B. Bình Dương: Mãnh lực đồng tiền
Chiếc cúp vô địch V-League đã giúp các nhà làm bóng đá Bình Dương thở phào nhẹ nhõm sau khi trút đi nỗi lo “Tiền đổ vào kiểu đấy mà không vô địch thì vứt”.
B. Bình Dương không vô địch là một điều bất hợp lý khi họ rất chịu chơi và chịu chi tưng bừng trên thị trường chuyển nhượng. Con đường đẹp huyết mạch của tỉnh thừa sức cho công ty thu tiền quảng cáo đắp vào bóng đá.
Không lo thiếu tiền và không lo thiếu cầu thủ
Ở B. Bình Dương chưa bao giờ lo thiếu tiền và thậm chí họ còn chơi rất sang cho mượn quân tứ xứ. Ví như bản hợp đồng 9 tỉ đồng của trung vệ Chí Công hay 8 tỉ đồng của chân sút Việt Thắng và “bèo” như Đình Hiệp có giá 3 tỉ đồng vẫn có thể cho ĐT Long An “mượn” một cách tượng trưng. Tuyển thủ như Tấn Trường còn dự bị suốt mùa hoặc chân sút số một Đặng Văn Thành từ bóng đá Hải Phòng chơi có hai trận V-League cứ như là B. Bình Dương cố tình làm các đối thủ… yếu đi.
Thầy trò HLV Lê Thụy Hải nâng cao cúp vô địch.
Cho nên 18 cái hợp đồng mới ở mùa này chơi cho B. Bình Dương mặc dù được giấu kín nhưng chỉ cần nhìn vào con số của các cầu thủ cho mượn đủ thấy họ hào phóng và bội chi ra sao.
Có rất nhiều tài năng của các lứa trẻ B. Bình Dương như Trung Hiếu, Trung Tín lên cho đủ chỗ hoặc các cựu tuyển thủ Mai Tiến Thành, Thành Trung, Tăng Tuấn, trung vệ U-23 Phạm Minh Đức; hay Quang Vinh, Huỳnh Phú thủ môn Minh Phong, Tấn Công, Đức Tài… vui vẻ chấp nhận có tiền chuyển nhượng cao hơn là khả năng cạnh tranh ra sân trau dồi chuyên môn. Cái chính vẫn là sức ép thành tích quá nặng nề khiến những nhà làm bóng đá Bình Dương không dám tin dùng cầu thủ trẻ hoặc lãng phí nhiều tài năng trong cơn thèm khát của các đối thủ.
Bài toán rút ruột đối thủ
Có một nghịch lý là B. Bình Dương rất mạnh chi cho công tác đào tạo trẻ với đầy đủ các lứa U kế thừa nhưng thực tế cầu thủ Bình Dương không sống nổi với nghề ngay trên sân nhà mình.
Những cầu thủ giỏi nhất của lò SL Nghệ An và cả Thanh Hóa mùa này đều đầu quân cho B. Bình Dương. Ảnh: CTV
Rất nhiều huấn luyện viên, các nhà chuyên môn bóng đá đang ở Bình Dương biết rất rõ những phi lý trong việc trồng người và đốt tiền tồn tại dai dẳng ở đấy nhưng vì chén cơm manh áo nên không ai dám mở miệng.
Sức mạnh của B. Bình Dương nằm trong tay người có quyền và có tiền buộc các thành viên phải tuân thủ luật im lặng và may mà chiếc cúp V-League đã cứu rỗi cho tất thảy.
Cách làm bóng đá chuyên nghiệp ở B. Bình Dương không lạ với kiểu chơi ở những mùa đầu V-League khi nhiều ông bầu đổ tiền mua cầu thủ giỏi về làm mưa làm gió với chức vô địch. Nó mua vui và làm thỏa mãn thú chơi của một vài người nhưng rồi lúc lên đỉnh chợt giật mình nhìn lại phía sau là một vùng trắng mênh mông.
B. Bình Dương hạnh phúc với chức vô địch nhưng người Bình Dương có mấy ai đủ dũng cảm vỗ ngực tự hào khi tìm đỏ mắt chỉ có mỗi Anh Đức là duy nhất trưởng thành từ bóng đá Bình Dương, còn lại đều là lính đánh thuê đến đây chỉ để được ăn, được nói, được gói mang về.
B. Bình Dương nhắm đến cú đúp và sân chơi châu Á Ngay từ đầu mùa giải, Trưởng đoàn Cao Văn Chóng đã tiết lộ B. Bình Dương có thể không vô địch V-League nhưng phải có chiếc cúp quốc gia. May mắn cho họ chiếc cúp V-League đã đến sớm và món tiền thưởng hơn 10 tỉ đồng như nguồn động lực lớn lao cho thầy trò ông Lê Thụy Hải cuối tuần này ra Hải Phòng chinh phục cúp quốc gia. Khả năng B. Bình Dương lập cú đúp mùa này là rất lớn bởi họ trội hơn chủ sân Lạch Tray về mọi mặt. Bên cạnh đó, nhờ nền tảng tài chính và cơ sở vật chất hoàn chỉnh, B. Bình Dương sẽ đại diện bóng đá Việt Nam tham chiến AFC Champions League mà theo ông Chóng là chơi ra trò với các nhà vô địch của châu Á. |