Bảo hiểm cầu thủ Việt: "Quyền" cần đi đôi với “lợi”
Bắt đầu từ mùa giải 2016, công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ mua bảo hiểm cho tất cả các cầu thủ thi đấu ở V-League, giải hạng Nhất và cúp Quốc gia. Nhưng làm thế nào để quyền lợi của cầu thủ được đảm bảo vẫn là bài toán hóc búa.
Video phóng sự về dự án mua bảo hiểm cho cầu thủ của VPF (bản quyền clip thuộc VTV)
Theo thông tin mới nhất, công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ mua bảo hiểm thân thể cho tất cả các cầu thủ thi đấu ở V-League, giải hạng Nhất và cúp Quốc gia, bắt đầu từ mùa giải 2016. Dự án này sẽ được VPF kết hợp với Công ty bảo hiểm Dầu khí Việt Nam để bàn bạc về các phương án bảo hiểm cho các cầu thủ.
Theo tính toán, VPF sẽ mua bảo hiểm cho các cầu thủ ở 182 trận tại V-League, 90 trận tại giải hạng Nhất và 30 trận ở cúp Quốc gia (302 trận). Theo tính toán, sẽ có khoảng 720 cầu thủ được VPF mua bảo hiểm. Ngoài ra, có khoảng 180 trọng tài, giám sát trận đấu cũng được mua bảo hiểm. Các mức bảo hiểm được VPF dự tính dao động từ 2 triệu đến 200 triệu đồng.
Nếu có lỡ dính chấn thương, các cầu thủ sẽ được công ty bảo hiểm chi khoản tiền điều trị
Thông tin mới này đã được hầu hết ban lãnh đạo các CLB, cầu thủ ủng hộ, bởi đây là một phần giúp bóng đá Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp. Các cầu thủ sẽ yên tâm thi đấu nếu có chuyện không may xảy ra, còn VPF cũng chỉ mất 1 phần chi phí quảng cáo cho các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là khi một cầu thủ gặp chấn thương thì quyền lợi của họ sẽ được giải quyết như thế nào? Về lý thuyết, công ty bảo hiểm sẽ làm việc trực tiếp với VPF, vì đây là công ty trực tiếp đứng ra thanh toán các hợp đồng bảo hiểm, trong khi cầu thủ vẫn chịu sự quản lý của đơn vị chủ quản là CLB. Rõ ràng, đây là bài toán CLB, VPF và công ty bảo hiểm cần đi đến thống nhất để tìm được tiếng nói chung nhằm đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ.