Bản quyền Ngoại hạng Anh: Nhà đài Việt Nam khó đoàn kết
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn yêu cầu các đài không mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá và không độc quyền để tránh bị ép giá. Nhưng…
Theo công văn của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký ban hành hôm 3/11, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), VOV và các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền trong nước được yêu cầu đoàn kết vì lợi ích chung, tránh để nước ngoài trục lợi. Bộ yêu cầu các đơn vị phối hợp với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPaytivi) chủ động thành lập ban đàm phán mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (EPL) 3 mùa giải 2016-2019.
Trên thực tế, vấn đề bản quyền EPL đã bắt đầu nóng lên sau khi xuất hiện tin Sky Sport đã bỏ ra 4,2 tỷ bảng (khoảng 6,4 tỷ USD) để sở hữu 5/7 gói bản quyền của BTC giải Ngoại hạng. Cho đến thời điểm nộp hồ sơ đấu giá theo yêu cầu của BTC EPL đối với các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền ở Việt Nam hôm 3/11, nhiều đơn vị đã có sự chuẩn bị sẵn từ trước. Công văn của Bộ TT&TT có thể xem là sự chuẩn bị sớm nhằm tránh lặp lại tình trạng như mùa giải trước, khi các đài vẫn ngấm ngầm cạnh tranh nhau, bất chấp việc đã thành lập Ban đàm phán mua bản quyền EPL.
Sức nóng của bản quyền truyền hình EPL buộc Bộ TT-TT phải ra công văn yêu cầu các nhà đài không mua bằng mọi giá, không độc quyền phát sóng tại Việt Nam
Cho tới thời điểm hiện tại, VTV và một số nhà đài đã khẳng định sẽ không mua bản quyền truyền hình EPL. Trong số này gồm cả VTC, AVG và HTV TPHCM. Tuy nhiên, như một lãnh đạo Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC) chia sẻ hôm qua với Tiền Phong, thực chất việc này không ảnh hưởng nhiều đến VTV bởi “VTV không đứng ra nhưng để các đơn vị “con” mua thì cũng không khác là mấy. Việt Nam rốt cuộc sẽ vẫn phải chấp nhận bỏ giá cao để mua từ doanh nghiệp nước ngoài”.
Vẫn cạnh tranh
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, Phó chủ tịch kiêm TTK VNPaytivi Lê Đình Cường thừa nhận, để các nhà đài Việt Nam “nhìn chung hướng” trong bối cảnh hiện tại là rất khó khăn. Ông Cường nói: “Chỉ đạo của Bộ TT&TT là hoàn toàn đúng đắn nếu xét ở lợi ích đối với người dân Việt Nam. Chúng ta đều mong muốn khán giả được xem các giải đấu thể thao, trong đó có EPL với chi phí thấp. Tuy nhiên việc các đơn vị truyền hình trả tiền cạnh tranh nhau là thực tế. Việc mua bản quyền EPL cũng được đấu giá công khai, người không đủ tiềm lực tài chính để mua thì phải chịu là chuyện có thể hiểu được”.
Ông Lê Đình Cường dẫn chính ví dụ ở mùa giải trước, khi Việt Nam rốt cuộc vẫn thua đơn vị nước ngoài, bất chấp việc đã thành lập Ban đàn phán với “đầu tàu” là VTV.
“Khi đó tôi được Hiệp hội cử đại diện tham gia, còn anh Lương (Phó TGĐ VTV Nguyễn Thành Lương- PV) làm trưởng ban. Chúng tôi làm việc tích cực tới phiên họp cuối cùng, nhưng rồi cũng không ăn thua”-ông Cường cho biết. Theo ông Cường, năm nay, các nhà đài tỏ ra không quan tâm tới bản quyền EPL, nhưng cạnh tranh vẫn diễn ra giữa các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền.
Một đại diện Cty TNHH Truyền hình số vệ tinh K+ hôm qua khi được trao đổi đã từ chối cho biết chủ trương của K+ về vấn đề này. Trước đây, K+ thông qua Công ty Canal Plus tại Pháp đứng ra mua hộ bản quyền truyền hình EPL 3 mùa giải 2013-2016 với giá 33,5 triệu USD rồi chuyển lại cho VTV.