iniesta, Busquets, Messi… Không dễ để thay đổi những gì thuộc về truyền thống và thói quen. Thậm chí, đôi khi nhiệm vụ ấy là bất khả thi. Martino muốn thay đổi vì ông biết những Xavi, Iniesta… rồi sẽ xuống phong độ, nhưng thay đổi một cách đột ngột là điều quá mạo hiểm. Martino đang trả giá cho sự mạo hiểm ấy.
Iniesta có khoảng 2 tháng đầu mùa bị xoay tua liên tục khiến anh không có nhiều đóng góp, xuống cả phong độ lẫn tinh thần. Nửa sau mùa giải anh được dùng nhiều hơn nhưng rõ ràng không còn xuất sắc như trước. Xavi và Busquets cũng vậy. Trong khi, 2 tháng xa sân cỏ của Messi tuy không ảnh hưởng tới kết quả của Barca (vì lịch thi đấu dễ dàng) nhưng đã khiến khả năng vận hành lối chơi gặp trục trặc, đội hình cũng mất cân bằng ở một số vị trí khi Messi trở lại.
Những mắt xích vốn bị xem nhẹ ở Barca như Pedro và Alexis đã có nhiều tháng thi đấu rất thăng hoa. Nhưng giờ họ ở đâu? Người bị Martino lãng quên, người cảm thấy không còn được tin tưởng. Neymar đã chơi tương đối ổn ở giai đoạn đầu nhưng sau những rắc rối của vụ chuyển nhượng “bom tấn” và chấn thương, anh đã sa sút.
Một người quản lý giỏi là người có khả năng giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong nội bộ. Tiếc rằng Martino không chứng minh được điều đó. Cũng giống như David Moyes ở MU, Martino dường như không tạo được cái uy cần thiết với dàn sao Barca.