Ban Đạo đức giải tán, VPF bình thản

Tuần tới, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ có thông báo chính thức về việc Ban Tư vấn Đạo đức tự nguyện giải thể

Sự tồn tại ngắn ngủi của Ban Tư vấn Đạo đức (gọi tắt Ban Đạo đức) cho thấy VPF chưa bao giờ cần một sự tham vấn cũng như phản biện từ những người đứng ở vị trí trung lập.

Việc cả 7 thành viên của Ban Đạo đức đều đồng ý giải tán ban cho thấy sự chán ngán cực độ của “tổ tư vấn” này với VPF. Theo Phó trưởng Ban Thường trực, ông Nguyễn Văn Vinh, các vấn đề mà ban cảnh báo cũng như yêu cầu VPF phải có động thái đều không được thực thi hoặc bị VPF bỏ ngoài tai.

Ban Đạo đức giải tán, VPF bình thản - 1

Theo Phó Ban Đạo đức Nguyễn Văn Vinh (phải), các vấn đề mà ban cảnh báo cũng như yêu cầu VPF phải có động thái đều không được thực thi. Ảnh: Quang Liêm

Ông Vinh cho biết: “Các thành viên Ban Đạo đức đều muốn giải tán ban từ khi mùa giải 2013 kết thúc. Chúng tôi đều là những người tâm huyết và muốn đóng góp những hiểu biết cũng như ý tưởng của mình để VPF có thể quan tâm, tham khảo. Tuy nhiên, không những VPF không để ý tới tâm huyết của ban mà họ nhiều khi còn cố tình làm ngược lại!”.

Một thành viên khác của Ban Đạo đức cho rằng: “VPF khi đề nghị các thành viên của ban tham gia đã nói rất nhiều về việc cần có những tiếng nói phản biện nhưng thực ra, VPF chỉ hành động theo những gì họ muốn, hoàn toàn không tôn trọng ý kiến của chúng tôi”. Dù vậy, theo thành viên này, bằng những tiếng nói cá nhân, chắc chắn những người tâm huyết với bóng đá Việt từng là người của Ban Đạo đức vẫn sẽ đóng góp ý kiến, thậm chí lên án gay gắt những vấn đề bất cập trong điều hành giải, tổ chức của VPF.

Khi văn bản xin giải thể của Ban Đạo đức được gửi lên HĐQT và Ban Giám đốc VPF, ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc VPF, cho rằng: “Ban giám đốc VPF sẽ làm việc với các thành viên chủ chốt của Ban Đạo đức để làm rõ những khúc mắc và sự chưa hiểu nhau trong quá trình hoạt động”.

Tuy vậy, theo ông Viễn, VPF có nhiều cơ chế phản biện với các vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của bóng đá nội. “Ban Đạo đức đã có những đóng góp tích cực và những tâm huyết của ban này giúp chúng tôi rất nhiều trong hoạt động. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam có đặc thù và không phải ý tưởng nào cũng có thể áp dụng ngay lập tức. VPF cũng như VFF đang ở trong giai đoạn quá độ lên chuyên nghiệp nên chúng tôi sẽ vừa làm vừa điều chỉnh những mặt chưa tích cực” - ông Viễn cho hay.

Trong khi đó, quyền Chủ tịch VFF đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT VPF Lê Hùng Dũng cho rằng: “Ban Đạo đức ra đời trên cơ sở tự nguyện, việc các thành viên của ban xin giải thể và rút lui cũng là tự nguyện. VFF và VPF cần tôn trọng những quyết định của họ”.

Nhìn nhận vai trò của VPF, ông Lê Hùng Dũng nói rằng Ban Giám đốc VPF là những người trực tiếp làm việc với VPF và họ sẽ chọn lọc những điều cần thiết, có giá trị trong những tư vấn của Ban Đạo đức để đưa vào áp dụng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc (Người Lao Động)
V-League 2024-25: Cuộc đua nóng bỏng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN