'Bão' chấn thương đe dọa tuyển Việt Nam
Trong thời gian ngắn, số ca chấn thương liên quan đến các tuyển thủ quốc gia có xu hướng tăng lên. Nếu LĐBĐVN (VFF) và HLV Park Hang Seo không có sự chuẩn bị, các giải đấu sắp tới của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Một ngày trước thời điểm đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị cho King’s Cup 2019 (Thái Lan), HLV Park Hang Seo đón nhận “tin dữ” khi trung vệ Trần Đình Trọng gặp chấn thương ở trận đấu của CLB Hà Nội và HAGL.
Trung vệ Đình Trọng
Vết thương tưởng nhẹ nhưng sau khi kiểm tra, kết luận của các bác sĩ đã khiến tất cả bị sốc: Đình Trọng bị đứt bán phần dây chằng chéo trước, rách sụn chêm đầu gối trái. Với chấn thương này, anh sẽ vắng mặt ở toàn bộ các giải đấu của bóng đá Việt Nam trong năm 2019, gồm Vòng loại World Cup 2019 và SEA Games 30 (Philippines).
Đây là tổn thất lớn đối với đội tuyển Việt Nam, bởi Đình Trọng thường xuyên chiếm vị trí ổn định ở ĐTQG và U23 dưới thời HLV Park Hang Seo 2 năm vừa qua. Kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 30 của ông Park Hang Seo vào cuối năm chắc chắn bị ảnh hưởng, bởi khi đó nhiều cầu thủ “ruột” của nhà cầm quân Hàn Quốc khi đó đã hết tuổi tham dự.
CLB Hà Nội vừa qua đã quyết định đưa Đình Trọng sang Singapore phẫu thuật, với hy vọng nhanh chóng giúp anh hồi phục chấn thương. Tuy nhiên theo dự báo, nhanh nhất trung vệ có tuổi khai sinh 1997 chỉ có thể trở lại sân cỏ vào đầu năm 2020.
Đình Trọng không phải trường hợp tuyển thủ quốc gia duy nhất gặp chấn thương thời gian gần đây. Rất nhiều cầu thủ khác đã hoặc đang bị chấn thương với các mức độ khác nhau. Có thể kể tới Phạm Xuân Mạnh, Phan Văn Đức (SLNA), hay Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng), Vũ Văn Thanh (HAGL), Duy Mạnh (CLB Hà Nội)… Rất dễ nhận thấy đây đều là những cầu thủ có tên ở cả đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, đã cùng ông Park Hang Seo “chinh chiến” trên nhiều mặt trận suốt 2 năm qua.
Thành công liên tiếp ở các giải đấu khác nhau của bóng đá Việt Nam đem lại niềm vui sướng cho hàng triệu trái tim người hâm mộ. Nhưng mặt khác, nó đồng thời cũng khiến các tuyển thủ quốc gia phải chơi số trận đấu tăng vọt so với trước.
Đơn cử, U23 Việt Nam đã vào tới trận cuối cùng của VCK U23 châu Á 2018 và chưa đầy 1 năm sau, đội tuyển Việt Nam cũng tiến sâu tới chung kết AFF Cup, rồi đăng quang ngôi vô địch. Chưa kể xen kẽ là Asiad 2018 và các trận giao hữu khác.
Những cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng, Lương Xuân Trường, Vũ Văn Thanh… gần như phải thi đấu “kịch khung” số trận có thể. Các cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội còn phải thi đấu nhiều hơn bởi ngoài ĐTQG, họ phải “cày ải” cả V-League rồi AFC Cup.
Dù không bị chấn thương, nhưng Quang Hải đang chơi khá mờ nhạt ở V-League giai đoạn từ đầu giải tới nay. Lý do theo nhiều ý kiến đánh giá, anh đã có dấu hiệu quả tải vì lịch thi đấu dày đặc. Tại King’s Cup 2019, Quang Hải chơi không nổi bật như nhiều đồng đội khác.
Một bác sĩ đội tuyển Việt Nam cho biết, cầu thủ khi mệt mỏi, thể lực suy giảm thì nguy cơ chấn thương cũng tăng lên. Một va chạm dù nhẹ cũng có thể dẫn tới chấn thương nặng cho cầu thủ. Từ nay tới cuối năm 2019, bóng đá Việt Nam còn 2 mặt trận quan trọng là Vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 30. Rõ ràng nếu không có sự chuẩn bị, HLV Park Hang Seo có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Trong 2 năm qua, bộ khung đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam dưới tay HLV Park Hang Seo đã gần như định hình, số lượng nhân tố mới được gọi lên tuyển gần như không đáng kể. King’s Cup 2019 cho thấy rõ điều này, khi ông Park chấp nhận chọn phương án an toàn, triệu tập hầu hết các cầu thủ “ruột” lên tuyển Việt Nam thay vì trao cơ hội cho những gương mặt mới.
HLV Park Hang Seo từng rất khao khát cơ hội ở Vòng loại World Cup 2022. Nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ nhà cầm Hàn Quốc sẽ buộc lòng phải cân nhắc kỹ, nếu muốn giữ sức cho nhiều trụ cột ở SEA Games 30, giải đấu ông được ngành thể thao giao trọng trách phải đoạt HCV.
HLV Park Hang Seo có thật sự đang được LĐBĐ Thái Lan quan tâm?