BẠO LỰC SÂN CỎ: Lỗi tại cái sân?
Khi Quang Hùng chuyền bóng như đặt để tiền đạo Patyo nâng tỷ số lên 3-0 giúp V.Ninh Bình đánh bại CLB South China ngay tại Hong Kong, kênh truyền hình Fox Sports đã quay rất rõ hậu vệ cánh phải của V.Ninh Bình đã ăn mừng bằng cách trượt dài trên mặt cỏ.
Đây là cách ăn mừng thường thấy khi chúng ta theo dõi trên truyền hình ở các giải đấu hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, chính bản thân cầu thủ Quang Hùng cũng phải thừa nhận, anh chỉ có thể ăn mừng được như thế khi đá ở Hong Kong, còn nếu làm điều đó ở các sân bóng Việt Nam thì hậu quả sau đó sẽ là… chấn thương. Và quả thực, chẳng có cầu thủ nào khi đá ở Việt Nam “dám” trượt dài chân để ăn mừng bàn thắng như vậy, dù quả thực kiểu ăn mừng ấy khá đẹp và phổ biến ở nước ngoài.
Như vậy cũng đủ hiểu một cú xoạc bóng cản phá của các cầu thủ trên mặt sân ở V.League mang đến hiểm họa chấn thương cao như thế nào. Và thực tế, ở V.League đã có vô vàn những trường hợp chỉ một cú xoạc bóng không cố ý gây chấn thương cho đồng nghiệp cũng có thể mang lại “tai họa” của cả người chủ động lẫn bị động mà chấn thương của Bruno là một ví dụ.
Dư luận cho rằng các "vua sân cỏ" cần mạnh tay và quyết liệt hơn với những tình huống ác ý
Tuy nhiên, đấy chỉ là một cách để ngụy biện cho tình trạng bạo lực trên sân cỏ ở Việt Nam lúc này. Không có cầu thủ nào của Việt Nam “dám” trượt chân để ăn mừng bàn thắng vì họ hiểu mặt sân ở Việt Nam là rất xấu, nhưng họ lại rất thích xoạc bóng bằng cả hai chân bất chấp hiểm họa chấn thương còn lớn hơn rất nhiều cho cả đối thủ lẫn bản thân mình. Rõ ràng, ở đây không còn là lỗi mang tính kỹ thuật nữa mà nó nằm trong chính ý thức nghề nghiệp của các cầu thủ. Họ không cảm nhận được “đôi chân” của mình giá trị bao nhiêu để giữ cho chính mình cũng là giữ cho đồng đội, bởi như đã nói mỗi cú xoạc bóng mang tính 50-50 thì chấn thương có thể đến với cả 2 cầu thủ.
Một điều tai hại hơn cả đang tồn tại ở V.League lúc này đó là một số CLB, một số HLV còn chỉ đạo các học trò của mình dùng lối chơi bạo lực để thắng đối thủ. SLNA là CLB có truyền thống với cách chơi này, nhưng mùa giải năm nay, đội đáng lên án hơn cả chính là Hải Phòng của HLV Dylan Kerr.
Ông Dylan Kerr xuất thân là một HLV thể lực nên bước vào mỗi trận đấu ông luôn yêu cầu sử dụng cách chơi làm bào mòn thể lực của đối thủ, và cách nhanh nhất là đá rát và rắn. Hải Phòng từng có được 1 điểm trước Thanh Hóa nhờ cách chơi khiến các cầu thủ Thanh Hóa hết lần này đến lần khác phải lên cáng. Còn các cầu thủ SHB.Đà Nẵng thi đấu đến phút 70 thì chỉ mong trận đấu nhanh kết thúc, bởi mỗi khi họ có bóng thì nỗi sợ hãi chấn thương lại xuất hiện, đến nỗi HLV Huỳnh Đức thừa nhận muốn xin trọng tài cho đội bóng của ông được thua 0-3 để giữ chân của cầu thủ của mình.
Tuy nhiên, chắc chắn lối chơi bạo lực ấy của Hải Phòng sẽ không thể phát huy tác dụng nếu các trọng tài mạnh tay. Có một điều rất lạ là các trận đấu mà người ta dự đoán Hải Phòng sẽ chơi bạo lực thì tổ trọng tài trận đấu đều đồng hành cùng họ khi bỏ qua rất nhiều lỗi thô bạo của cầu thủ đất Cảng. Cũng cần nhắc lại rằng, nếu như trọng tài điều khiển trên sân Vinh “mạnh tay” hơn thì chưa cần đến pha phạm lỗi với Anh Hùng thì Đình Đồng đã phải rời khỏi sân từ trước đó.
Tất cả những điều trên cho thấy, V.League đang hội tụ mọi yếu tố đã có thể tạo nên những chấn thương kinh hoàng đó là: mặt sân xấu, cầu thủ không có ý thức giữ đôi chân của mình và đồng nghiệp, hậu thuẫn từ BHL và các trọng tài. Bất kỳ một trong những yếu tố này xuất hiện cũng đủ để gây ra bạo lực sân cỏ, vậy mà chúng ta có tất cả mọi thứ.