Bản quyền truyền hình và con đường của V-League
Tranh cãi xoay quanh hợp đồng sản xuất hình ảnh các trận đấu V-League giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Next Media trở thành tâm điểm trong ngày khai mạc V-League 2018. Dù kết quả của nó như thế nào, vụ việc chắc chắn sẽ làm thay đổi cách nhìn của công chúng về vấn đề bản quyền truyền hình, cũng như giá trị giải bóng đá VĐQG.
Thay đổi thói quen công chúng
Bản quyền truyền hình là một khái niệm khá xa lạ với công chúng Việt Nam, cho tới khi những người xem truyền hình thấy mình “bỗng nhiên phải trả tiền” để được xem một chương trình yêu thích quen thuộc trên tivi. Đó là năm 2006, khi Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC) mua độc quyền bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh 3 mùa liên tiếp, từ 2007-2010.
Khán giả và bản quyền truyền hình là 2 “kênh” tạo nguồn thu lớn cho bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: VSI.
Từ đó đến nay, công chúng Việt Nam đã không còn mấy ngạc nhiên trước các cuộc chiến nổ ra giữa những nhà đài trong nước liên quan đến việc mua, sở hữu bản quyền truyền hình các giải thể thao quốc tế, đặc biệt là bóng đá. Sự phát triển của các kênh truyền hình trả tiền là một chỉ dấu cho thấy, người xem dần chấp nhận việc trả phí cho những kênh truyền hình riêng biệt, cho dù có một thực tế, là ý thức về vấn đề bản quyền ở ta vẫn khá thấp. Điều này thể hiện qua tình trạng vi phạm bản quyền đối với một loạt đài Việt Nam, gần nhất là K+.
Hồi đầu tháng, đơn vị này thông báo đã nắm quyền phát sóng độc quyền Champions League và Europa League trên lãnh thổ Việt Nam 3 mùa kế tiếp, bắt đầu từ mùa 2018-2019 và phần còn lại của mùa giải 2017-2018. Tuy nhiên ngay trong ngày đầu tiên lên sóng (tối 9/3), một loạt trang web đã vi phạm, buộc K+ phải gửi thư cảnh báo.
Cần nhắc lại là năm 2017, VTVcab từng là nạn nhân của tình trạng này, khi bị mất quyền phát sóng Champions League dù trước đó đã mua thành công. Công chúng Việt Nam là đối tượng chịu thiệt thòi kế tiếp khi không được xem giải đấu hấp dẫn của châu Âu. Kịch bản trên có thể lặp lại với K+, bởi theo quy định của UEFA, đơn vị nào mua bản quyền Champions League và Europa League cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm không cho phép bất kỳ đơn vị nào khác phát sóng trái phép. Đây là lý do K+ vội gửi cảnh báo tới các đơn vị vi phạm.
V-League rẻ nhưng không phải để “cho không”
Giá tiền bản quyền các giải châu Âu đã tăng lên phi mã các năm qua. Sự cạnh tranh của kênh truyền hình trả tiền cũng quyết liệt và căng thẳng hơn. Mặt tích cực của nó là việc các đơn vị truyền hình buộc phải đầu tư vào chất lượng, nội dung chương trình nếu muốn giữ và phát triển thuê bao, hoặc có hướng đi thích hợp.
Ở cao điểm cuộc chiến bản quyền, BLV Vũ Quang Huy, Phó giám đốc VTC từng đưa ra vấn đề “cạnh tranh bằng chất xám”. Trong khi đó, dù thắng thế trong cuộc đua tranh bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (EPL) gần đây, một đại diện K+ chia sẻ đơn vị này vẫn tiếp tục phải đầu tư nội dung, chương trình, để nâng cao chất lượng, tạo nên sự khác biệt.
So sánh V-League với EPL hay Champions League là một sự khập khiễng lớn. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên VPF đã mở màn mùa giải mới bằng chính vấn đề bản quyền truyền hình của V-League. Cùng với vé, bản quyền truyền hình là 2 “kênh” tạo nguồn thu lớn với bóng đá chuyên nghiệp. Nói như Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú, vấn đề bản quyền V-League cần được giải quyết một cách căn bản.
VPF đã có một nước đi bài bản khi ngay lượt đầu tiên, V-League đã được tường thuật trên một số kênh truyền hình. Số lượng khán giả đông kỷ lục trong ngày khai mạc là một tín hiệu khác cho thấy, V-League có giá trị nhất định, và tạo nên được giá trị chứ không phải thứ “cho không” như lâu nay. Trong bối cảnh trên thì việc VPF và Next Media chấp nhận ngồi lại với nhau để đàm phán là một tín hiệu tốt khác để hy vọng bóng đá Việt Nam đạt được cái kết có hậu. Sau hết, công chúng Việt Nam có lẽ từ đây sẽ thay đổi thói quen về vấn đề bản quyền truyền hình, cũng như đánh giá V-League với một cái nhìn khác.
Pháo sáng là đặc sản không thể thiếu của CĐV Hải Phòng và rất khó để ngăn chặn.