ASEAN Super League: Trong mơ hay... lơ mơ?
Tại cuộc họp Hội đồng thi đấu Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đang diễn ra tại Malaysia, AFF đã quyết định tổ chức ASEAN Super League lần đầu tiên vào tháng 8.2016. Quyết định vậy, nhưng để giải đấu này thực sự thành hình thì còn quá nhiều điều cần bàn.
Lăn tăn vấn đề “đầu tiên”
Như đã đề cập, từ giữa tháng 4.2013, theo ý tưởng ban đầu của AFF, ASEAN Super League sẽ ra đời, quy tụ 16 câu lạc bộ (CLB) tới từ các quốc gia có nền bóng đá phát triển trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
AFF khuyến cáo các CLB được cử làm đại diện dự ASEAN Super League tốt nhất nên là một CLB hoàn toàn mới do Liên đoàn Bóng đá quốc gia thành viên của AFF thành lập. Nếu là CLB đang dự giải vô địch quốc gia thì cần bảo đảm lực lượng để thành lập một đội hình hoàn toàn tách biệt dự giải, tránh trường hợp quá tải khi đồng thời phải dự cả giải vô địch quốc gia, AFC Champions League hay AFC Cup.
HAGL và Hà Nội T&T là những đội có đủ tiềm năng về lực lượng và tài chính để dự ASEAN Super League. Ảnh: Minh Hoàng
Được biết, Ban tổ chức ASEAN Super League sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, các đội thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm xếp hạng. Như vậy, mỗi CLB sẽ chơi đến 30 trận/mùa, kéo dài khoảng 9 tháng.
Trong điều kiện lý tưởng, rõ ràng ASEAN Super League là cơ hội để các đội bóng trong khu vực giao lưu, học hỏi, cải thiện trình độ, qua đó cũng kiếm được thêm những khoản kinh phí về tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình. Nhưng thực tế, mọi thứ vẫn còn rất mơ hồ.
Trao đổi với NTNN chiều 26.10, ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA bày tỏ: “Nếu như SLNA được phía VFF đặt vấn đề, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tham dự. SLNA có lực lượng cầu thủ trẻ tốt và việc thi đấu nhiều sẽ giúp các cầu thủ dày dạn hơn. Giải đấu cũng góp phần quảng bá hình ảnh CLB và nhiều cơ hội có thành tích hơn hẳn AFC Cup hay AFC Champions League. Khúc mắc lớn nhất theo tôi vẫn là vấn đề kinh phí. SLNA và nhiều đội bóng khác để có đủ tiền dự V.League đã khó. Giờ lấy đâu tiền ra đáp ứng khoản tiền để dự ASEAN Super League (dự kiến phải có trong tài khoản ngân hàng 5 triệu USD-PV)” (?!).
Giấc mơ phi thực tế
Phía trước, VFF dự kiến sẽ đặt vấn đề tham dự giải với những CLB có đủ tiềm năng tài chính như đương kim vô địch V.League Bình Dương, đương kim á quân V.League Hà Nội T&T, HAGL... Tuy nhiên, các CLB này đều tỏ thái độ e ngại.
Ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn bóng đá HAGL nói: “Tôi cũng mới biết thông tin về ASEAN Super League qua báo chí chứ chưa có gì rõ ràng. Phải chờ AFF, VFF làm rõ các vấn đề về tài chính, điều lệ thi đấu (thi đấu sân nhà-sân khách hay thi đấu tập trung), chất lượng đội bóng tham dự (nếu ta mang đội bóng mạnh ra đọ sức với các đội bóng trẻ của các nước khác thì cũng vô tác dụng), chất lượng giải đấu, ban tổ chức giải đấu gồm những thành phần nào, hoạt động ra sao… thì mới có thể đưa ra quyết định. Tôi nghĩ, làm gì tốt cho sự phát triển bóng đá nước nhà, phục vụ tốt nhất cho người hâm mộ thì HAGL và các CLB khác đều ủng hộ thôi”.
Chia sẻ với ý kiến của ông Tấn Anh, ông Nguyễn Quốc Hội- Chủ tịch CLB Hà Nội T&T băn khoăn: “Từ nay đến tháng 8.2016 chỉ còn 10 tháng nữa. Nhưng lúc này, mọi thứ vẫn ở trên bàn giấy thì tôi e khó tổ chức được vào đúng hạn định. Từ nay tới cuối năm, chắc VFF sẽ tham khảo một số CLB hội đủ các điều kiện dự giải. Được đại diện cho quốc gia thi đấu là rất vinh dự, nhưng gấp gáp quá cũng khó cho các CLB. Về kinh phí, tôi nghĩ nếu bằng 1/3 V.League thì các đội còn chơi được. Chứ nếu như dự kiến phải có trong tài khoản ngân hàng 5 triệu USD thì chẳng ai dự đâu. Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng vậy”.
Ông Cao Văn Chóng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Bình Dương cho biết: “Chúng tôi không lo về vấn đề lực lượng, tài chính. Nhưng AFF, VFF cần làm rõ nhiều vấn đề để ra được điều lệ giải thì Bình Dương mới có thể căn cứ vào đó để quyết định có tham dự hay không”. |