Arsene Wenger: Danh hiệu ít, lương tăng vẫn đều
Bất chấp PSG, ĐT Pháp, Monaco… liên tục lao tới vồ vập Arsene Wenger, “Giáo sư” vẫn trung thành tuyệt đối với Arsenal, và sau danh hiệu FA Cup, thời đại Wenger sẽ được tiếp tục với bản hợp đồng 3 năm.
Thành tích ít, kiếm tiền đều
Có một điều khi nói về Wenger, đó là trong bối cảnh Arsenal không giàu có về tiền bạc cho lắm và phải bán đi các cầu thủ chủ lực để trang trải tài chính, Wenger mỗi lần gia hạn lại được tăng lương. Quả thực, nếu Arsenal trải qua gần 10 năm không danh hiệu nhưng vẫn ăn nên làm ra với doanh thu cứ tăng đều đặn hơn 15% mỗi năm, làm sao mà những người đứng đầu Arsenal lại không thể không nâng lương cho Wenger?
Phải nhấn mạnh rằng bất chấp không danh hiệu trong thời gian khá dài, Arsenal vẫn làm ăn được, trong khi điều đó không thể nói về Liverpool trong giai đoạn gian khó hậu Rafa Benitez, hay gần đây nhất là Manchester United. Cái ví của hai đội bóng này bị đánh vào một cách đáng kể, chủ yếu do cách phân phối tiền bản quyền truyền hình theo tư tưởng bình quân chủ nghĩa của Premier League. Báo chí Anh vừa đưa ra con số cho biết các đội Top 7 mỗi đội đều nhận ít hơn con số mà họ đáng ra được hưởng tối thiểu là 29 triệu bảng, và tối đa là hơn 70 triệu bảng (rơi vào trường hợp của Liverpool và MU).
Khó khăn tài chính buộc Wenger phải bán những cầu thủ tốt nhất như Van Persie
Chúng ta sẽ còn phải đặt sự kiện vào bối cảnh lớn hơn. Mùa Hè năm 2004, công đoạn xây dựng sân Emirates đã được thúc đẩy, và chi phí xây dựng đã bắt đầu làm thâm hụt ngân sách của Arsenal. Nó sau đó đã trở thành bản lề cho sự ra đi đáng kể của các trụ cột, trong đó mất mát lớn nhất là Patrick Vieira chuyển sang Juventus. Arsenal rời bỏ Highbury cũng đồng nghĩa một giai đoạn khó khăn mới sẽ diễn ra, giống như Barcelona trước khi chuyển sang sân Nou Camp và trải qua vài năm đầu lẹt đẹt thành tích.
Lương cao là xứng đáng
Để bảo đảm an ninh tài chính, Arsenal khi đó đã ký một loạt những hợp đồng tài trợ. Những bạn hàng lớn nhất của Arsenal khi đó là hãng hàng không Emirates, Nike và Carlsberg. Những đối tác này được ký 10 năm với đội bóng London, đảm bảo cho Arsenal mỗi năm thu về 70 triệu bảng tiền tài trợ. Đó là một nguồn thu ổn định, đủ cho Arsenal sống qua ngày cho tới khi thu hồi vốn và sinh lãi từ SVĐ mới.
Những bản hợp đồng dài hạn ấy có cái bất lợi của nó, đó là Arsenal không thể ký với nhà tài trợ mới để được thêm nhiều tiền, còn nhà tài trợ cũ cũng không thể thương lượng để làm một thỏa thuận mới. Manchester United và Real Madrid chỉ ký 2-3 năm với các nhà tài trợ, để khi hết hợp đồng họ có thể thương lượng tiếp để kiếm thêm nhiều tiền hơn hợp đồng cũ. Vì thế trong một thời gian rất dài, Arsenal bị tắc với số doanh thu 70 triệu bảng từ tài trợ trong khi các đối thủ thì vượt rất xa.
Không thể chê trách Wenger bởi ông đã làm tốt nhất trong cuộc chơi với những đối thủ giàu có
Kẹt với những bản hợp đồng cũ là chủ trương của chính Wenger. Tuy nhiên việc thi đấu kiếm thành tích vẫn cần phải được đặt làm ưu tiên, và do đó Wenger bắt đầu vận động cơ bắp lẫn chất xám. Ông đưa về rất nhiều tài năng trẻ để đào tạo, mạng lưới tuyển trạch của Wenger trải rộng khắp thế giới, đặc biệt nhiều giám đốc các học viện bóng đá là bạn thân hoặc đồng nghiệp cũ của ông. Wenger đã gây dựng mạng lưới này từ trước cả khi sân Emirates khởi công xây dựng (xa nhất là từ năm 2002), bởi ông biết hệ quả của nó sẽ như thế nào với kinh tế của Arsenal, do đó cây nhà lá vườn là rẻ nhất.
Như chúng ta đã biết, Arsenal đã không lỡ Champions League năm nào sau khi chuyển sang sân mới. Đó là một thành công, bất chấp người ta thấy trống vắng danh hiệu trong phòng truyền thống và sự ra đi của nhiều ngôi sao. Nhờ làm kinh tế hiệu quả nhưng vẫn giữ Arsenal trong Top 4 nên Wenger lần nào cũng vậy, luôn được tăng lương bất chấp đội bóng không giành được danh hiệu nào cho tới khi đoạt FA Cup.
Mùa Hè 2014 này chính là thời điểm mà các bản hợp đồng tài trợ lớn nhất của Arsenal hết hạn (chẳng hạn Nike), và The Gunners sẽ có cơ hội để đàm phán cho những bản thỏa thuận kếch xù hơn. Nó sẽ cho phép lợi nhuận của Arsenal tăng phi mã và đưa CLB vào một giai đoạn thành công về thương mại mới. Ngay tháng 1 năm nay họ đã ký xong với Puma để nhận tài trợ trị giá 150 triệu bảng trong 5 năm, và thỏa thuận sẽ có hiệu lực khi mùa bóng mới bắt đầu.
Có ai để ý chính sách trẻ hóa của Arsenal đã kết thúc từ năm 2012? Đó là năm Robin Van Persie rời khỏi CLB và Arsenal thế chỗ Van Persie bằng những bản hợp đồng chuyển nhượng khá đắt tiền, và năm 2013 vừa qua “bom tấn” Mesut Ozil cập bến London. Arsenal giờ không còn trẻ hóa đội hình nữa bởi nguồn tiền đã được lưu thông trở lại sau nhiều năm tắc ở một con số.
Mà với thành tựu sống sót qua thời gian khó như thế, sẽ là hơi bạc bẽo nếu Arsenal không giữ lại Arsene Wenger. Ít nhất cũng nên để ông ở lại để an hưởng thành quả mà chính mình xây dựng.