Bài toán U-19 + 3
HLV Toshiya Miura vừa tập trung các cầu thủ U-22 để chuẩn bị cho nhiều mục tiêu trong năm 2015.
Cũng cần phải giải thích vì sao là U-22 chứ không phải U-23 như mọi khi là do LĐBĐ châu Á quy định vòng chung kết U-23 châu Á thi đấu năm 2016 nên năm 2015 thi đấu vòng loại các cầu thủ phải trong độ tuổi U-22 để đến năm 2016 thì những cầu thủ đấy vừa đủ U-23 dự giải châu Á.
HLV Miura đã gọi 30 cầu thủ cho đợt tập trung lần này với nhiệm vụ đầu tiên là tham dự vòng loại U-23 châu Á năm 2016 vào tháng 3-2015. Danh sách tập trung lần này ồn ào bởi những cái tên từng xuất hiện trong màu áo U-19 Việt Nam.
Thời gian qua, truyền thông có vẻ săm soi vào chín cầu thủ HA Gia Lai lần đầu lên tuyển. Thực chất thì có hơi “bất công” vì đích thực lứa U-19 phải kể thêm hai cái tên rất nổi đình nổi đám được nhập chung cùng lứa HA Gia Lai thành đội U-19 Việt Nam đó là trung vệ Bùi Tiến Dũng (Viettel) và tiền đạo Hồ Tuấn Tài (SL Nghệ An).
Buổi tập đầu tiên chiều 24-2, thầy Miura (phải) đang tìm lời giải cho bài toán U-19 + 3. Ảnh: QUANG THẮNG
Như vậy là tổng cộng 11 cầu thủ U-19, con số vừa đủ một đội hình cộng với 19 cầu thủ còn lại mà chúng tôi gọi đây là đội U-19 + 3 (3 là số tuổi cộng thêm thành U-22).
Nhiều người cho rằng ông Miura ưu ái các cầu thủ U-19. Tuy nhiên, thực tế thì bóng đá Việt Nam trong điều kiện phải tập trung thành phần U-22 thì 30 cầu thủ hiện có mặt trong đợt tập trung lần đầu là những cái tên ưu tú nhất.
Có thể tiếc cho một Phan Văn Long cũng là một cầu thủ U-19 rất xuất sắc nhưng Long lại không có cơ hội chơi ở V-League như Tuấn Tài và các cầu thủ U-19 khác.
Nói như thế thì nhiều người cũng cho rằng Bùi Tiến Dũng có chơi được trận nào ở V-League đâu vì Viettel chưa lên chuyên nghiệp nhưng đấy là trường hợp đặc biệt mà ông Miura hoàn toàn nhận ra qua vai trò của Tiến Dũng rất lớn ở màu áo U-19.
Bài toán U-19 + 3 của ông Miura thực sự là bài toán khó, đặc biệt đối với việc hòa nhập của những cầu thủ U-19 do đa phần đây là lứa cầu thủ của một học viện đã ăn tập suốt với nhau bảy năm trời và chơi chung một lối chơi dưới sự hướng dẫn của một thầy (HLV Guillaume Graechen).
Cũng có ý kiến lại nói rằng đây là bài toán của riêng chín cầu thủ U-19 HA Gia Lai vì họ buộc phải thích nghi với lối chơi mới, tư duy mới và cách vào trận mới mà ông thầy Miura định cho đội U-22. Nói cách khác là chín cầu thủ HA Gia Lai phải thích nghi để tồn tại nhiều hơn là đá theo “khuôn mẫu” lò Arsenal JMG.
Mà lối đá của ông Miura thì đã phần nào được xác định đó là thật đơn giản với ít va chạm và phải di chuyển nhiều. Ở đấy vế sau (di chuyển nhiều) thì các cầu thủ trẻ HA Gia Lai đã tiếp thu ở CLB nhưng đá đơn giản thì họ buộc phải thay đổi rất nhiều.
Bài toán U-19 + 3 chắc chắn sẽ không đơn giản với một quỹ thời gian ngắn để bước ngay vào vòng loại U-23 châu Á 2016 tranh vào tháng 3 này.