Bao giờ, bóng đá Việt mới thôi “trẻ con”?
HLV Fabio Lopez quyết định khởi kiện CLB Thanh Hóa của ông bầu Nguyễn Văn Đệ với lý do vi phạm các điều khoản hợp đồng. Chưa rõ ai đúng, ai sai nhưng nhìn lại lịch sử 20 năm phát triển thương hiệu chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi những rắc rối bị mang lại do sự thiếu hiểu biết và lối hành xử cảm tính.
Letard, một bài học quá đắt
Có một chi tiết, hay đúng hơn là một phát ngôn xuất phát từ bầu Đệ khi nhân vật này trả lời báo chí: “Thanh Hóa không việc gì phải đền bù hợp đồng vì HLV Lopez dẫn dắt yếu kém”. Phàm là bóng đá, lại là bóng đá hoạt động theo quy chế của liên đoàn và các tổ chức thành viên, “thành tích” và “đền bù” là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt, không hề can dự với nhau.
HLV Fabio Lopez kiện CLB Thanh Hóa vì không đền bù hợp đồng khi sa thải.
Nếu những gì Lopez nói là đúng thì CLB Thanh Hóa đương nhiên đã sai “lè lè” khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không đền bù hoặc thanh toán nốt số lương còn lại theo hợp đồng.
Trong trường hợp giữa CLB Thanh Hóa và Lopez tồn tại điều khoản “CLB chỉ cần trả một số tiền nhất định nếu hợp đồng dừng lại vì thành tích yếu kém”, ông Đệ cũng chưa chắc… đúng. Nói thế là bởi giữa việc “không trả tiền” và “trả một phần tiền” là khác rất xa nhau về bản chất.
Trên thế giới, gần như chưa có tiền lệ HLV không được nhận bồi thường, dù ít hay nhiều, nếu mất việc khi đang trong quá trình làm việc. Chỉ là khi HLV đó từ chức và chủ động từ chối nhận khoản bồi thường, CLB mới không có “nghĩa vụ” trả tiền.
Một vấn đề lớn hơn dễ nhìn thấy trong cách ứng xử của người đứng đầu bóng đá xứ Thanh, đấy là thói quen trả lời, đăng đàn “vạ miệng”. Sau 20 năm, những người làm bóng đá vẫn chưa thể rút ra những bài học đau thương mà lịch sử để lại.
18 năm trước, VFF đã nghĩ rất đơn giản khi sa thải HLV Letard rằng chỉ cần chuyển 35000 USD vào tài khoản luật sư của ông Letard là mọi chuyện sẽ được giải quyết dứt điểm.
Thậm chí, ngay cả khi Ban tư cách cầu thủ FIFA – đơn vị có trách nhiệm giải quyết các thư từ khiếu nại – đưa ra phán quyết “VFF chỉ cần đền bù 3 tháng lương”, mọi chuyện vẫn không hề chấm dứt.
Ông Letard tiếp tục kiện lên Tòa án thể thao và kết quả chung cuộc: VFF phải đền bù toàn bộ thời hạn hợp đồng còn lại trị giá 150.000 USD, cộng thêm 60.000 USD vì đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Khe hở và sai số của VFF ở đấy là đã “mặc định mọi chuyện”, chuyển tiền cho luật sư của Letard nhưng lại không hề hỏi xem vị HLV người Pháp này có đồng ý với phương án “3 tháng đền bù hay không”. Cuối cùng, VFF ngày ấy cũng giống như Thanh Hóa bây giờ là đánh đồng chuyện “thành tích” với khía cạnh “pháp lý”. Pochettino khi bị Tottenham sa thải vẫn… nhận lương từ CLB cũ cho tới khi tìm được CLB mới.
“Tấm gương” Hải Phòng
Nói xa nói gần nhưng CLB Thanh Hóa chẳng cần phải tìm về quá khứ xa xôi để có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chiến “dài hơi” với Lopez. Cách đây 2 mùa giải, CLB Hải Phòng từng thua kiện tiền đạo Errol Stevens 200.000 USD.
Câu chuyện cụ thể là hết mùa 2018, Stevens muốn rời CLB Hải Phòng để chuyển sang CLB Thanh Hóa (bấy giờ vẫn thuộc quyền quản lý của tập đoàn FLC). Nhưng ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Hải Phòng kiên quyết không ký giấy thanh lý và không trả lương, thưởng cho chân sút người Jamaica.
Ở góc độ quản trị doanh nghiệp, Hải Phòng có quyền bức xúc vì thái độ thiếu hợp tác của Stevens nhưng hành xử như họ là sai trầm trọng theo luật lao động và luật FIFA. Luật quy định các CLB, khi ký hợp đồng, phải trả lương cho cầu thủ theo đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu đội bóng đất Cảng vẫn trả đủ các khoản trên, sau đó mới ra quyết định phạt tiền theo kỷ luật nội bộ, họ mới không vướng pháp lý.
Như vậy, Stevens chỉ cần trình hợp đồng, chứng minh không được trả lương đúng hạn là đã đủ căn cứ để FIFA ra án phạt. Mặt khác, CLB Hải Phòng lại còn mắc phải sai lầm kép khi không chịu ký giấy thanh lý hợp đồng ngay cả khi Stevens đã nói rõ, anh sẽ tự bỏ tiền túi mua lại hợp đồng.
Năm đó, CLB Hải Phòng – vốn là đội bóng sống hoàn toàn bằng ngân sách thành phố - phải trả Stevens 5 tỷ và thanh lý sớm dù đúng ra, họ chỉ thiếu Stevens 80.000 USD tiền lương thưởng lót tay. 5 tỷ là con số rất lớn với CLB Hải Phòng bởi ngân sách hoạt động cả mùa chỉ loanh quanh 40 tỷ, vừa đủ cho một đội V.League.
Có thể thấy các cầu thủ, HLV ngoại được trang bị kiến thức pháp luật và có đội ngũ đằng sau tư vấn rất chuyên nghiệp. Họ có kinh nghiệm khi đối diện với các vấn đề tranh chấp, trong khi bóng đá Việt Nam trước giờ vẫn làm việc bằng cái tình, bằng những câu chuyện tỉ tê bên bàn bia, bàn tiệc ngoài sân bóng.
Đã đến lúc, những người làm bóng đá Việt Nam cần thoát khỏi tư duy làm việc dựa trên cơ sở quen biết, phải thật sự trưởng thành trong tư duy và tâm tưởng, nếu không muốn những vụ tranh chấp quốc tế thành “án điểm”, khiến bóng đá Việt Nam xấu đi trong mắt các chuyên gia nước ngoài.
Nếu thua, CLB Thanh Hóa phải đền bao nhiêu tiền? Trao đổi với phóng viên, HLV Lopez cho biết dù chưa nắm chính xác số tiền nhưng theo luật sư của ông dự tính, CLB Thanh Hóa sẽ phải bồi thường khoảng 140.000 USD cho ông, tương đương 3 tỷ đồng. Cần nhấn mạnh một chi tiết, đại diện cho Lopez là văn phòng luật sư SILA có trụ sở ở Moscow (Nga), là văn phòng luật sư rất nổi tiếng chuyên giải quyết các vấn đề pháp lý cho giới thể thao. SILA cũng là đơn vị giúp nhà vô địch World Cup 2014 Benedikt Hoewedes thanh lý hợp đồng trước thời hạn 2 năm với CLB Lokomotiv Moscow. Về phía CLB Thanh Hóa, bầu Đệ cũng khẳng định đã chuẩn bị luật sư từ khi ký hợp đồng Lopez, sẵn sàng đối chất tại tòa án thể thao. “Tốt nhất là đợi kết luận từ tòa án, tôi không muốn đôi co trên truyền thông”, ông Đệ trả lời phóng viên. |
Nguồn: [Link nguồn]
Vòng 8 V-League 2020 đã diễn ra rất hấp dẫn với những trận cầu gay cấn và nảy lửa qua đó đem lại sự hào hứng cho người...