Bản thu hoạch buồn
Có rất nhiều tồn tại bộc lộ rõ ràng sau 13 năm học làm chuyên nghiệp và xong một mùa giải, có ai tự hỏi bóng đá Việt Nam thu hoạch được gì?
Cả ngàn tỉ đồng từ công tác tổ chức đến chi phí cho các đội V-League và hạng Nhất dễ dàng mất đi nhưng phần thu hoạch lại rất khiêm tốn hoặc chỉ là con số 0.
Đầu mùa này, V-League đã một lần hoãn cả hai tháng do gặp nhiều biến động và còn may là chi phí tổ chức còn xoay sở được nhờ nguồn sữa của ông Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng. Thế nhưng sự nhốn nháo và bất cập của một cuộc chơi ngày càng lộ mặt khi các đội hơi phật lòng là đòi bỏ giải hoặc hoãn giải cho hả giận.
Giọt nước tràn ly đến từ việc XMXT Sài Gòn bỏ giải cũng là điều dư luận đã tiên đoán từ rất lâu rồi. Nó tồn tại hay không chỉ là một cái lắc hay gật đầu của anh em nhà bầu Thụy. Họ làm bóng đá hài hước như một gánh xiếc rong với một ông “cò” giỏi tán tụng cùng những phi vụ mua bán cầu thủ ào ạt giống cái lần móc túi ông chủ 21 tỉ đồng lấy về đội NaviBank SG vừa giải tán.
Bóng đá chuyên nghiệp mà các nhà tổ chức sợ đội bóng nghỉ chơi đã dùng nghị quyết mùa sau giữ lại K. Kiên Giang suốt một thời gian dài ốc không mang nổi mình ốc. Không ai nghĩ hãy để cho K. Kiên Giang rớt hạng sẽ giúp họ thanh thản ở giải hạng Nhất hơn là vớt lên V-League với biết bao gánh nặng tiền bạc và chưa đầy đủ chuẩn của một CLB chuyên nghiệp.
Thương nhau như thế có khác gì hại nhau!
K. Kiên Giang trụ hạng trong mùa giải không xuống hạng để rồi lại quay quắt với nỗi lo bị cầu thủ đòi nợ sau mùa bóng. Ảnh: XUÂN HUY
Một mùa giải khóa sổ không có nhiều niềm vui mà chất chứa những tồn tại đau đáu trên con đường mòn của những dấu xe lạc hậu. Cuộc chơi bào mòn quá nhiều công sức, tiền của nhưng chẳng có điều gì ấn tượng đọng lại. V-League có khi chỉ còn là thú vui tiền tấn thỏa mãn cơn khát danh hiệu cho bầu Hiển với hai đội bóng Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Rất nhiều cuộc thanh tra có phải một ông chủ ôm hai đội bóng đã không thể sánh bằng một chuyến xe tham dự lễ xuất quân của ông chủ tịch VFF từ thủ đô vào Đà Nẵng, đến Quảng Nam.
Bóng đá Việt Nam được gì sau một mùa giải lại có nhiều người thở phào vì giải thoát gánh nặng vô địch để mùa sau khỏi phải ra đấu trường AFC Cup?
Chính bởi cái tư tưởng hạn hẹp ấy khiến cho cầu thủ không có một tinh thần lao động nghiêm túc và tự tay mình đóng đi cánh cửa nhìn ra thế giới qua những trận đấu cọ xát quý giá. Điều này một phần lý giải mặt bằng nhân sự trên các đội tuyển vừa yếu vừa thiếu với điệp khúc nhàm chán của các ông thầy khi ca bài học trò chưa có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc.
Làng bóng Việt Nam được gì sau những đợt “chạy” nhập tịch cho cầu thủ ngoại rồi tự nguyện dấn thân vào cuộc đua chảy máu ngoại tệ trong khi nguồn lực ấy không thể có chân lên tuyển. Nó còn là những pha đánh bắt và phá giá cầu thủ của nhau có khi chỉ để tẩy sạch đồng tiền.
Chỉ có làng bóng Việt Nam mới có kiểu lãnh đạo mặc sức mua sắm cầu thủ khi chưa biết HLV là ai, rồi sau đó thì ấn vào tay bắt làm. Còn đội bóng vỗ ngực tự hào giàu nhất làng nhờ có lực lượng cổ động viên hùng hậu lẫn cái nôi đào tạo trẻ số một thế mà vẫn không sống nổi bằng nghề.
Tất cả yếu kém còn tồn tại không phải chỉ mới phát lộ ở mùa bóng chuyên nghiệp thứ 13 và các nhà làm bóng đá Việt Nam đều biết trừ mỗi việc… không biết xấu hổ.