Báo động lớp cầu thủ kế cận của bóng đá Việt Nam
V-League đóng góp nhiều tuyển thủ quốc gia xuất sắc nhưng thực tế lực lượng kế cận ở giải đấu cao nhất Việt Nam đang thiếu hụt.
Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) được coi như xương sống của bóng đá Việt Nam.
Vài năm qua, V-League đóng góp nhiều tuyển thủ quốc gia xuất sắc nhưng điều này không thể xóa nhòa đi thực tế, lực lượng kế cận ở giải đấu cao nhất Việt Nam đang thiếu hụt.
Hải Phòng (trái) và TP.HCM là hai trong số những đội bóng V-League thiếu lực lượng kế cận. Ảnh: VPF
Khan hiếm nguồn cầu thủ trẻ
Ngay sau khi V-League 2021 có quyết định hủy giải, nhiều đội bóng đã rục rịch chuẩn bị lực lượng cho mùa giải năm sau. CLB Hải Phòng thanh lý hàng loạt cầu thủ đáo hạn hợp đồng và đang liên hệ để mang về một số cái tên nhằm đảm bảo nhân sự ở mùa 2022.
Đội bóng đất Cảng những năm qua đào tạo trẻ rất yếu nên lực lượng kế cận gần như không có. Quân số của họ đa phần cũng gom nhặt tứ xứ, gồm cả nguồn cầu thủ Việt kiều.
Tuy nhiên, Hải Phòng không phải cái tên duy nhất tại V-League rơi vào tình trạng như vậy. Nhìn quanh một lượt, số đội bóng tạo được nguồn cầu thủ dự trữ tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hà Nội FC và Viettel là hai đại diện tiêu biểu khi có các lứa trẻ được đào tạo bài bản.
Một CLB khác nổi tiếng đào tạo trẻ tốt là SLNA cũng luôn tự tin với đội ngũ cầu thủ “măng non”. Dù mùa nào cũng bán đi các trụ cột nhưng nhân sự của đội bóng xứ Nghệ chưa bao giờ là vấn đề đáng lo.
Đương nhiên, một vài mùa gần đây, do sự chuyển giao ồ ạt nên nhiều vị trí của SLNA chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tương tự, CLB Nam Định luôn có các lứa U11 tới U19 được đảm bảo hoạt động nên lớp kế cận không quá thiếu thốn. Tuy vậy, chất lượng nhân sự trẻ của đội bóng thành Nam chưa thực sự cao.
Phần còn lại thì sao? Đa phần đều không có lực lượng kế cận để gánh vác trách nhiệm khi cần. Ngay cả HAGL, đội bóng vốn nổi tiếng đào tạo trẻ cũng không giới thiệu được những cái tên giàu tiềm năng trong hai, ba mùa gần đây.
CLB TP.HCM có hẳn một Học viện đào tạo hợp tác cùng CLB Juventus (Italia) nhưng mỗi mùa đều phải chi rất nhiều tiền để chiêu mộ lực lượng.
CLB Sài Gòn đầu mùa giải 2021 thậm chí sau khi thanh lý hơn 20 cầu thủ đội một đã phải “vơ bèo vạt tép” từ khắp nơi để đủ lực lượng dự giải.
Đại đa số trong đó đều đến từ giải hạng Nhất, chất lượng thấp khiến đội bóng từng gây bất ngờ ở mùa 2020 thi đấu trầy trật. Thực trạng này cũng xuất phát từ việc đội bóng áo hồng không gây dựng được đội ngũ hậu bị.
Lo cho bóng đá Việt Nam
Với mỗi nền bóng đá, giải vô địch quốc gia vốn được coi là xương sống trong sự phát triển. Thực tế chỉ ra rằng, không đội tuyển nào thành công mà phía sau là một giải vô địch quốc gia kém chất lượng.
Đội tuyển Việt Nam có được những chiến tích vang dội trong 4 năm qua cũng nhờ V-League tạo dựng nên một lứa cầu thủ xuất sắc. Nếu những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Công Phượng, Văn Hậu, Văn Đức… không được rèn luyện sớm tại V-League, tất cả khó phát triển như ngày hôm nay.
Ngặt nỗi, sau lứa cầu thủ vàng, bóng đá Việt Nam đang chững lại mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc các CLB V-League không trao nhiều cơ hội cho những cầu thủ trẻ tu dưỡng, trưởng thành.
Theo HLV Hoàng Văn Phúc: “Ảnh hưởng đầu tiên khi các CLB không làm đào tạo trẻ bài bản là họ sẽ bị động trong việc xây dựng lực lượng. Hà Nội FC gần như chỉ dùng cầu thủ nội do mình đào tạo nhưng TP.HCM hay Sài Gòn thì luôn phải mua sắm ồ ạt mới đủ quân số. Đó là chưa kể nếu có nguồn tại chỗ thì cầu thủ cũng dễ thích nghi chiến thuật của đội, dễ kết nối với nhau hơn”.
Ở khía cạnh đội tuyển, ông Phúc cho rằng việc thiếu lớp kế cận không hẳn xuất phát từ thực tế trên tại V-League.
“Làm đào tạo trẻ không phải lúc nào cũng ra sản phẩm tốt, có khi là 4 - 5 năm, thậm chí 10 năm mới tạo ra được một lứa xuất sắc, đồng đều”.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng nhấn mạnh, muốn bóng đá Việt Nam đi lên thì nhất thiết phải mở rộng, làm sâu hơn nữa công tác đào tạo trẻ.
“Phạm vi tuyển chọn càng rộng thì xác suất phát hiện ra cầu thủ tốt càng lớn. Nội dung đào tạo càng sâu thì khả năng cho ra những cầu thủ toàn diện càng cao. Tôi cho rằng, hiện nay mới chỉ có vài đội V-League làm tốt công tác đào tạo nhưng quy mô chưa phải lớn. Mỗi đội bóng chuyên nghiệp cần có Trung tâm bóng đá trẻ, thậm chí Học viện để đào tạo, sàng lọc liên tục”, ông Phúc nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn nhận định, việc không xây dựng được tuyến trẻ kế cận là lỗ hổng lớn của bóng đá chuyên nghiệp, điều mà chúng ta không thấy ở các nền bóng đá phát triển.
Quả bóng vàng Việt Nam năm 2008 nhấn mạnh thêm, muốn phát triển cầu thủ trẻ cần một chiến lược và có sự tính toán tỉ mỉ chứ không thể làm ào ào.
“Cài cắm cầu thủ trẻ ở đội một là cách để các em làm quen môi trường đỉnh cao, rèn luyện tâm lý và cả chuyên môn. Nhưng yêu cầu ở đây là HLV phải tính toán được khi nào nên cài cắm, cài ở mức độ như thế nào để đảm bảo hiệu quả tối đa. Hà Nội FC từ thời HLV Phan Thanh Hùng đã làm tốt khâu này nên đội bóng Thủ đô chưa khi nào thiếu nguồn cầu thủ nội. Các đội bóng khác nên lấy đây làm hướng đi cho mình”, cựu tuyển thủ Việt Nam cho hay.
"Anh có tiền anh tuyển quân, trả lương cao để lấy người về không phải xấu nhưng có đạt hiệu quả hay không lại là việc khác. Nhiều đội bóng cùng thiếu hụt lớp kế cận như vậy chắc chắn ảnh hưởng tới nền tảng đội tuyển quốc gia. Hiện nay chúng ta đều phần nào cảm nhận được điều này. Đội U22 quá ít cái tên nổi bật, nhiều người thậm chí ít được thi đấu". Quả bóng vàng Việt Nam năm 2008 Dương Hồng Sơn |
Báo giới Trung Quốc cho rằng tuyển nhà đủ sức đánh bại được ĐT Việt Nam một cách dễ dàng nhờ lợi thế thể hình.
Nguồn: [Link nguồn]