Bài học cho các câu lạc bộ bóng đá
Về danh nghĩa, bóng đá Việt Nam đã trải qua chặng đường 20 năm đi lên chuyên nghiệp. Thế nhưng trong thực tế, vẫn còn rất nhiều điểm bất cập biến V.League trở thành nghiệp dư trong mắt giới mộ điệu, đặc biệt trong chuyển nhượng, ký kết hợp đồng và trả lương thưởng.
Việc HLV Fabio Lopez kiện thắng Thanh Hóa vì thế có thể là một bước ngoặt lớn cho các CLB ở V.League chỉn chu hơn khi đưa ra các hợp đồng có tính pháp lý quốc tế.
Sa thải kiểu Thanh Hóa
Tháng 7 năm ngoái, Thanh Hóa đã quyết định sa thải HLV Fabio Lopez theo kiểu của riêng họ. Thời điểm đó, Thanh Hóa còn nằm dưới quyền quản lý của bầu Đệ, và ông đã cho các cầu thủ… biểu quyết giữ hay không giữ HLV trưởng. Bất chấp danh tiếng và lý lịch đẹp của HLV Fabio Lopez, bầu Đệ vẫn đơn phương hủy hợp đồng giữa đôi bên và từ chối trả tiền đền bù với lý do HLV người Ý "không giỏi như quảng cáo".
HLV Fabio Lopez đương nhiên không chấp nhận cách hành xử của Thanh Hóa và ông lập tức thu thập hồ sơ, gửi đơn kiện lên Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Sau Fabio Lopez, HLV Nguyễn Thành Công rơi vào hoàn cảnh tương tự ở Thanh Hóa. Đáng chú ý, HLV Nguyễn Thành Công thậm chí tức tưởi hơn, bị bầu Đệ "ép ra đường" khi đang giúp đội bóng thi đấu thăng hoa.
Khác ở chỗ, HLV Nguyễn Thành Công là người Việt Nam và không muốn - hoặc không có đủ điều kiện để theo đuổi một vụ kiện tụng với Thanh Hóa. Sau khi bị can thiệp sâu vào chuyên môn, ông chủ động từ chức và Thanh Hóa không mất tiền đền bù. Sau vụ việc này, bầu Đệ tuyên bố các ông bầu khác nên học hỏi cách làm của ông.
Không may cho Thanh Hóa, không phải ai cũng "lành" như HLV Nguyễn Thành Công và đa số HLV nội khác. HLV Fabio Lopez đã kiện Thanh Hóa lên FIFA và đầu tuần này, ông tuyên bố mình đã thắng kiện.
Đáng chú ý, Thanh Hóa cũng không ngồi yên, theo tiết lộ của văn phòng luật sư SILA (người đại diện cho HLV Fabio Lopez). Họ đã gửi đơn phản tố lên FIFA, thuê luật sư kiện ngược người cũ. Tuy nhiên, các bằng chứng chỉ ra HLV Fabio Lopez mới là người đúng luật. Thanh Hóa hiện tại chỉ còn một cách là đưa vụ việc lên Tòa án trọng tài thể thao (CAS), nhưng nếu tiếp tục thua kiện, họ có thể phải bồi thường số tiền lớn hơn phán quyết ban đầu của FIFA, lên đến 200.000 USD (tương đương 4,6 tỷ VND).
Theo phán quyết của FIFA, Thanh Hóa có 45 ngày để trả tiền bồi thường cho HLV Fabio Lopez. Nếu quá hạn, họ sẽ bị phạt thêm tiền. Rắc rối nằm ở chỗ, CLB Thanh Hóa vừa đổi chủ trước mùa giải mới. Họ không còn nằm trong quyền quản lý của bầu Đệ mà về tay một công ty khác quản lý, với pháp nhân khác. Liệu HLV Fabio Lopez sẽ đòi tiền bồi thường từ công ty của bầu Đệ hay CLB Thanh Hóa hiện tại?
Diễn biến vụ việc này vì thế có thể trở thành một "án điểm", một vụ kiện chưa có tiền lệ để các CLB khác ở V.League rút kinh nghiệm, tạo ra một quy chuẩn chặt chẽ hơn trong hợp đồng với các HLV cũng như các cầu thủ.
Cách đây hai năm, Hải Phòng cũng từng thua kiện cầu thủ người Jamaica, Errol Stevens vì đơn phương hủy hợp đồng và bị phạt bồi thường 200 nghìn USD. Tuy nhiên, Hải Phòng đã chủ động xuống nước, đàm phán trực tiếp với Errol Stevens và tìm được thỏa thuận hòa giải.
Trong vụ việc giữa HLV Fabio Lopez và Thanh Hóa, chuyện hòa giải rất khó xảy ra. Trong tuyên bố gửi báo chí, HLV Fabio Lopez nhấn mạnh việc ông cảm thấy bị xúc phạm, tổn hại danh dự và hình ảnh vì cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của Thanh Hóa.
HLV Fabio Lopez tuyên bố thắng kiện bầu Đệ.
Không chỉ là pháp lý
Lật ngược vấn đề, lý do chính khiến bầu Đệ từ chối bồi thường cho HLV Fabio Lopez là cảm thấy "bị lừa". HLV người Ý được quảng cáo là cựu HLV đội Học viện AS Roma và có kinh nghiệm phong phú với bóng đá châu Á. Trước khi đến Thanh Hóa, ông dẫn dắt CLB Indonesia, Borneo FC và gây ấn tượng mạnh ở đội U23 Al-Ahli.
Mặt khác trong các thông tin về HLV Fabio Lopez cũng có việc ông rời một số CLB vì mâu thuẫn với ban lãnh đạo như Al-Orouba SC (Oman), và ở đa số các CLB, ông đều ra đi sau khoảng thời gian làm việc rất ngắn.
Đến Thanh Hóa, HLV Fabio Lopez thua cả 3 trận đầu tiên. Kết quả này là "không thể chấp nhận" với bầu Đệ, người có lẽ đã bỏ rất nhiều tiền để mời HLV người Ý về dẫn dắt đội bóng.
Điểm mấu chốt chính nằm ở đó, liệu HLV Fabio Lopez có thực sự tài năng và được đánh giá cao như người môi giới khen ngợi. Và ngay cả khi có tài năng, liệu ông có phù hợp với văn hóa bóng đá Việt Nam khi có cá tính mạnh và thích thay đổi đến vậy.
Vụ kiện rắc rối (và nhiều khả năng rất tốn kém) của Thanh Hóa sẽ không xảy ra nếu họ làm tốt khâu đầu tiên: đánh giá và chọn lọc các ứng viên phù hợp. Không cần nhìn đâu xa, HLV Nguyễn Thành Công là một ví dụ tiêu biểu cho cách làm này. Cho dù HLV người Nghệ An chỉ là "phương án chữa cháy" cho Thanh Hóa, nhưng ông lại phù hợp hoàn hảo với tiêu chí của họ, từ chuyên môn cho đến tính cách. Nhờ thế, Thanh Hóa có thể thoát khỏi khủng hoảng mà cũng không mất tiền bồi thường khi chia tay HLV Nguyễn Thành Công.
Nhìn xa hơn, quy chế chuyển nhượng của V.League cũng cần được hoàn thiện, không chỉ với HLV, mà với cả cầu thủ, để tránh biến giải đấu thành "cái chợ".
Bóng đá Đông Nam Á cũng chưa thoát “ao làng” Không chỉ V.League bỡ ngỡ với luật bóng đá quốc tế, mà các giải đấu hàng đầu ở Đông Nam Á cũng vậy. Cách đây 3 năm, đội bóng từng vô địch Malaysia và AFC Cup, Johor Darul Ta'zim đã bị HLV cũ Mario Gomez khởi kiện vì không chịu trả lương cho ông. Gần nhất, CLB Thái Lan Muangthong Utd đã bị thủ môn tuyển Việt Nam, Đặng Văn Lâm đơn phương hủy hợp đồng. Người đại diện của Văn Lâm, Andrey Grushin khẳng định ông làm đúng luật và không lo ngại việc bị Muangthong Utd kiện lên FIFA. Thực tế cho thấy phần đúng đang nghiêng về Văn Lâm khi thủ môn này được FIFA phê duyệt việc chuyển sang CLB Nhật Bản, Cerezo Osaka. Trong các vụ kiện trên, các CLB đều ở "phần thua". Nên chăng, họ cần có một chuyên gia pháp luật về bóng đá để thương thảo hợp đồng với các cầu thủ, HLV? Ở hướng ngược lại, các cầu thủ, HLV cũng nên chuẩn bị cho mình một người đại diện đủ trình độ để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân. |
Tờ Siam Sport e ngại sức mạnh của tuyển Việt Nam sẽ tăng lên khi có hậu vệ gốc Việt - Jason Pendant.
Nguồn: [Link nguồn]