Bale đấu Ronaldo: Rồi cũng như “bùn và lụa”
Trận đấu giữa Bồ Đào Nha và xứ Wales kết thúc với tỷ số nào thì cuộc tranh cãi đội nào xứng đáng lọt vào chung kết Euro 2016 hơn, vẫn sẽ diễn ra.
Video đối đầu đỉnh cao giữa Ronaldo và Bale (bản quyền VTV):
Ronaldo xuất sắc hơn Bale, hay ngược lại, cũng giống như việc cộng đồng mạng đang tranh luận sôi nổi câu thơ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ trong đề thi môn văn THPT quốc gia vừa qua.
Ronaldo và Bale ai sẽ thắng trong cuộc chiến sắp tới?
1. Cho đến thời điểm này kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã trôi qua, nhưng vẫn có tranh luận nổ ra, đó là đề thi văn. Cụ thể, ở câu đọc hiểu bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ, đoạn trích trong đề ở đoạn thứ ba là “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa”. Trong khi đó, theo nhiều giáo viên dạy văn, bản gốc của đoạn trích này phải là: “Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa”.
Với một kỳ thi tầm cỡ, có tính chất vô cùng quan trọng, căng thẳng, hồi hộp thì sự “lệch pha” nói trên dĩ nhiên trở thành tâm điểm tranh luận của cộng đồng mạng. Bộ GD&ĐT lập tức lên tiếng khẳng định đề thi văn không sai, đồng thời trích dẫn nguồn gốc bài thơ từ cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985.
Trong khi đó, em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, PGS.TS Lưu Khánh Thơ cũng khẳng định đề thi không sai. Bà xác nhận trên thực tế song song tồn tại hai văn bản thơ có những chữ khác nhau “như bùn” và “như đất cày”. Lý giải nguyên nhân, bà Thơ cho biết, khi in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành “như bùn”. Từ đó, trên nhiều sách báo đều sử dụng văn bản trên báo Văn nghệ.
Mọi việc tưởng chừng kết thúc tại đây, nhưng tranh luận vẫn diễn giữa “như bùn”, hay “như đất cày” từ nào hay hơn, hàm súc hơn? Thậm chí còn có ý kiến cho rằng còn nhiều bài thơ về Tiếng Việt hay hơn thơ của Lưu Quang Vũ sao không trích dẫn làm đề thi?
Tuy nhiên, đối với thí sinh vào lúc này có lẽ điều đó không còn quá quan trọng, vì bài đã làm, chuyện đúng sai thế nào là do “cấp trên” quyết định, còn giờ họ xả hơi sau kỳ thi căng thẳng, đắm mình những thời khắc cuối cùng của Euro 2016, tha hồ bày tỏ quan điểm bóng đá, Bale hay Ronaldo xuất sắc hơn, Bồ Đào Nha có xứng vào chung kết, xứ Wales sẽ viết nên cổ tích…mà không sợ…một khung đáp án cố định nào.
2. Xứ Wales, theo Wikipedia, xuất phát từ một tiếng Đức, có nghĩa “người lạ”. Xứ Wales quả thực là “người lạ” ở Euro 2016 khi lần đầu tiên có mặt ở giải đấu cao nhất của bóng đá châu Âu trên phương diện ĐTQG, dù trong lịch sử bóng đá của họ có nhiều ngôi sao xuất chúng như Ryan Giggs, Ian Rush, Mark Hugues hay Gary Speed. Càng lạ đời hơn khi lần đầu tiên tham dự Euro, nhưng xứ Wales thi đấu rất chững chạc, chặt chẽ và đầy bản lĩnh để tiến vào bán kết một cách xứng đáng.
Trái với xứ Wales, Bồ Đào Nha là “người quen” ở các kỳ Euro gần đây. Nhưng những gì Ronaldo và đồng đội thể hiện lại rất kỳ lạ với thành tích 5 trận không thắng trong 90 phút thi đấu mà vẫn lọt tới vòng bán kết và có thể 7 trận không thắng mà vẫn có thể vô địch. Thật lạ!
“Người lạ” sẽ gặp “người quen” mà tâm điểm chú ý sẽ đổ dồn vào hai siêu sao Ronaldo và Bale. Thực tế giữa họ cũng lạ lạ, quen quen. Họ thực sự quen khi cùng chung màu áo Real, nhưng giờ lại rất lạ khi trở về làm nhiệm vụ ĐTQG và sẽ đối đầu trực tiếp với nhau để phân định thắng thua. Kết cục sẽ có một người thua, tuy nhiên chắc chắn tranh cãi sẽ nổ ra ai mới thực sự là người xuất sắc hơn, là số 1 ở kỳ Euro 2016.
Đi theo chiều lịch sử, rõ ràng Ronaldo hơn hẳn Bale khi giành tới 3 QBV FIFA. Ngôi sao người Bồ Đào Nha đã lập vô số các kỷ lục danh hiệu và bàn thắng, là cầu thủ có số lượng CĐV khủng khiếp, là gương mặt đại diện của nhiều hãng kinh doanh nổi tiếng.
Nhưng Bale lại cầu thủ phá kỷ lục chuyển nhượng đắt giá nhất thế giới của Ronaldo, với số tiền lên đến 100 triệu euro. Bale có sức trẻ, khỏe, dẻo dai, tốc độ, sút bóng uy lực cũng chẳng kém gì CR7, thậm chí ở vào những khoảnh khắc nhất định, cựu cầu thủ Tottenham còn ăn đứt đàn anh.
Vì thế, chẳng lạ khi nhiều CĐV cho rằng một mình Bale đã kéo xứ Wales vào bán kết. Còn Ronaldo may mắn được cả đội “nhấc” vào cuộc thư hùng với Bale.