Bạo lực sân cỏ trở lại (*): Triệt hạ đường sống của đồng nghiệp
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại sự việc Ngô Hoàng Thịnh tắc bóng khiến Đỗ Hùng Dũng gãy chân, từ cầu thủ ở CLB TP HCM cho đến những người dự khán trận đấu đó vẫn còn sởn gai ốc
Sáng 25-3, tranh thủ trước giờ bay về Hà Nội, HLV Park Hang-seo đã đến thăm cậu học trò Đỗ Hùng Dũng sau khi anh trải qua ca phẫu thuật cố định xương mác và xương chày chân phải. Thầy Park hiểu chặng đường sắp tới với Hùng Dũng không hề dễ dàng, nên ông cần phải có mặt để động viên anh chuẩn bị tâm lý thật tốt.
Pha vào bóng của Thanh Hùng (Sanna Khánh Hòa) khiến cầu thủ Tạ Thái Học của HAGL gãy chân năm 2011 được xem là tương tự như trường hợp của Đỗ Hùng Dũng
Rợn người
Hai ngày sau khi Đỗ Hùng Dũng hoàn tất ca phẫu thuật, cú tắc bóng của Ngô Hoàng Thịnh vẫn khiến những người trong cuộc bị ám ảnh. Đơn giản bởi ở khoảnh khắc cầu thủ của đội TP HCM phạm lỗi với Hùng Dũng, những ai có mặt ở khu vực khán đài A sân Thống Nhất đều nghe được một tiếng "rắc" rất lớn, bất chấp âm thanh cuồng nhiệt của một trận đấu hấp dẫn.
Chính âm thanh ghê rợn của cú va chạm đó dẫn đến một loạt phản ứng ngay lập tức trên sân và khán đài. Đầu tiên là hành động ôm đầu quay đi không dám nhìn vào chân đồng nghiệp của cầu thủ Văn Thuận bên phía CLB TP HCM, sau đó là việc cầu thủ 2 đội ra hiệu cho đội ngũ y tế chạy vào sân. Cùng lúc đó là động tác đứng bật dậy của HLV Park Hang-seo, lo lắng quay sang hỏi trợ lý Lê Huy Khoa: "Dũng bị làm sao?"...
Sau khi rời phòng mổ, tâm lý Đỗ Hùng Dũng đã ổn hơn rất nhiều khi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, đồng đội, đồng nghiệp, người hâm mộ và nhất là HLV Park Hang-seo.
Trả lời báo chí, HLV trưởng CLB TP HCM Mano Polking cho biết tâm lý của Ngô Hoàng Thịnh đang bất ổn. Thịnh không ngờ rằng cách chơi bóng thiếu kiểm soát, mang tính bản năng của anh lại gây ra những chấn động tâm lý lớn cho những người xung quanh, thậm chí với chính các đồng đội ở CLB TP HCM.
"Đến bây giờ, chúng tôi còn chưa hết bàng hoàng vì âm thanh của tình huống đó ám ảnh lắm! Mấy anh em không được HLV Polking đăng ký thi đấu hôm đó ngồi phía trên cao của khán đài A mà còn nghe rõ được tiếng va chạm. Có người còn la lên "thôi xong Dũng rồi" thì đủ hiểu mức độ trầm trọng của vụ việc. Chúng tôi lập tức mở điện thoại xem lại tình huống, người còn run vì sợ nữa thì huống hồ gì các đồng đội đang chơi trên sân. Thực tế là chẳng ai còn đủ tâm trí, bình tĩnh để thi đấu tiếp tục" - một thành viên của CLB TP HCM nói.
Bạo lực không tha một ai
Trước Đỗ Hùng Dũng, hàng loạt cái tên từ vô danh, mới nổi cho đến ngôi sao đã liên tiếp trở thành nạn nhân của bạo lực sân cỏ. Năm 2014, hậu vệ Trần Đình Đồng bay người đạp gãy chân Nguyễn Anh Hùng của An Giang, dẫn đến án treo giò 28 trận.
Trước đó 3 năm, người hâm mộ Việt Nam kinh hoàng với pha vào bóng của cầu thủ Nguyễn Thanh Hùng (Sanna Khánh Hòa) khiến chân của tiền vệ tài năng Tạ Thái Học của HAGL gãy gập. Ở chung kết Cúp Quốc gia năm 2015, tiền đạo Abass của B.Bình Dương đã bị hậu vệ Thanh Hào của Hà Nội FC phạm lỗi khiến tiền đạo này gãy chân, phải nhập viện cấp cứu.
Chấn động và khiến báo chí tốn kém nhiều giấy mực nhất chính là trường hợp diễn ra cùng năm 2015, khi hậu vệ Quế Ngọc Hải "đi vào lịch sử" với tình huống phạm lỗi cao chân khiến cầu thủ sinh năm 1991 Trần Anh Khoa đứt dây chằng gối.
Trung vệ của SLNA bị treo giò hết mùa giải trong khi Anh Khoa phải sang Singapore phẫu thuật với kinh phí lên đến 830 triệu đồng. Do Quế Ngọc Hải không đủ năng lực tài chính nên bầu Đức của HAGL thông qua VFF đã ủng hộ 400 triệu đồng, bên cạnh đó là sự ủng hộ của các nhà tài trợ để giúp trung vệ xứ Nghệ có thể chi trả viện phí cho nạn nhân. Tiếc rằng mọi nỗ lực cứu lấy đôi chân của Anh Khoa đã bất thành và cầu thủ này phải giải nghệ.
Năm ngoái, người hâm mộ từng bày tỏ sự tiếc nuối cho trường hợp tiền vệ Nguyễn Hải Huy của Than Quảng Ninh, bởi anh vừa lọt vào mắt xanh của HLV Park Hang-seo và có tên tập trung tuyển quốc gia thì gặp chấn thương nghiêm trọng. Hải Huy bị gãy chân trái sau pha tranh cướp bóng với hậu vệ Phạm Hoàng Lâm (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) ở vòng 3 V-League 2020. Cú tắc bóng của Phạm Hoàng Lâm khiến Hải Huy phải nghỉ hơn 7 tháng mới có thể quay trở lại sân cỏ ở vòng 2 V-League 2021.
Ám ảnh người trong cuộc Đến bây giờ, cứ mỗi lần nghe có một nạn nhân mới của bạo lực sân cỏ, trung vệ Quế Ngọc Hải không dám xem tivi hay đọc báo nhiều ngày liền. Dù đã qua 6 năm, mọi thứ giờ đã an bài khi Anh Khoa chọn công việc văn phòng, còn Quế Ngọc Hải vươn lên thành thủ lĩnh đội tuyển Việt Nam và đã hạn chế được rất nhiều lối chơi bạo lực thì không ai trong số họ muốn nhắc đến tình huống xử lý bóng rợn người đó. Vốn là đồng hương, bản thân Quế Ngọc Hải hiểu rằng Hoàng Thịnh sắp phải đối diện với chuỗi ngày hoảng loạn và đầy ám ảnh, bởi lỗi lầm hoàn toàn có thể mang đến kết cục không hay như Quế Ngọc Hải năm 2015. Có lẽ Hoàng Thịnh chỉ mong Hùng Dũng sẽ giống như Tạ Thái Học, Nguyễn Anh Hùng và đặc biệt là Hải Huy, trở lại mạnh mẽ sau thời gian dưỡng thương. Chỉ có như vậy mới khỏa lấp được nỗi ám ảnh bạo lực sân cỏ mà chính các cầu thủ gây ra cho nhau. |
Mùa giải của Liverpool bị phá nát vì chấn thương của các trụ cột. Tình cảnh Hà Nội FC cũng đang rơi vào nỗi lo ngại...
Nguồn: [Link nguồn]