Atletico Madrid: Hình mẫu mà Barca phải... học hỏi
Fan Barcelona có thể căm ghét Atletico vì đã ngăn họ đi tiếp ở Champions League, nhưng Atletico là một đội bóng đáng để Barca và nhiều CLB khác học hỏi.
Nhìn lại trận đấu Atletico Madrid - Barcelona
Atletico Madrid lần thứ 2 trong vòng 3 mùa giải đã tiễn đưa Barcelona rời khỏi Champions League từ vòng tứ kết. Họ đã vào chung kết ở lần đầu tiên vào năm 2014 và suýt nữa đã vô địch (cho tới khi cú đánh đầu định mệnh của Sergio Ramos xảy ra). Liệu sẽ có lần thứ hai?
Những người hùng Atletico
Không ai nghĩ được rằng một Barcelona hùng mạnh, sở hữu bộ ba Messi – Suarez – Neymar, lại có thể bị loại bởi một Atletico Madrid đã thua ở lượt đi và không có Fernando Torres vì án treo giò. Thế nhưng đội bóng này đã vượt qua được Barca, không phải bằng tỷ số 1-0 như 2 năm trước, mà là 2-0. Hai lần thất bại trước Atletico là hai lần Barca không thể ghi bàn.
Trong buổi tối trước khi trận đấu bắt đầu, HLV Diego Simeone đã gần như tóm tắt bản chất tập thể của mình. “Là Atletico nghĩa là phải cứng rắn, hiếu thắng, không bao giờ bỏ cuộc và luôn vượt qua khó khăn”, ông nói. “Chúng tôi biết có rất nhiều đội bóng giỏi hơn chúng tôi, nhưng Atletico Madrid không có mục tiêu nào ngoài chiến thắng”.
Và chúng ta thấy điều đó ngay lập tức khi tiếng còi khai cuộc vang lên. Filipe Luis cướp bóng từ chân Messi, Diego Godin và Juanfran vào bóng cực mạnh với Neymar, và Luis Suarez bị phạm lỗi ngay bên phần sân nhà. Atletico dập tắt các đợt tấn công của Barca trước khi nó kịp hình thành.
Ngay cả bàn thắng mở tỷ số cũng là sản phẩm của sự quyết liệt. Koke để mất bóng do bị 3 hậu vệ Barca vây quanh. Nếu đó là Neymar hay Ronaldo thì sao? Họ sẽ ngã, giơ tay và hướng mắt về phía trọng tài đòi quả phạt. Còn Koke, anh đuổi theo Jordi Alba và dồn Alba vào cột phạt góc. Alba luống cuống phá bóng lên, bóng bị cắt, và bàn thắng xảy ra.
Diego Simeone - "Bố Già" của bóng đá TBN
Fan Barcelona có thể than tiếc rằng đội bóng của họ đã bị loại, đã bị từ chối một quả penalty và đội bóng chơi đẹp nhất của châu Âu đã không còn được cống hiến cho khán giả. Đá đẹp, hoa mỹ xét cho cùng chỉ là một phương tiện, chiến thắng mới là mục tiêu. Đừng bao giờ nhầm lẫn phương tiện với mục tiêu.
Atletico Madrid cũng có phương tiện của họ, đó là phòng ngự. Đội bóng nào cướp bóng nhiều nhất Champions League? Atletico. Cắt bóng nhiều nhất? Atletico. Tranh bóng bổng tốt nhất? Atletico. Manuel Neuer và David Alaba của Bayern Munich mỗi người đã mắc 1 lỗi trực tiếp dẫn đến bàn thua. Cả đội Atletico không ai mắc dù chỉ 1 sai lầm.
Tôi có thể nhìn thấy trên sân cảnh Filipe Luis và Koke đập tay nhau vì che được bóng của Barca đi hết đường biên ngang, Juanfran ôm đầu Gabi vì Gabi kịp phá bóng gần cầu môn, và Lucas Hernandez được Oblak ôm vì chắn cú sút nguy hiểm của Arda Turan. Khi dự bị Thomas Partey vào sân, việc đầu tiên của anh là đánh đầu phá ra một quả tạt.
Và cú đánh đầu phá bóng của Partey nhận được sự tán thưởng của các khán giả, mà không phải chỉ bằng những tiếng vỗ tay. Hãy lắng nghe các sân vận động, hầu hết khán giả chỉ rộ lên tiếng reo hò khi đội nhà lên bóng tấn công hoặc sắp có quả đá phạt. Các khán đài Atletico reo hò tán thưởng khi đội nhà phá được bóng.
Nỗ lực tập thể của Atletico giúp họ vượt qua Barca dù bị dẫn trước sau lượt đi
Đó là điều gì vậy? Các cầu thủ lẫn cổ động viên Atletico Madrid, họ không chỉ chấp nhận phòng ngự, họ còn yêu quý phòng ngự. Các cầu thủ sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ khung thành, và các khán giả làm tất cả để cho các cầu thủ biết rằng họ cực kỳ yêu thích những pha phá bóng lên, những cú chuồi bóng, những pha lăn người cản phá cú sút.
Trước đó một ngày, Cristiano Ronaldo khiến cả thành Madrid chú ý khi anh lập hat-trick để một mình vác Real Madrid vào bán kết. Cú đúp của Antoine Griezmann không tạo ra một cảm xúc chấn động ngang bằng, nhưng khi nhắc đến chúng là người ta sẽ nhớ đến công lao của tập thể: Từ Koke đuổi theo bóng, Saul Niguez tạt bổng cho tới khoảnh khắc xuất thần của Filipe Luis.
Vậy nên ở sân Bernabeu, khán giả vỗ tay lớn nhất khi tên của Cristiano Ronaldo được xướng lên và trên khán đài là một biển người mặc áo đấu của Ronaldo.
Còn ở Vicente Calderon, người ta mặc áo đấu của Gabi và Griezmann xen lẫn nhau, hát vang một ca khúc dành cho cầu thủ chưa khoác áo CLB quá 1 năm Yannick Carrasco, và dành những tràng pháo tay như sấm rộ khi tên của người xây nên tập thể Atletico, HLV trưởng Diego Simeone, được gọi trên loa lớn.
Có ai để ý trước trận đấu một bên khán đài sân Vicente Calderon có một dòng chữ tiếng Tây Ban Nha? Đó là dòng chữ “Juntos Hacia La Victoria”, “cùng nhau tới chiến thắng”. Đó lẽ ra không chỉ là khẩu hiệu của riêng Atletico Madrid, đó nên là khẩu hiệu của mọi đội bóng đá.
"Cùng nhau đi tới chiến thắng"