ASEAN Super League sẽ… chết yểu
Bất chấp những nhà chuyên môn, những công ty tổ chức bóng chuyên nghiệp đưa ra những nhận xét chẳng hề sáng sủa, nhưng ASEAN Super League (ASL) vẫn sẽ ra đời vào tháng tám năm tới.
Trước tiên phải nói về cơ cấu của giải này, những nền bóng đá mạnh Đông Nam Á (AFF) như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia (đang bị FIFA trừng phạt) mỗi quốc gia sẽ có hai nhà vô địch tham dự (vô địch V- League và vô địch Cúp Quốc gia).
Những nền bóng đá nhỏ hơn như Đông Timor, Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar sẽ chỉ một đại diện. Có tổng cộng khoảng 18 đến 20 CLB (tùy theo sự lớn mạnh của từng nền bóng đá mà AFF phân suất thêm). Thể thức thi đấu của giải là vòng tròn hai lượt đi và về (như V- League), kéo dài trong vòng 8 tháng. Mỗi vòng đấu rơi vào một ngày thích hợp trong tuần).
Có rất nhiều nhà chuyên môn, các chuyên gia của các công ty tổ chức bóng đá chuyên nghiệp hoài nghi nhưng AFF vẫn quyết định tổ chức khi có sự hậu thuẫn rất mạnh từ World Sports Group (WSG). Nhất là nguồn tiếp thị và tài trợ rất mạnh để giải thưởng đủ thu hút các CLB tham dự một cách nhiệt tình và với lực lượng mạnh nhất.
Các HLV của các CLB mạnh Đông Nam Á có người biết, người chưa biết nhưng đều tỏ ra hoài nghi, có người bất mãn vì AFF chẳng thông báo cho họ chuẩn bị mà bị rơi vào cảnh “dắt mũi” dẫn đi. Bởi giải ASL là một giải đồ sộ và kéo dài 2/3 năm chứ chẳng phải đá tập trung rồi xong.
Giám đốc điều hành Kevin Ramanglingam của công ty tổ chức M-League lên truyền hình “Talk Show” nói về ASEAN Super League
Đấy cũng chính là vấn đề mà các CLB quan ngại. Mỗi một CLB tham dự giải trong nước, có quốc gia hai giải chính, có quốc gia ba giải (có League Cup như Thái Lan, Malaysia) thì chuyện trở nên căng thẳng. Nếu một CLB vừa tham dự giải trong nước vào các ngày cuối tuần (chưa kể nhiều vòng đấu giữa tuần và cuối tuần) thì làm sao họ đá thêm ASL.
Cung đường di chuyển của 11 nước ASEAN không phải là ngắn, nhất là “đất nước vạn đảo” Indonesia (sau này FIFA cởi bỏ lệnh trừng phạt). Ông Kevin Ramangligam, giám đốc điều hành công ty tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Malaysia cho biết: “Công ty hợp tác với đối tác MP&Silva hàng năm tổ chức ba giải đấu là M- League, Cúp Quốc gia và League Cúp mà lượng khán giả đến sân đã ít. ASL ra đời nhất định sẽ chẳng thu hút được khán giả.
Trong thâm tâm tôi muốn giải đấu ASL ra đời và thành công nhưng hiện nay nó đã đối đầu với quá nhiều vấn đề còn bất cập mà nhà tổ chức sẽ đốt mặt.
Theo kế hoạch, ASL đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2016 với 18 CLB tham dự. Các nhà tổ chức khuyến cáo là mỗi CLB phải xây dựng hệ thống cổ động viên để thu hút giải đấu. Tuy nhiên áp lực mà những CLB mạnh dự ASL là việc ký kết với các cầu thủ có chất lượng tốt, lương bổng của họ sẽ phải tăng vọt vì giờ lao động của họ nhiều hơn.
Trong khi đó những CLB tham gia giải đấu ăn chia như thế nào vẫn không được ban tổ chức nói ra. Ông Kevin dẫn ra rằng các cầu thủ Malaysia như Talaha, Safiq Rahim, Salee có mức lương 10.000 USD tháng, nhưng khi họ tham dự ASL thì lương của họ phải tăng gấp đôi, điều này gây áp lực lên ông chủ CLB rất lớn. Tương tự như thế các cầu thủ giỏi của Thái Lan có mức lương trong khoảng 10.000 đến 20.000 USD thì ông chủ CLB phải tiếp tục tăng cho họ khi tham dự ASL.