Bạo lực V-League do luật chưa nghiêm
Đó là lời khẳng định từ nhiều HLV nội đang hành nghề tại V-League. Họ đều có quan điểm về việc lối chơi bạo lực leo thang chính là do sự lỏng lẻo và thiếu nghiêm khắc của các điều luật mà VFF đang thực hiện.
Gãy chân, chảy máu mồm, rạn xương sườn, hàng loạt những pha vào bóng kiểu “con nhà võ”…, đó là những hình ảnh đã và đang diễn ra ở V-League. Vậy nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát về bạo lực sân cỏ từ đâu? Để tìm kiếm câu trả lời của người trong cuộc, chúng tôi đã có những cuộc trao đổi với các HLV đang làm nghề và trực tiếp theo dõi những biến động của bóng đá Việt Nam.
* HLV Mai Đức Chung (Thanh Hóa): “Đừng đổ lỗi cho cầu thủ”
Việc bạo lực đang xuất hiện nhiều ở V-League, theo cá nhân tôi không phải lỗi thuộc về một mình các cầu thủ. Tất nhiên người chịu ảnh hưởng và trực tiếp làm nên nạn bạo lực trong trận đấu vẫn là cầu thủ, nhưng trong cái sai của họ có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động.
Đầu tiên đó là cách giáo dục chưa thực sự chặt chẽ, những điều luật thiếu đi tính nghiêm khắc. Nếu như các trọng tài quyết liệt hơn với các hành vi, hành động và thái độ thi đấu của cầu thủ, chắc chắn sẽ không thể có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, các án phạt của VFF cũng cần phải đủ sức nặng, tính răn đe hơn nữa.
Các trọng tài cần phải cứng rắn hơn với các hành vi của cầu thủ
Ngoài ra, việc treo thưởng lớn và máu ăn thua của các đội bóng cũng có ảnh hưởng rất nhiều. Vì đồng tiền, mục tiêu chiến thắng, chắc chắn sẽ có một bộ phận cầu thủ chơi bóng “máu lửa” hơn.
Chắc chắn các HLV không dạy cầu thủ của mình đá láo đá bậy, nhưng khi vào sân do cầu thủ không tiết chế được cảm xúc của mình. Họ không xác định được việc chơi quyết liệt và lối đá thô bạo khác nhau như thế nào. Ở đây, các CĐV cũng có một phần lỗi, thay vì cổ vũ nhiệt tình, có văn hóa, họ lại hò hét kích động cầu thủ bằng những từ ngữ mạnh bạo hơn.
Vậy nên để đảm bảo bóng đá không còn bạo lực, theo tôi những vấn đề trên phải được hạn chế một cách tối đa.
* HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội.T&T): “Luật phải có sức nặng hơn”
Đã có rất nhiều tình huống cầu thủ cố tình chơi ác ý triệt hạ đối phương, nhưng trọng tài bỏ qua, tiếp đến những án phạt của VFF chưa đủ tính răn đe. Mỗi lần như thế, tôi nghĩ tâm lý cầu thủ sẽ càng mạnh bạo hơn.
Tất nhiên, bóng đá không thể thiếu va chạm, nhưng vào bóng phạm lỗi chỉ có thể ở mức chấp nhận được. Vậy làm sao để cầu thủ thực hiện được điều này, điều đó cần cách giáo dục ở các CLB, những chế tài xử phạt của VFF và ý thức của mỗi cầu thủ.
Có những trận đấu, thay vì phạt thẻ đỏ, thẻ vàng, trọng tài thậm chí còn bỏ quên thẻ, hoặc chỉ nhắc nhở. Theo tôi đây cũng là lý do tác động đến tâm lý không biết sợ… của cầu thủ. Vậy nên, tôi nghĩ các “ông vua sân cỏ” phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
* HLV Vũ Quang Bảo (Quảng Nam): “Trọng tài phải thổi sòng phẳng”
Dù có nhiều chấn thương, hành động bạo lực, nhưng tôi cho rằng về cơ bản ý thức của các cầu thủ không phải hướng đến mục tiêu triệt hạ đối phương. Những tình huống nguy hiểm, hoặc chấn thương, tôi nghĩ do tính quyết liệt, không kiềm chế được hành động của các cầu thủ.
Có thể trước khi ra sân, họ nghĩ mình phải thế này, đá thế kia, nhưng khi vào sân tính quyết liệt trong trận đấu và các tình huống khiến cầu thủ không còn tỉnh táo để thực hiện tốt những mong muốn của mình.
Đầu mùa giải 2014, VFF và VPF đã làm công việc của mình khá tốt và nghiêm túc. Nhưng công tác trọng tài cần phải cải thiện nhiều hơn. Cũng có khả năng, do áp lực từ cấp trên, mỗi khi vào sân trọng tài cũng bị căng cứng tâm lý, chưa đủ hết tình táo để đọc các tình huống. Mặt khác, tôi nghĩ các trọng tài cần phải nghiêm minh và sòng phẳng hơn đối với tất cả các đội bóng, các cầu thủ. Không nên vì cái này, vì cái kia làm ảnh hưởng đến cả giải đấu.