Arsene Wenger và tính hai mặt của lòng trung thành
Phải chăng chúng ta đã đánh giá quá cao lòng trung thành của Arsene Wenger?
Năm 2016 khép lại với Arsenal theo cái kết cục quen thuộc như thường lệ: không danh hiệu.
Hoặc nói một cách khác, danh hiệu duy nhất Pháo thủ chinh phục là… một suất trong Top 4 Premier League. Và họ đã xuất sắc “bảo vệ” nó thành công trong năm thứ 12 liên tiếp.
Sự tương phản giữa Ferguson và Wenger
HLV Arsene Wenger có thể tự thưởng một chai champagne và hài lòng khi nhìn lại 12 tháng của mình. Tháng 10 vừa qua, nhà cầm quân người Pháp kỷ niệm tròn 20 năm dẫn dắt Arsenal và củng cố vị thế HLV có thâm niên lâu nhất trong 5 giải VĐQG. Việc Pháo thủ giành Á quân Ngoại hạng Anh lần đầu tiên kể từ mùa bóng 2004-05 cũng được xem là thành công, ít nhất theo tiêu chuẩn của ngài “Giáo sư”.
Năm 2016 khép lại với Arsenal theo cái kết cục quen thuộc như thường lệ: không danh hiệu.
Trong một thời đại nhiều biến động mà “tuổi thọ” trung bình của một HLV ở một CLB chỉ khoảng trên 1 mùa giải thì lòng trung thành của Arsene Wenger là thứ cần được trân trọng. Đặc biệt là khi Wenger đã có cơ hội hưởng lương cao hơn nếu nhận lời dẫn dắt Real Madrid hay Paris St. Germain.
Lòng trung thành của Sir Alex Ferguson, người dẫn dắt Manchester United 26 năm rưỡi sẽ lưu truyền mãi mãi trong sử sách bóng đá. Ferguson không chỉ biến Man United thành một thế lực của Premier League mà còn đưa bóng đá Anh trở lại vị thế hùng mạnh ở Cúp châu Âu sau nhiều năm bị UEFA “cấm vận”. Không có Sir Alex, MU chắc chắn không có được vị thế hôm nay.
Nhưng còn Arsene Wenger, có thể nhìn nhận thế nào về lòng trung thành của vị chiến lược gia người Pháp?
Trong mọi thời đại và mọi hệ tư tưởng thì lòng trung thành, sự thủy chung… vẫn là một giá trị chuẩn mực mà con người hướng đến. Lòng trung thành của Wenger là thứ đáng tôn trọng, nhưng trái lại, không nên được tôn thờ.
Cây bút John Carlin trong một bài bình luận trên tờ El Pais (Tây Ban Nha) đã đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta đã đánh giá quá cao lòng trung thành của Wenger?
John Carlin là một nhà báo người Anh, sinh ra tại Bắc London (nhà rất gần sân Emirates cũng như sân cũ Highbury) nhưng có nhiều năm làm việc ở Tây Ban Nha, theo dõi Real Madrid và còn xuất bản một cuốn sách về đội bóng này.
Carlin đặt ra những câu hỏi nhức nhối: Arsenal là đội bóng lớn nhất ở London - thành phố lớn, giàu mạnh và cuồng bóng đá bậc nhất châu Âu. So với London, Madrid chỉ như một ngôi làng. Vậy tại sao đội bóng vĩ đại nhất lại đóng ở Madrid? Tại sao Arsenal so với Real chỉ giống như một CLB hạng hai ở sân chơi châu lục?
Sự tương phản giữa Arsenal và Real Madrid
Sẽ là hết sức vô lý và cạn tàu ráo máng nếu nói rằng Wenger kìm hãm sự phát triển của Arsenal. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng tư tưởng bằng lòng và cách nghĩ “Top 4 là đủ” của ông chính là trở ngại trên con đường “tiến hóa” của đội bóng.
Khi Wenger đến, Arsenal đã có 10 chức vô địch nước Anh, tức là không hề thiếu bề dày lịch sử nếu biết rằng khi Alex Ferguson mới đến Man United, “Quỷ đỏ” mới vô địch 7 lần. Vậy mà trong khi Ferguson giúp MU vô địch Champions League 2 lần cùng 2 lần vào chung kết thì Arsenal của Wenger có lẽ sẽ mãi mãi là đội bóng vĩ đại nhất không thể vô địch châu Âu.
Arsenal của Wenger có lẽ sẽ mãi mãi là đội bóng vĩ đại nhất không thể vô địch châu Âu.
Tư tưởng bằng lòng của Wenger được duy trì trong thời gian dài hơn một thập kỷ đã kéo theo một hệ lụy là sự bằng lòng trong cả tập thể, từ ông chủ, ban lãnh đạo, ê-kíp huấn luyện cho tới các cầu thủ. Thậm chí ngay cả các fan của Pháo thủ - những người phải cắn răng mua những tấm vé đắt đỏ nhất - cũng tỏ ra bằng lòng.
John Carlin đã đến sân Emirates xem Arsenal đá với Paris St. Germain ở vòng bảng Champions League mùa này và hết sức ngạc nhiên với tư tưởng đá cầu hòa của đội chủ nhà, đối nghịch với tinh thần quyết thắng của đội khách PSG. Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2, 1 điểm giúp Arsenal chính thức giành vé vào vòng 2 và các CĐV đứng dậy ra về, lộ vẻ hài lòng.
Trong một trường hợp tương tự, khán giả ở Bernabeu sẽ huýt sáo, chửi rủa các ngôi sao Real Madrid (Cristiano Ronaldo đã không ít lần bị CĐV la ó dù ghi bàn). Họ sẽ mang sự bực tức ấy về nhà, thậm chí đem theo đến công sở vào hôm sau, rồi thì lên mạng xã hội chỉ trích đội bóng.
John Carlin, tác giả cuốn “Những thiên thần trắng” (White Angels) từng viết rằng lý do quan trọng khiến Real Madrid chiến thắng không phải bởi các cầu thủ được cổ vũ mà là bởi họ sợ bị chửi rủa nếu thua cuộc.
Ở một nơi như thế, nơi mà chiến thắng và danh hiệu luôn là ưu tiên số 1 thì lòng trung thành luôn là thứ xa xỉ. HLV trắng tay một mùa giải đã bị sa thải, không thể trắng tay 10 mùa vẫn yên vị như là Wenger ở Arsenal.
Càng ổn định càng... bất ổn 8 mùa bóng gần nhất (2009-2016), chức vô địch Champions League đều thuộc về những HLV “mới”. Carlo Ancelotti (Real Madrid), Luis Enrique và Pep Guardiola (Barcelona) vô địch ngay mùa đầu tiên nắm CLB (Pep vô địch lần nữa ở mùa thứ ba). Jupp Heynckes (Bayern Munich) và Jose Mourinho (Inter Milan) chiến thắng ở mùa thứ hai. Roberto Di Matteo (Chelsea) và Zinedine Zidane (Real) thậm chí đoạt Cúp chỉ sau vài tháng. Bayern mùa này có HLV thứ 3 trong 5 năm. Zidane là HLV thứ 3 của Real trong 3 mùa giải. Chelsea có HLV thứ 5 kể từ năm 2012. Enrique ở Barca là HLV thứ 3 kể từ khi Pep rời đi mùa Hè 2012. Mourinho là HLV thứ tư của MU trong 4 năm hậu kỷ nguyên Sir Alex. Juventus trong 6 năm dùng 5 HLV… Thế giới bóng đá bây giờ không còn quá coi trọng sự ổn định. Càng ổn định càng... bất ổn mà càng bất ổn thì càng… ổn. Trong 5 giải VĐQG hàng đầu thì HLV giàu thâm niên thứ hai, sau Wenger, là Christophe Galtier của St.Etienne (7 năm). Đa số chúng ta không biết đến Galtier và St.Etienne cho tới khi họ gặp MU tại vòng 2 Europa League mùa này. Giống như Wenger, Galtier không có danh hiệu nổi bật nào ngoại trừ chiếc Cúp Liên đoàn Pháp. |