Bạo lực và nguy cơ hủy hoại những đôi chân
Quế Ngọc Hải trần tình pha vào bóng ác ý bằng hai gầm giày nhắm vào chân của cầu thủ Anh Khoa do… tham bóng và không cố ý.
Thế nhưng nhìn cái cách Hải tỉnh bơ sau khi phạm lỗi và còn tranh cãi với trọng tài thì rõ đấy chỉ là một phản xạ chơi bóng bình thường của hậu vệ này chứ không phải vô tình.
Từ thầy đến trò đều bình thản
Cú đá ác nghiệt của Quế Ngọc Hải vào cẳng chân có thể khiến đồng nghiệp phải giã từ sự nghiệp đá bóng là nỗi đau không của riêng Anh Khoa.
Nghiệt ngã hơn chính HLV Ngô Quang Trường cũng tỉnh rụi nói đấy là những va chạm bình thường trong bóng đá và không nên dựa vào một tình huống để đánh giá cầu thủ SL Nghệ An chơi bóng ác ý. Cái cách bảo vệ học trò của ông thầy trẻ là bao biện và dung dưỡng cho hành vi xấu mà đáng ra với tư cách HLV, ông Trường phải dạy cho cầu thủ lối ứng xử có văn hóa hơn mà không phải lối đá chặt chém mang tính triệt hạ đối phương.
Hơn nữa, ông Ngô Quang Trường còn bào chữa truyền thống của SL Nghệ An là lối chơi máu lửa, không ngại va chạm nhưng người làm chuyên môn đều phải có sự phân biệt rõ giữa sự quyết liệt với thô bạo. Ranh giới đấy có thể rất mong manh và luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm cho đồng nghiệp mà cầu thủ buộc phải thuộc lòng bài học thương lấy đôi chân làm nghề cho nhau.
Người yêu bóng đá đẹp chẳng thể nào cảm thông nổi cho những hành vi phá giò nhau của các thời kỳ cầu thủ SL Nghệ An mà HLV Lê Huỳnh Đức gọi là đánh võ chứ không phải đá bóng.
Một khi người thầy còn xem những cú vào bóng ác ý của học trò là bình thường thì nguy cơ sân cỏ biến thành võ đài sẽ không bao giờ chấm dứt.
Cú vào bóng của Quế Ngọc Hải khiến Anh Khoa phải đi nạng.
Báo động cho bóng đá Việt Nam
Hằng năm cứ mỗi mùa bóng đá Việt Nam lại có những hình ảnh khủng khiếp như vụ Quế Ngọc Hải đốn hạ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng. Năm ngoái Đình Đồng “đốn” gãy chân Anh Hùng của HV An Giang. Trước đó vài năm pha vào bóng song phi cả hai chân bằng gầm giày của Huy Hoàng vào Samson…
Vụ Huy Hoàng “đốn” Samson rất may mà tiền đạo của Hà Nội T&T… có nghề cùng việc cảnh giác cao nên đã thoát được cú tắc “mất người”. Đáp lại là động tác kê chân phản đòn khiến người chủ động hủy diệt phải nhận đòn nặng bởi cú kê giày.
Còn lại những vụ “đốn hạ” kiểu này gặp các đồng nghiệp Việt Nam thì hầu như không thể phản ứng nhanh được. Nhất là vụ của Đình Đồng làm gãy chân Anh Hùng của HV An Giang, sau đó bị án kỷ luật được báo chí Anh liệt vào những vụ trừng phạt nặng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Theo đó, vụ Đình Đồng xếp thứ sáu trong tốp 10 vụ bị trừng phạt nặng nhất do chơi xấu đối phương…
Bây giờ dư luận cho rằng “vụ án” Quế Ngọc Hải được xem là… nhạy cảm vì Ngọc Hải đang là trụ cột của tuyển quốc gia lẫn U-23 Việt Nam. Thực tế thì có gì mà nhạy cảm? Án kỷ luật thì ai cũng phải sòng phẳng, cũng hứng chịu nếu triệt hạ đồng nghiệp chứ sao phải lấn cấn. Thậm chí để có sự giáo dục tốt vì tương lai của chính cầu thủ này thì án phạt phải nặng hơn nhằm răn đe và chỉnh đốn một tuyển thủ đang còn khoác áo đội trẻ.
Một nền bóng đá mà dung túng cho bạo lực thì không thể phát triển. Trên thế giới này không hiếm những đội bóng lấy phương châm chơi rát, chơi bạo lực làm “kim chỉ nam” nhưng dần dà họ cảm thấy điều đó chẳng mang lại lợi ích nào rồi phải giã từ “triết lý” ấy để đến với bóng đá tử tế và một khi thực sự như thế thì mọi chuyện mới phát triển tốt.
V-League mùa này có quá nhiều vấn đề phải bàn từ chuyên môn, tư cách cầu thủ ra sân đến cách làm tuồng của các đội. Ban tổ chức giải, Công ty VPF, LĐBĐ Việt Nam cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đối mặt và giải quyết quyết liệt từng mảng hơn là báo cáo tròn vo và xử phạt qua loa.
Trò dằn mặt và vai trò người cầm cân nảy mực
Trong bóng đá Việt Nam, nhiều cầu thủ từng thú thật là hay bị trò đá dằn mặt, đặc biệt là các cầu thủ đàn em khi gặp những cầu thủ đàn anh muốn lấy số. Chuyện này từng có thời bao cấp và từng có cầu thủ nổi tiếng đến độ khi lao ra cản bóng chỉ cần dậm chân là những cầu thủ đàn em đã né đòn. Ở đây ngoài chuyện cầu thủ chọn lối chơi chém đinh chặt sắt, ban huấn luyện “bật đèn xanh” để đội bóng mình đá đau, đá “gấu” còn có vai trò rất lớn của trọng tài. Trọng tài là người cầm cân nảy mực nhưng lại rất ít khi xử nghiêm và can thiệp kịp thời khi cứ dung túng lối đá bạo lực. Điển hình là trận SL Nghệ An - SHB Đà Nẵng, trọng tài Phùng Đình Dũng đã rất bình thản trước pha vào bóng bạo lực của Quế Ngọc Hải làm gãy chân Anh Khoa mà rõ nhất là ông chỉ phạt thẻ vàng. Đây là vấn đề nhức nhối mà nếu các vua sân cỏ nghiêm thì mọi chuyện sẽ khác. NG.HUY |