Bảo hiểm cho cầu thủ: Lỗi của nền bóng đá
Sau vụ Quế Ngọc Hải gây ra tai nạn gãy chân Anh Khoa rồi bị buộc phải bồi thường chi phí chữa trị khoảng 800 triệu đồng, người ta mới giật mình: Làng bóng Việt Nam lâu nay không có bảo hiểm cho cầu thủ.
Sáng qua (4-11), VPF đã làm việc với một công ty bảo hiểm và bắt đầu tính đến việc mua bảo hiểm cho cầu thủ từ mùa giải 2016. Nhiều người gọi đấy là một động thái “mất bò mới lo làm chuồng”, sau vụ tuyển thủ Quế Ngọc Hải than thở chắc phải giải nghệ vì không thể nhịn ăn và không lãnh lương trong bốn năm để lấy tiền bồi thường cho Anh Khoa.
“Án lệ” của Ban Kỷ luật VFF áp dụng cho Ngọc Hải phải trả tiền phẫu thuật cho Anh Khoa là độc nhất vô nhị trên thế giới khiến ai cũng ngán ngẩm. Hơn nữa, điều này còn bộc lộ nhiều sơ hở và thiếu thận trọng của chính Ban Chấp hành VFF lẫn đại diện các đội bóng khi chấp nhận sự vô lý đứng trên cả luật dân sự trong quy định kỷ luật của VFF.
Sau tai nạn của Anh Khoa từ cú vào bóng của Quế Ngọc Hải, bóng đá Việt Nam mới bắt đầu nghĩ tới bảo hiểm đôi chân cho các cầu thủ. Ảnh: XUÂN HUY
Chắc chắn ở mùa giải mới 2016, các thành viên của VFF sẽ mất nhiều công sức bàn thảo để đi đến bãi bỏ cái quy định tréo cẳng ngỗng này. Chỉ tội cho duy nhất Quế Ngọc Hải chính là nạn nhân bởi sự cẩu thả của người lớn sau một “vụ án” cười ra nước mắt lạ lùng.
Từ cái dây chằng của Anh Khoa bị đứt và phải sang Singapore chữa trị với chi phí rất cao, các nhà làm bóng đá Việt Nam bây giờ mới ngồi lại… nghĩ ra việc phải mua bảo hiểm cho cầu thủ. Nói như Ủy viên Ban Chấp hành VFF Dương Vũ Lâm thì đấy là lỗi của cả nền bóng đá không nghiêm túc với một loại hình lao động đặc biệt.
Khi Anh Khoa gặp nạn và Quế Ngọc Hải chịu bản án bất lợi của Ban Kỷ luật VFF thì những bất cập càng lộ ra, như việc SHB Đà Nẵng không có bảo hiểm thân thể lẫn trách nhiệm của CLB đối với cầu thủ. Việc đánh vào túi tiền của cầu thủ Quế Ngọc Hải do phạm lỗi trên sân bóng mà bỏ qua pháp nhân CLB chủ quản SL Nghệ An đã dẫn đến những tranh cãi không đáng có trong lúc phán quyết của VFF chỉ nhằm vào cá nhân.
Cái cớ duy nhất cho các CLB bao biện chính là giá bảo hiểm quá cao đã gây nhiều khó khăn cho ngân sách hoạt động trong một mùa và đối với những đội bóng sống nhờ vào kinh phí địa phương thì việc mua bảo hiểm luôn bị ngó lơ.
Chút may mắn cho bóng đá Việt Nam sắp bước sang tuổi chuyên nghiệp thứ 16 đã tính đến chuyện mua bảo hiểm cho cầu thủ dẫu muộn còn hơn không.
Trong cuộc hội thảo với CLB bóng đá chuyên nghiệp chuẩn bị mùa giải 2016 dự kiến tổ chức ngày 18-12, VPF sẽ đưa vấn đề bảo hiểm bắt buộc cho cầu thủ ra bàn thảo. Theo đó, VPF cùng đại diện công ty bảo hiểm xây dựng các gói bảo hiểm trong tập luyện, thi đấu, ở từng giai đoạn, một giải đấu hoặc trận đấu cụ thể lẫn trách nhiệm dân sự của các bên liên quan. Ngoài ra, VPF cũng sẽ mua bảo hiểm cho các giám sát, trọng tài trong từng giải đấu khi xác định đội ngũ này đang tham gia vào một dạng “nghề nguy hiểm”. |